Kiến nghị không giảm gần 4.000 tỷ vốn đầu tư công cho 5 dự án giao thông

Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất về việc muốn giữ lại 3.750 tỷ đồng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để có nguồn lực phân bổ cho 5 dự án giao thông khi có quyết định chủ trương đầu tư...

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính về việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án và phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, vào cuối tháng 11/2022,  đã có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và báo cáo trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công về tình hình hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, kiến nghị phương án phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đến nay, theo kết quả thẩm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải còn lại hơn 3.750 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết.

Số vốn này dự kiến hỗ trợ dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) hầm Đèo Cả 1.180 tỷ đồng. Cùng với vốn đối ứng cho 3 dự án ODA gồm mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1A; tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ: Quốc lộ 53, Quốc lộ 62 và Quốc lộ 91B tại đồng bằng sông Cửu Long và dự án đấu nối ray giữa Ga Lào Cai với Ga Hà Khẩu Bắc hơn 2.570 tỷ đồng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, đối với phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ dự án BOT hầm Đèo Cả, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thống nhất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giao kế hoạch trung hạn.

Về 3 dự án ODA, Bộ Giao thông vận tải đã lập đề xuất dự án nhưng chưa được phê duyệt đề xuất do thủ tục sử dụng vốn ODA phức tạp, cần nhiều thời gian để xử lý.

Riêng dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc là dự án có ý nghĩa hết sức cấp thiết và quan trọng để tổ chức vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt nhưng đến nay vẫn khó khăn, chưa thỏa thuận được vị trí đấu nối với phía Trung Quốc.

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo các cấp có thẩm quyền không điều chỉnh giảm nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ này để bảo đảm khả năng cân đối vốn cho các dự án khi quyết định chủ trương đầu tư.

Về vốn nước ngoài đối với dự án ODA chuyển tiếp, với các dự án đã có chủ trương đầu tư, hiện Bộ Giao thông vận tải chưa có nhu cầu bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm