Vượt khó khăn để lấy lại uy tín với đối tác
Vào tháng 8 năm 1994, DAFCO được thành lập. Đối tác duy nhất lúc đó của DAFCO là Công ty TNHH Hài Mỹ Đài Loan (Jimbrother’s). Ngày 22/6/2005, DAFCO chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Hiện tại, DAFCO có 45% số vốn điều lệ thuộc sở hữu Nhà nước, do Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ, 55% vốn còn lại thuộc sở hữu là người lao động trong công ty.
Lúc công ty đi vào cổ phần hóa cũng là thời điểm nội tình rơi vào tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt”: Các cổ đông mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi tranh giành quyền lực và quyền điều hành, lãnh đạo công ty bị cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố về tội tham ô tài sản. Rơi vào vòng xoáy quyền-thế, bộ máy lãnh đạo khi đó không còn đoái hoài gì đến người lao động khiến họ năm lần bảy lượt đình công tự phát bởi thu nhập thấp, bữa ăn quá đạm bạc, các chế độ tai nạn lao động, ốm đau, thai sản của người lao động chi trả chậm...
Điều đáng nói, trong hơn 4 năm liền từ 2010 đến 8/2014, công ty không có giám đốc, chỉ có chủ tịch HĐQT được ủy quyền làm giám đốc để xử lý điều hành mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Trước thực trạng này, đối tác là Công ty Jimbrother’s đã huỷ hợp tác và chuyển địa điểm lên Phú Thọ gia công. Điều đó đã khiến công ty đứng trước bờ vực phá sản, hơn 3.000 người lao động có nguy cơ không có việc làm.
Xót xa trước tình cảnh của doanh nghiệp lúc đó, một số cá nhân đã đứng lên bảo vệ quyền lợi cho người lao động cũng như quyết lấy lại uy tín với bạn hàng bằng cách tổ chức nhiều cuộc họp để đi đến thống nhất về việc tổ chức đại hội. Và sau nhiều cuộc họp tranh cãi nảy lửa, ngày 21/8/2014, công ty đã tổ chức được đại hội thường niên thành công sau 8 năm không tổ chức hoặc tổ chức không đúng quy định của pháp luật...
Sau đại hội, bộ máy lãnh đạo công ty được kiện toàn. Với mục tiêu “Giữ uy tín với bạn hàng, luôn vì người lao động”, ban lãnh đạo công ty đã bắt tay ngay vào việc từng bước khôi phục, khắc phục hạn chế cũ, dần lấy lại lòng tin của khách hàng, đặc biệt là các đối tác nước ngoài. Đối tác Jimbrother’s đã quay lại ký hợp đồng mới với đơn vị. Họ còn cam kết tiếp tục đầu tư tại DAFCO lâu dài nếu công ty ổn định và phát triển...
Sự thay đổi mạnh mẽ đó cộng với đời sống được quan tâm, chăm lo đã khiến người lao động hăng hái thi đua sản xuất. Thế nên sản phẩm của công ty luôn đạt loại A và được đối tác tin cậy, từng bước khẳng định vị thế của công ty trong lĩnh vực gia công hàng xuất khẩu.
Quyết giữ “trận địa”
Đang trên đà phát triển sau nhiều năm đình trệ, DAFCO cũng như bao doanh nghiệp khác lại gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Trong 2 năm qua (2020-2021), DAFCO bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu khiến cho các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu tiêu dùng suy giảm mạnh. Điều đó đã làm cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trong khi đó chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất.
Khó khăn lại chồng chất khó khăn khi DAFCO rơi vào tình trạng hàng sản xuất ra không thể xuất khẩu, rất nhiều đơn hàng đã phải hủy bỏ. “Nếu đợt dịch bùng phát kéo dài, DAFCO còn có thể rơi vào tình thế bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng; lưu thông hàng hóa gặp khó khăn…” - Ông Nguyễn Đức Đăng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc DAFCO buồn rầu nói.
Chưa kể, đại dịch cũng làm cho DAFCO gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chiến lược vừa sản xuất, vừa chống dịch. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/07/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch Covid-19, DAFCO đã bắt tay triển khai “3 tại chỗ”: chuẩn bị cơ sở vật chất để đảm bảo giãn cách trong sản xuất, ăn uống và chỗ nghỉ của người lao động, triển khai ngay việc lấy mẫu xét nghiệm PCR định kỳ... Với chiến lược đó, DAFCO đã giữ được “trận địa”, tuy nhiên chi phí cho giai đoạn này đã tăng gấp 3 lần so với bình thường. Tác động khủng khiếp của đại dịch cũng khiến cho doanh thu năm 2021 theo tính toán sơ lược chỉ đạt 4,6 tỷ, trong khi DAFCO đặt mục tiêu doanh thu lên đến 11 tỷ.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn là vậy nhưng ông Đăng vẫn khẳng định: “Doanh thu sụt giảm như thế nào, chi phí lớn cỡ nào cũng không bằng giữ được đơn hàng, giữ được uy tín với bạn hàng, không bị đứt gãy sản xuất. Cái lợi đó còn lớn hơn nhiều, không tính được”.
Hi vọng, sau khi đại dịch kết thúc, với “kim chỉ nam” là “luôn giữ uy tín với bạn hàng, luôn vì người lao động” như Tổng giám đốc Đăng và bộ máy lãnh đạo luôn hướng tới và đi theo, DAFCO sẽ sớm lấy lại “phong độ” và lại tiếp tục vững bước trên “đôi giày vạn dặm” của mình.
Chú thích ảnh:
Ảnh 1: Gia công sản phẩm trên dây chuyền phân xưởng may
Ảnh 2: Gia công sản phẩm trên dây chuyền may
Ảnh 3: Dây chuyền sản xuất ở phân xưởng gò 1