Về lý thuyết, lãi dự thu là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tăng lai và thường tăng theo tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ lãi dự thua quá lớn, hoặc tốc độ tăng nhanh lại là một dấu hiệu cảnh báo đối với các nhà đầu tư.
Trong 9 tháng qua, SeABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 683 tỷ đồng). Tuy nhiên, lãi dự thu của ngân hàng cũng tăng rất mạnh, từ 2.842 tỷ đồng, lên 4.194 tỷ đồng, tức tăng gần 48%.
Hay như VietBank cũng tăng lãi dự thu rất mạnh đạt 1.566 tỷ đồng trong 9 tháng qua, tăng 74,2% so với cùng kỳ.
Một số ngân hàng khác, mức độ tăng lãi dự thu tuy chậm hơn, song cũng chiếm tỷ trọng rất lớn. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân đội có lãi dự thu 4.086 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, Sacombank dẫn đầu về lãi dự thu, song diễn biến lãi dự thu của ngân hàng này hết sức tích cực. Các khoản lãi, phí phải thu tại thời điểm ngày 30/9 là 20.610 tỷ đồng, giảm khá nhiều so với mức 23.154 tỷ đồng hồi đầu năm. Tiến trình xử lý nợ xấu tích cực đang khiến lợi nhuận ngân hàng này cải thiện ngày một tích cực.
Trước đó, hồi đầu năm 2019, Thống đốc NHNN đã có văn bản yêu cầu các TCTD nghiêm túc thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, TCTD thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi có dự thu lớn để kịp thời thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi.
Lý giải về động thái này của cơ quan quản lý, một chuyên gia ngân hàng cho biết, lãi dự thu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi (bao gồm cho vay khách hàng), ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, nhưng khoản này vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập của ngân hàng.
Theo quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BTC, các TCTD chỉ được hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào thu nhập đối với các khoản nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích dự phòng rủi ro (nợ nhóm 1). Đối với các khoản phải thu đã hạch toán vào thu nhập nhưng sau đó được đánh giá không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì TCTD hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ kế toán, hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán...
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, một số ngân hàng đang quá lạc quan vào việc ghi nhận các khoản lãi dự thu này, dẫn đến lợi nhuận bị “thổi phồng”. “Việc làm này có thể xuất phát từ sức ép lợi nhuận của các cổ đông, hay đơn giản chỉ là muốn làm đẹp sổ sách; giảm con số trích lập dự phòng rủi ro… Tuy nhiên, điều đó có thể khiến ngân hàng đối mặt với tình trạng “lãi giả, lỗ thật” và khiến các cổ đông cũng như các nhà đầu tư nhận thức sai về thực trạng hoạt động của các ngân hàng”, một vị chuyên gia cho biết.