Xáo trộn lớn trong xếp hạng lợi nhuận ngân hàng

Lợi nhuận không phản ánh toàn diện hiệu quả hoạt động của một ngân hàng, nhưng vẫn được xem là một thước đo tài chính để phân định thứ hạng. Năm 2018, bảng xếp hạng này đã có sự xáo trộn lớn.
Xáo trộn lớn trong xếp hạng lợi nhuận ngân hàng

Xáo trộn bảng xếp hạng

Theo kết quả công bố của các ngân hàng đến thời điểm này, Vietcombank vẫn dẫn đầu về lợi nhuận, với lợi nhuận trước thuế hơn 18.000 tỷ đồng trong năm 2018. Vietcombank đặt mục tiêu năm 2019 đạt lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng.

Vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng này là Techcombank, với lợi nhuận khoảng 10.000 tỷ đồng trước thuế.

Hai ngân hàng đứng vị trí tiếp theo là BIDV và VPBank.

Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Phan Đức Tú cho biết, Ngân hàng lãi 9.600 tỷ đồng trước thuế trong năm qua, tăng hơn 11% so với năm 2017. Trong khi đó, VPBank ước lãi gần 9.200 tỷ đồng trước thuế, dù tăng gần 12% so với năm 2017.

So với VPBank, lợi nhuận của VietinBank vẫn thấp hơn. Nhà băng này chính thức rời khỏi Top 5 lãi cao nhất hệ thống. Năm 2018, lợi nhuận của VietinBank đạt hơn 6.800 tỷ đồng trước thuế, vượt 2% so với kế hoạch điều chỉnh, nhưng giảm mạnh so với kết quả 9.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2017. Nguyên nhân là tín dụng của VietinBank cả năm 2018 chỉ tăng 6,1%, riêng quý IV/2018 giảm hơn 26.000 tỷ đồng vì không tăng được vốn.

Thực tế, phương án tăng vốn của VietinBank chưa được phê duyệt, trong khi phải thực hiện bước đầu kế hoạch tái cơ cấu, khiến VietinBank thu hẹp hoạt động trong quý cuối năm. Giảm dư nợ cho vay, tăng trích lập dự phòng là nguyên nhân chính tạo nên biến động về lợi nhuận của một trong những nhà băng lớn nhất hệ thống này.

Trong khi đó, MB, Agribank đều đạt lợi nhuận trước thuế năm qua cao hơn VietinBank. Chủ tịch Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết, năm qua, lợi nhuận của Agribank ước đạt 7.500 tỷ đồng. Trong khi đó, MB đạt 7.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Lạc quan năm 2019

Năm 2018 đánh dấu năm đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, không còn sự áp đảo về trích dự phòng, vượt trội về lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại nhà nước. Khối ngân hàng cổ phần tư nhân đã có những thành viên vượt lên.

Chẳng hạn, VIB báo lãi 2.741 tỷ đồng trước thuế, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Mức lợi nhuận này cũng vượt 37% so với kế hoạch đưa ra đầu năm. Đứng sau là TPBank và Sacombank, khi cả hai đều dự báo lợi nhuận tăng mạnh so với năm trước, đạt trên 2.200 tỷ đồng. Trong khi đó, Maritime Bank ước tính lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng, gấp nhiều lần năm trước đó, nhờ một số khoản thu bất thường. Eximbank dự báo vượt mức 1.600 tỷ đồng lợi nhuận như kế hoạch đề ra. Kienlongbank, Nam A Bank lần lượt đạt 300 tỷ đồng và trên 750 tỷ đồng trước thuế.

Hoạt động ngân hàng năm 2019 được giới phân tích tài chính - chứng khoán nhận định sẽ khó khăn hơn, khi tăng trưởng tín dụng khó tăng cao, áp lực đáp ứng chuẩn Basel II ngày một lớn. Để tăng nguồn thu, các ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh phát triển hoạt động dịch vụ, song khó kỳ vọng tăng mạnh trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước), các tổ chức tín dụng đang tỏ ra lạc quan hơn về hoạt động kinh doanh trong năm 2019. Trên cơ sở các yếu tố khách quan và chủ quan, 86% tổ chức tín dụng đánh giá tình hình kinh doanh của đơn vị mình cải thiện hơn trong năm 2018 so với cuối năm 2017 và khoảng 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh năm 2019 tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2018, trong đó có khoảng 35% tổ chức tín dụng dự báo kinh doanh sẽ cải thiện nhiều. Về tăng trưởng tín dụng năm 2019, các tổ chức tín dụng kỳ vọng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống tăng bình quân 15,27%, trong đó tín dụng VND được kỳ vọng tăng cao hơn so với tín dụng ngoại tệ.

Theo Báo cáo tổng quan thị trường tài chính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tổng lợi nhuận của các tổ chức tín dụng năm 2018 dự kiến tăng 40% so với năm trước đó.

Con số này tương đương với mức tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng năm 2017, mặc dù tăng trưởng tín dụng năm 2018 chỉ còn 14% - thấp nhất trong 5 năm gần đây, so với mức tăng hơn 18% của năm 2017.

 Theo Thùy Vinh/Báo Đầu Tư

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...