Lại hàng nghìn tỷ trái phiếu ngân hàng được phát hành

Bất chấp nhiều cảnh báo đưa ra, hoạt động phát hành trái phiếu của ngân hàng vẫn diễn ra nhộn nhịp với hàng nghìn tỷ trái phiếu được phát hành và nhiều kế hoạch sắp triển khai.
Lại hàng nghìn tỷ trái phiếu ngân hàng được phát hành

Theo đó, LienVietPostBank vừa phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm trong những ngày cuối tháng 8. Trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng, là trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm theo chứng quyền, có lãi suất cố định là 6,6%/năm, kỳ hạn trả lãi 1 lần/ 1 năm. Một công ty chứng khoán đã mua số trái phiếu này. Đại lý phát hành là công ty chứng khoán VNDirect.

Cùng khoảng thời gian trên, SeABank cũng phát hành thành công 350 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, không kèm chứng quyền; lãi suất kỳ đầu tiên là 9,9%/năm, lãi suất các kỳ sau bằng lãi suất tham chiếu (lãi suất bình quân tiền gửi kỳ hạn 12  tháng tại 4 ngân hàng lớn) + 3%/năm. Kỳ trả lãi của trái phiếu này là 1 năm/1 lần. Chỉ có nhà đầu tư cá nhân mua số trái phiếu trên.

Ngoài ra, SeABank cũng huy động thành công 149 tỷ đồng trong số 200 tỷ đồng trái phiếu được chào bán. Đây là trái phiếu có kỳ hạn 10 năm, lãi suất kỳ đầu tiên là 9,9%/năm, lãi suất các kỳ sau bằng lãi suất tham chiếu cộng với 3%/năm. Không có nhà đầu tư cá nhân nào tham gia đợt chào bán, toàn bộ 149 tỷ đồng trái phiếu được nhà đầu tư tổ chức mua.

Tương tự, VIB cũng huy động thành công 1.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 6,3%/năm. 100% số trái phiếu được sở hữu bởi nhà đầu tư tổ chức.

Bên cạnh những đợt huy động thành công thì những kế hoạch sắp tới dự kiến cũng gây được sự chú ý của giới đầu tư. Cụ thể, Techcombank vừa có thông báo về việc phát hành trái phiếu Techcombank đợt 1 năm 2019. Theo đó, ngân hàng sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ với khối lượng tối đa là 5.000 tỷ đồng với mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền với kỳ hạn 3 năm. Thời điểm phát hành dự kiến trong tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay.

Techcombank cũng cho biết, trái phiếu có lãi suất cố định, phù hợp với lãi suất thị trường. Mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và cải thiện các tỷ lệ an toàn trong hoạt động kinh doanh của Techcombank.

BIDV cũng vừa công bố chương trình khuyến mại mới nhằm thúc đẩy kế hoạch phát hành trái phiếu đợt mới. Theo đó, trong tháng 9 này, BIDV dự kiến sẽ phát hành 300.000 trái phiếu với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu. Trong đó, có 250.000 trái phiếu kỳ hạn 7 năm, đáo hạn năm 2026 và 50.000 trái phiếu kỳ hạn 10 năm, đáo hạn năm 2029.

Lãi suất cho toàn bộ thời hạn của trái phiếu được thả nổi, xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng với 1,2% với kỳ hạn 7 năm và 1,3% với kỳ hạn 10 năm.

BIDV cho biết, 3.000 tỷ đồng huy động nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, tạo thêm kênh thu hút vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu khách hàng, đảm bảo sự bền vững nguồn vốn. BIDV sẽ bổ sung nguồn tiền đáp ứng nhu cầu cho vay đối với các dự án trung và dài hạn.

Trước đó, hai ngân hàng có vốn Nhà nước khác là Agribank và VietinBank cũng công bố phát hành trái phiếu kỳ hạn dài với khối lượng lớn.

Cụ thể, Agribank phát hành trái phiếu kỳ hạn 7 năm ra công chúng năm 2019 với số lượng đăng ký chào bán là 5 triệu trái phiếu, tương đương 5.000 tỷ đồng.

Lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm 1,2%/năm, trong đó lãi suất tham chiếu được tính cho mỗi kỳ tính lãi là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng, gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV.

Trong khi đó, VietinBank từ đầu năm tới nay cũng đã thông báo phát hành tổng cộng 5.650 tỷ đồng trái phiếu qua 4 đợt.

Trước đó, theo thống kê của chứng khoán SSI từ công bố kết quả phát hành trái phiếu 8 tháng đầu năm, chủ thể phát hành lớn nhất trên thị trường trái phiếu vẫn là các ngân hàng thương mại với tổng giá trị phát hành là 56.060 tỷ đồng (chiếm 47,9%); tiếp đó là các doanh nghiệp Bất động sản phát hành 36.946 tỷ đồng (chiếm 31,5%),...

Nhóm ngân hàng cũng là nhóm có tỷ lệ phát hành thành công cao nhất lên tới 99,6% mặc dù lãi suất trái phiếu của nhóm ngân hàng cũng là thấp nhất. 

Trong tháng 9, không chỉ các ngân hàng mà CTCP Tập đoàn Masan (mã: MSN) cũng vừa công bố phương án phát hành trái phiếu ra công chúng với quy mô đợt chào bán 1.500 tỷ đồng, nhằm cơ cấu lại các khoản nợ.

Trái phiếu dự kiến được phát hành ngày 26/9, là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Mệnh giá là 100.000 đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi trả định kỳ 6 tháng một lần. Lãi suất cho năm đầu tiên dự kiến là 10% và các năm tiếp theo căn cứ vào lãi suất tham chiếu từ bốn ngân hàng quốc doanh cộng thêm biên độ 3,2%.

Với nhà đầu tư cá nhân, lượng đặt mua tối thiểu trong lần phát hành này là 100.000 trái phiếu, tương đương 10 tỷ đồng theo mệnh giá. Còn nhà đầu tư tổ chức, lượng đặt mua tối thiểu là 200 tỷ đồng.

Cũng theo thông báo phát hành, Công ty chứng khoán Kỹ thương (TCBS) là đơn vị bảo lãnh cho đợt chào bán trái phiếu của tập đoàn Masan.

Trong một diễn biến liên quan, tại phiên thảo luận về Luật Chứng khoán (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ ngày 9/9, Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lo lắng, lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành vừa qua thuộc về các doanh nghiệp bất động sản. Bà đề nghị phải "cân nhắc thật kỹ" quy định này, bởi nếu không quản lý tốt đây sẽ là kênh huy động vốn, ngược lại sẽ dẫn tới thực trạng doanh nghiệp phát hành ồ ạt, không kiểm soát được.

>> "Nóng" chuyện phát hành trái phiếu ngân hàng

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...