Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, thanh khoản hệ thống dần cải thiện

Sau những biến động mạnh trong tháng 7, sang tháng 8, lãi suất liên ngân hàng có diễn biến giảm trở lại ở một số kỳ hạn, thanh khoản hệ thống giảm căng thẳng.
Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, thanh khoản hệ thống dần cải thiện

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngày 10/8, lãi suất bình quân liên ngân hàng giảm khá sâu ở các kỳ hạn so với đỉnh lãi suất 5,13%/năm vào ngày 27/7.   

Cụ thể, tính đến ngày 10/8, lãi suất VND qua đêm trên thị trường này giảm 1,15 điểm % từ mức đỉnh xuống còn 3,98%/năm; kỳ hạn 1 tuần giảm đến 0,81 điểm % xuống còn 4,32%/năm; các kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng cũng giảm mạnh so với mức lãi suất vào cuối tháng 7. 

Hoạt động thị trường mở đã dần trở nên ổn định hơn và thanh khoản trên hệ thống cũng đã phần nào được cải thiện. 

Trong tuần từ 1/8 - 5/8, khối lượng giao dịch hợp đồng mua kỳ hạn đã giảm dần về còn gần 2.000 tỷ đồng vào phiên giao dịch cuối tuần trước đó, từ mức đỉnh là 15.000 tỷ đồng. NHNN cũng duy trì phương thức đầu thầu lãi suất, với mức sàn lãi suất là 3,5% nhằm tạo một mức nền lãi suất liên ngân hàng ổn định hơn trong thời gian tới. 

Ghi nhận trong phiên 11/8, lượng giao dịch hợp đồng mua kỳ hạn giảm về còn hơn 300 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu là 4% và chỉ có một thành viên tham gia. Có thể thấy, thanh khoản hệ thống dần đi vào ổn định, không cần nguồn bơm thêm hỗ trợ từ NHNN qua kênh OMO.

Trước đó, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong tháng 7 khi NHNN bán ngoại tệ và hút ròng với khối lượng lớn. 

Số liệu từ Chứng khoán MB (MBS) cho hay trong nửa cuối tháng 7, NHNN đã thực hiện hút 24.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu với kỳ hạn 56 ngày, lượng hút giảm mạnh so với 220.000 tỷ nửa đầu tháng, lợi suất tín phiếu dao động từ 0,9-2,4%/năm.

Việc hút lượng lớn tiền và bán ngoại tệ của NHNN trong suốt tháng 7 đã tạo áp lực lên thanh khoản. Để hỗ trợ nhu cầu thanh khoản tăng cao, NHNN cũng bơm ngược trở lại vào hệ thống 52.200 tỷ đồng theo phương thức đấu thầu lãi suất, kỳ hạn 7-14 ngày với lãi suất cạnh tranh từ 3,8%- 4%/năm.

Hệ quả của việc hút ròng thanh khoản của NHNN là đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh.  Ghi nhận tại ngày 27/7, lãi suất kỳ hạn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng nhảy vọt lên 5,13%, gấp 10 lần so với mức lãi suất hồi đầu tháng 6 (khoảng 0,5%). Lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng tăng gấp 4 lần so với đầu tháng 6, lên 5,15%. 

Dưới áp lực của lạm phát và tỷ giá từ bây giờ cho đến cuối năm sẽ khiến các nhà điều hành có động thái thận trọng hơn, MBS dự đoán lãi suất liên ngân hàng sẽ khó có khả năng quay trở lại mặt bằng lãi suất của năm 2021.  

Mặt khác, CTCP Chứng khoán SSI cho rằng áp lực điều hành sẽ tăng hơn về cuối năm khi vẫn chưa xác định được thời điểm và mức độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lãi suất USD được kỳ vọng sẽ đạt 3,5% - 3,75% vào tháng 12 và lãi suất VND liên ngân hàng cần duy trì cao hơn mức trên nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.   

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...