Lại xuất hiện tin đồn liên quan tới ông Trần Bắc Hà, cổ phiếu BIDV có còn chao đảo ?

Gần đây, lại xuất hiện các "tin đồn" liên quan đến ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch ngân hàng BIDV. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung Ương cũng đã thông báo về việc thi hành kỷ luật đối với ông Hà.
Lại xuất hiện tin đồn liên quan tới ông Trần Bắc Hà, cổ phiếu BIDV có còn chao đảo ?

Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956 tại Bình Định, bắt đầu gắn bó với  Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ năm 25 tuổi. 10 năm sau, tháng 7/1991, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc chi nhánh BIDV tỉnh Bình Định.  Đến năm 1999, ông Hà được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc BIDV và đến tháng 5/2003 được lựa chọn làm Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc BIDV.

Đầu năm 2008, ông chính thức nắm vai trò Chủ tịch HĐQT và là người đại diện sở hữu gần 40% trên tổng số 95,3% cổ phần nhà nước nắm giữ tại BIDV. Ngoài ra, ông cũng trực tiếp nắm giữ hơn 163.600 cổ phiếu BIDV.

"Trước một số thông tin cho rằng ông Trần Bắc Hà vừa bị bắt, Chánh Văn phòng bộ Công an - Thiếu tướng Lương Tam Quang cho biết chưa nhận được thông tin về sự việc này. 

Tính đến ngày về hưu, ông Trần Bắc Hà đã có 35 năm công tác tại BIDV và 8 năm 8 tháng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) của BIDV. Ông Hà được coi là kiến trúc sư cho hơn một thập kỷ phát triển của BIDV.

Tuy nhiên, đến khi nghỉ hưu, ông Trần Bắc Hà đã dính vào bi kịch vì liên quan tới những sai phạm khi còn điều hành ngân hàng.

Cuối tháng 6/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo về việc thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV.

Trước đó, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã nêu rõ: ông Trần Bắc Hà với tư cách nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV, phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ đảng ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020.

Ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV. Ông cũng được cho là vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Ông Trần Bắc Hà

Những vi phạm của ông Trần Bắc Hà được cho là "rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật".

Ngay sau khi thông tin ông Hà bị kỉ luật, cổ phiếu BID của BIDV liên tục giảm sâu, từ 26.000 đồng/cp xuống mức đáy 21.600 đồng/cp. Cùng với việc giảm giá mạnh, thanh khoản của cổ phiếu này cũng cao hơn đáng kể so với mức trung bình trước đó.

Tuy nhiên ảnh hưởng này không kéo dài, cổ phiếu BID tăng trần trở lại, và tăng ấn tượng trong ba tháng sau đó: từ mức giá 21.600 đồng/cp tăng hơn 70% lên mức đỉnh 36.750 đồng/cp vào đầu tháng 10. Đến thời điểm hiện tại, giá trị của BID đã điều chỉnh về mức 31.450 đồng/cp.

Trong giai đoạn tăng giá ấn tượng này, BIDV cũng cho biết sẽ bán 17,65% vốn cổ phần cho KEB Hana Bank, và tăng vốn điều lệ lên 40.220 tỉ đồng.

Chiều ngày 15/11, Ngân hàng Nhà nước trao quyết định bổ nhiệm ông Phan Đức Tú, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc BIDV giữ chức Chủ tịch HĐQT; như vậy ghế nóng bị bỏ trống 26 tháng sau khi ông Trần Bắc Hà về hưu đã có người mới.

Ông Phan Đức Tú sinh năm 1964 tại Nghệ An, là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của ngân hàng này từ năm 2012 tới nay. Ông Tú cũng đã có 30 năm công tác tại BIDV.

Về kết quả kinh doanh, sau 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của BIDV đạt 32.865 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó tất cả các mảng hoạt động đều đạt kết quả tích cực.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 25.616 tỷ đồng, tăng 11,31% so với cùng kỳ năm trước; thu nhập ròng từ hoạt động dịch vụ đạt 2.541 tỷ đồng, tăng trưởng 18,74 %; thu từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 797 tỷ đồng, tăng 55%; thu từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt gần 682 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước… BIDV lãi 7.254 tỷ đồng sau thuế, tăng trưởng 30,6% so với cùng kỳ. 

BIDV hiện là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống với khoảng 1,27 triệu tỷ đồng, và được Moody’s nâng hạng tín nhiệm  với đánh giá "Chính phủ Việt Nam có khả năng hỗ trợ rất cao" đối với BIDV khi cần thiết.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...