Làn sóng cắt giảm nhân sự và câu chuyện lương thưởng của nhân viên ngân hàng

Trong năm 2024, nhân sự ngành ngân hàng có sự thay đổi đáng kể. Một ngân hàng đặc biệt còn cắt giảm tới 1.000 người…

nhan-vien-ngan-hang.jpg

Trong bối cảnh làn sóng cắt giảm nhân sự lan rộng trong ngành ngân hàng, một nghịch lý đang diễn ra khi thu nhập bình quân của nhân viên tại nhiều đơn vị vẫn có xu hướng tăng, phản ánh chiến lược tinh gọn bộ máy nhưng nâng cao đãi ngộ để giữ chân nhân tài.

HÀNG NGHÌN NHÂN VIÊN NGÂN HÀNG MẤT VIỆC

Báo cáo tài chính quý 4/2024 (không bao gồm Agribank và BaoViet Bank) vừa công bố cho thấy làn sóng cắt giảm nhân sự tiếp tục lan rộng trong ngành ngân hàng, với nhiều nhà băng ghi nhận mức sụt giảm mạnh về số lượng lao động trong năm qua.

Đứng đầu về quy mô nhân sự vẫn là BIDV với 28.998 người vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng dẫn đầu về mức cắt giảm khi giảm tới 999 nhân sự, đây cũng là con số cao nhất trong 7 năm qua. Đáng chú ý, lần gần nhất BIDV thực hiện tinh giản nhân sự là vào năm 2017, nhưng khi đó chỉ dừng ở mức 200 người, thấp hơn nhiều so với đợt điều chỉnh mạnh mẽ trong năm 2024.

Không chỉ BIDV, hàng loạt ngân hàng khác như Sacombank, ACB, VIB hay TPBank cũng thu hẹp quy mô nhân sự đáng kể. Cụ thể, Sacombank cắt giảm 426 người, ACB giảm 365 nhân sự, VIB mất 517 người, trong khi TPBank có 49 nhân sự rời đi. Đặc biệt, Sacombank đã ba lần thực hiện cắt giảm lớn trong vòng 5 năm qua, với 591 nhân sự rời đi vào năm 2020, 223 người năm 2022 và 426 người trong năm 2024.

Xu hướng này không chỉ giới hạn ở các ngân hàng lớn mà còn lan rộng đến nhiều nhà băng quy mô nhỏ hơn như ABBank giảm 71 nhân sự, KienLong Bank cắt giảm 50 người, trong khi Nam Á Bank cũng thu hẹp nhân sự với 40 vị trí bị cắt giảm.

anh-chup-man-hinh-2025-02-11-luc-162307.png

Điều đáng nói là những con số trên có thể chưa phản ánh trọn vẹn bức tranh cắt giảm nhân sự trong ngành ngân hàng năm qua. Các ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt như SCB hay những ngân hàng mới được chuyển giao bắt buộc như GPBank, OceanBank (nay là MBV), DongA Bank và CBBank (nay là VCBNeo) đều không công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, đây lại chính là những ngân hàng có nguy cơ cắt giảm nhân sự cao nhất, khi phải tái cơ cấu mạnh mẽ để cải thiện hoạt động.

Điển hình là SCB, kể từ khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, ngân hàng này liên tục thu hẹp quy mô. Chỉ trong vòng 18 tháng, từ tháng 6/2023 đến cuối năm 2024, SCB đã đóng cửa 145 phòng giao dịch trên khắp cả nước. Với tốc độ thu hẹp nhanh như vậy, việc tinh giản nhân sự gần như là điều không thể tránh khỏi.

Tương tự, các ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc cũng đối mặt với áp lực tinh gọn bộ máy. Khi các ngân hàng nhận chuyển giao đẩy mạnh mô hình quản lý công nghệ cao, tập trung hoạt động tại hội sở và tối ưu vận hành, nhiều vị trí tại chi nhánh trở nên dư thừa, kéo theo nguy cơ cắt giảm nhân sự ở quy mô lớn.

Ở chiều ngược lại, vẫn có những ngân hàng mạnh tay tuyển dụng thêm. VPBank ghi nhận mức tăng nhân sự ấn tượng với 2.455 người, tiếp theo là HDBank (1.188 người), Vietcombank (813 người), LPBank (562 người)…

Về quy mô nhân sự, tính đến ngày 31/12/2024, toàn ngành ngân hàng có 4 ngân hàng sở hữu trên 20.000 lao động, trong khi 15 ngân hàng khác có dưới 10.000 nhân sự. BIDV tiếp tục dẫn đầu với 28.998 người, trong khi SaigonBank là ngân hàng có nhân sự ít nhất, chỉ 1.491 người.

THU NHẬP BÌNH QUÂN CỦA NHÂN VIÊN NGÂN HÀNG TRONG NĂM 2024

Dù số lượng nhân sự sụt giảm, các ngân hàng vẫn gia tăng chi phí tiền lương và phụ cấp cho nhân viên. Một số ngân hàng mạnh tay điều chỉnh lương, thậm chí có nơi tăng gần 10 triệu đồng/tháng so với năm trước, giúp thu nhập của người lao động trở nên hấp dẫn hơn.

Dẫn đầu hệ thống vẫn là Techcombank, nơi nhân viên nhận thu nhập bình quân lên tới 48 triệu đồng/người/tháng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2023. Đáng chú ý, ngay cả mức lương cứng tại đây cũng đạt 41 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 3 triệu đồng so với năm trước, tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về đãi ngộ trong ngành.

HDBank bất ngờ vươn lên vị trí thứ hai với mức thu nhập bình quân 38,65 triệu đồng/người/tháng trong năm 2024. So với năm trước, nhân sự tại đây được tăng lương tới 9,9 triệu đồng/tháng – mức điều chỉnh mạnh nhất trong toàn ngành, nhất là trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang cắt giảm nhân sự.

anh-chup-man-hinh-2025-02-11-luc-162212.png

Xếp ngay sau là Vietcombank với mức thu nhập 38,06 triệu đồng/người/tháng. Dù không có sự bứt phá mạnh như HDBank, nhưng ngân hàng này vẫn đảm bảo mức thu nhập ổn định và cạnh tranh cho nhân viên.

Vị trí thứ tư thuộc về ACB – ngân hàng gắn liền với Chủ tịch trẻ Trần Hùng Huy, khi mức thu nhập bình quân đạt 37,8 triệu đồng/người/tháng, nhỉnh hơn hơn 1 triệu đồng so với năm trước. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là phần lớn thu nhập của nhân viên ACB đến từ thưởng và các khoản thu nhập khác, trong khi lương cứng chỉ ở mức 13,6 triệu đồng/người/tháng.

Bám sát ngay sau là BIDV với thu nhập bình quân 37,83 triệu đồng/người/tháng, tăng 4,87 triệu đồng so với năm 2023, cho thấy ngân hàng này có sự điều chỉnh lương khá tốt trong năm qua.

Một đại diện khác của nhóm Big 4 là VietinBank giữ vị trí thứ sáu với mức thu nhập 37,59 triệu đồng/người/tháng, tăng 2,95 triệu đồng so với năm trước. Dù vẫn thuộc nhóm ngân hàng có đãi ngộ cao, nhưng mức tăng trưởng thu nhập của VietinBank không bứt phá mạnh mẽ như BIDV hay HDBank.

TPBank giữ vị trí thứ bảy trong bảng xếp hạng, nhưng lại là một trong số ít ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm về thu nhập. Năm 2024, thu nhập bình quân tại đây giảm hơn 2,5 triệu đồng/tháng, xuống còn 34,14 triệu đồng/người/tháng. Ngay sau TPBank là MSB với mức thu nhập bình quân 33,64 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 2 triệu đồng so với năm trước.

VIB đứng thứ chín với mức thu nhập 31,29 triệu đồng/người/tháng, giảm nhẹ so với con số 32,03 triệu đồng của năm 2023. Tuy nhiên, điểm sáng là mức lương cứng của nhân viên tại đây đã tăng gần 3 triệu đồng, lên 25,07 triệu đồng/người/tháng, cho thấy ngân hàng này có xu hướng điều chỉnh cấu trúc thu nhập theo hướng ổn định hơn. Khép lại danh sách Top 10 là VPBank với mức thu nhập bình quân 31,07 triệu đồng/người/tháng, nhỉnh hơn 1 triệu đồng so với năm trước.

Ngoài nhóm dẫn đầu, nhiều ngân hàng cũng có chính sách đãi ngộ hấp dẫn khi thu nhập bình quân nhân viên vượt mốc 30 triệu đồng/tháng. Đơn cử, NCB đạt mức 30,97 triệu đồng, Sacombank ở mức 30,87 triệu đồng, còn SeABank đạt 30,2 triệu đồng/người/tháng. Dù không thuộc nhóm có thu nhập cao nhất, nhưng đây vẫn là mức đãi ngộ đáng kể trên thị trường tài chính - ngân hàng.

Ở chiều ngược lại, Saigonbank và KienlongBank là hai nhà băng có thu nhập nhân viên thấp nhất trong ngành, với mức bình quân lần lượt là 18 triệu đồng và 20 triệu đồng/người/tháng, giảm 1 triệu đồng so với năm trước. Đặc biệt, lương cứng của nhân viên Saigonbank chỉ ở mức 14 triệu đồng/tháng, trong khi con số này tại KienlongBank là 18 triệu đồng.

Tuy nhiên, các con số trên chỉ phản ánh thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp. Trên thực tế, thu nhập của nhân viên ngân hàng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí công tác, thâm niên, mức độ hoàn thành chỉ tiêu và đặc thù từng bộ phận. Các ngân hàng thường áp dụng cơ chế lương thưởng linh hoạt, dẫn đến sự chênh lệch đáng kể giữa các phòng ban và chi nhánh.

Xem thêm

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Ngân hàng Nhà nước sẽ đổi mới điều hành, tiến tới bỏ cơ chế phân bổ room tín dụng

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng và triển khai lộ trình giảm dần, tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, nỗ lực đạt tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dự kiến 16%...

Tỷ giá đã qua "cơn sóng gió"

Tỷ giá đã qua "cơn sóng gió"

Việc đồng USD suy yếu trong tháng 1 đã giúp giảm đáng kể áp lực lên tỷ giá, song thách thức vẫn còn khi cuộc chiến thương mại được dự báo sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đồng USD trong thời gian tới...

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất huy động ngân hàng ACB đi ngang trong tháng 2/2025

Lãi suất huy động ngân hàng ACB đi ngang trong tháng 2/2025

Khảo sát đầu tháng 2/2025 cho thấy, biểu lãi suất tiết kiệm được ngân hàng ACB duy trì ổn định tại tất cả các kỳ hạn, hiện đang dao động trong khoảng 2,3 – 4,5%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng đến 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ…

Không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2025

Không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2025

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thích ứng với những biến động của môi trường kinh tế thế giới và trong nước để kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng...