Lên phương án đảm bảo an toàn giao thông Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Các cơ quan quản lý phải tính toán được sự tăng đột biến của lưu lượng xe cá nhân tham gia giao thông trong dịp Tết nguyên đán sắp tới. Đồng thời các Bộ, ngành cần phải có các kịch bản, dự báo để lường trước các diễn biến về giao thông trong dịp Tết này.

Đây là một trong những nội dung được một số diễn giả đặt ra trong buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông” do báo Đại biểu Nhân dân vừa mới tổ chức. 

 Giảm cả 3 tiêu chí

Theo thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, 11 tháng năm 2021, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí, số vụ giảm 24%, số người chết giảm xấp xỉ 18%, số người bị thương giảm xấp xỉ 30%.

Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, do tác động của Covid-19 đến an toàn giao thông, tại Việt Nam, giãn cách xã hội quy mô lớn do đó tháng 8 giảm 53% số người thiệt mạng, tháng 9 giảm 54%. 

Cục Cảnh sát giao thông đã triển khai đợt cao điểm trên toàn quốc về bảo đảm trật tự ATGT, trật tự xã hội nhân dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần. (Ảnh: Int)
Cục Cảnh sát giao thông đã triển khai đợt cao điểm trên toàn quốc về bảo đảm trật tự ATGT, trật tự xã hội nhân dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần. (Ảnh: Int)

Đánh giá về vấn đề này, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Bộ Công an cho rằng, thực tế, các vụ tai nạn giao thông thời gian qua có giảm sâu nhưng chưa thực sự mang tính bền vững. Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, các hoạt động vận tải thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân, nhu cầu sản xuất đã gia tăng.

Bên cạnh đó, xuất hiện những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT có biểu hiện tiếp tục gia tăng.Trong đó có tình trạng tụ tập, đánh võng và đua xe trái phép diễn ra nhiều hơn.

Đồng tình, ông Hữu Minh nhận xét, các vấn đề vi phạm tốc độ trong điều kiện Covid-19 khi giao thông vắng, lái xe có xu hướng tăng tốc. Những hành vi trên cũng dẫn tới một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Ngoài ra, hành vi đua xe trở nên phức tạp hơn, đặc biệt tại khu vực phía nam khi đường vắng, nhiều thanh niên tụ tập, ngăn đường quốc lộ để đua xe. Tai nạn giao thông liên quan đến xe máy đối với trẻ em, dịch vụ cho trẻ em diễn biến phức tạp.

Ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, để xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT đã có nhiều văn bản luật, như Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Luật Xử lý vi phạm hành chính…. Trong đó điển hình là Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được xem là “liều thuốc” để ngăn chặn các vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông. Tuy nhiên, đến nay, Nghị định đang được nghiên cứu để sửa đổi và có thể tăng mức xử phạt ở một số hành vi vi phạm. 

Hiện, Luật Giao thông đường bộ được đưa vào thực hiện khá lâu (năm 2008), đến nay có nhiều vấn đề cần sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các luật mới được ban hành và bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan…

 Cần kịch bản ứng phó

Một điều mà các diễn giả và đại biểu Quốc hội lo ngại sắp tới đến Tết Nguyên đán 2022, tình hình thực hiện ATGT sẽ có những áp lực. Để đảm bảo ATGT dịp Tết, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh chia sẻ, lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng chức năng khác cũng đã huy động và tăng cường rất nhiều biện pháp để nhằm bảo đảm trật tự, ATGT, xử lý nghiêm vi phạm.

Theo đó, trong dịp Tết Nguyên đán tới đây, từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/2/2022, Cục Cảnh sát giao thông đã triển khai đợt cao điểm trên toàn quốc về bảo đảm trật tự ATGT, trật tự xã hội nhân dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và các lễ hội đầu xuân năm 2022 của lực lượng cảnh sát giao thông trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Cảnh sát giao thông sẽ tập trung lực lượng, phương tiện để tuần tra, kiểm soát và đấu tranh có hiệu quả với tất cả các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hoạt động vận chuyển chất cháy nổ, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng trái phép và kiểm soát phòng, chống tội phạm.

Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, cần phải đánh giá kỹ thêm trong công tác bảo đảm ATGT trong dịp Tết sắp tới.Trong bối cảnh thực hiện bình thường mới, đề nghị các Bộ, ngành cần phải có các kịch bản, dự báo để lường trước các diễn biến về giao thông trong dịp Tết này.

Bên cạnh đó, dịp Tết việc sử dụng xe cá nhân cũng sẽ tăng rất cao do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, vì vậy, các cơ quan quản lý phải tính toán được sự tăng đột biến của lưu lượng xe cá nhân tham gia giao thông trong dịp Tết. 

Tiếp đó, dịp Tết tỷ lệ người uống rượu, bia cũng tăng cao, dẫn đến số lượng người thương vong trong các vụ tai nạn giao thông tăng theo. Mỗi địa phương cần có phương án, kịch bản để ứng phó với tình trạng người uống rượu bia vẫn lái xe gây nguy hiểm cho chính bản thân và những tham gia giao thông.

Một vấn đề nóng khác là các cơ quan quản lý cần có kế hoạch ra quân trấn áp, hạn chế tình trạng đua xe và cổ vũ đua xe trái phép mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ngoài ra, các cơ quan thực thi pháp luật cần có kế hoạch thực thi và tham mưu cho các địa phương trong việc lập kế hoạch phân luồng giao thông hợp lý nhằm hạn chế ùn tắc và giảm tỷ lệ tai nạn giao thông trước và sau dịp nghỉ Tết.

“Khi chúng ta kết hợp nhiều giải pháp một cách đồng bộ hy vọng sẽ mang lại những kết quả mang tính nhảy vọt trong việc thực hiện mục tiêu cuối cùng là giảm tỷ lệ tai nạn giao thông.Tôi mong rằng, Tết Nguyên đán năm 2022, trong dịp rất đặc biệt sẽ diễn ra an toàn”, ông Trịnh Xuân An nhấn mạnh. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...