Trong vài ngày vừa qua, dư luận đang quan tâm tới nội dung của Thông tư 32/2016 của NHNN có hiệu lực từ ngày 1/3/2017.
Với Thông tư 32/2016, số tài khoản mở tại ngân hàng phải do pháp nhân hoặc cá nhân đứng tên. Các đối tượng không phải là pháp nhân không đủ tư cách chủ thể đứng tên tài khoản ngân hàng.
Nhiều xáo trộn
Điều này đặt các hộ kinh doanh, văn phòng luật sư… trước một lựa chọn khó: hoặc đóng tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tài khoản sang tên cá nhân. Bởi theo luật sư Nguyễn Thành Long (Văn phòng Luật sư Long Nguyễn), sẽ rất kỳ cục nếu để tên tài khoản cá nhân làm tài khoản của văn phòng luật sư. Bởi danh không chính thì ngôn không thuận, đặc biệt với đối tác nước ngoài.
“Giao dịch với văn phòng luật sự mà lại yêu cầu thanh toán vào một tài khoản mang tên cá nhân thì họ sẽ cảm giác nghi ngại ngay” - luật sư Long nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Văn phòng Luật sự Nguyễn Văn Hậu và Cộng sự, cho biết tài khoản mang tên văn phòng luật sư của ông đã sử dụng ổn định từ rất lâu rồi. Và ông làm thủ tục thuế, bảo hiểm, tiền lương, lao động… đều trên tài khoản này.
"Chính vì vậy, ông Hậu thắc mắc: “Bây giờ ngân hàng yêu cầu chuyển sang tên cá nhân thì các thủ tục liên quan thuế, bảo hiểm… sẽ như thế nào? NHNN, cơ quan thuế cần hướng dẫn rõ ràng cho người dân biết rồi mới triển khai áp dụng. Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên buộc chuyển tên tài khoản văn phòng luật sự sang tên cá nhân”.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng luật Giải Phóng, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, đó là một quy định vô lý. Doanh nghiệp tư nhân hay văn phòng luật sư tuy không phải là một pháp nhân nhưng nó là một tổ chức. Một tổ chức không thể sử dụng một tài khoản mang tên cá nhân, điều đó ảnh hưởng lớn đến uy tín giao dịch của tổ chức đó.
Việc buộc các tổ chức không có tư cách pháp nhân phải chuyển đổi sang tài khoản cá nhân là hết sức máy móc. Điều này gây xáo trộn mọi hoạt động của các tổ chức đó, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thuế, bảo hiểm xã hội và lao động. Việc ngân hàng tự đóng tài khoản của các tổ chức này khi đến hạn, sẽ gây những thiệt hại lớn.
"Quy định này không có ý nghĩa về quản lý cũng như lợi ích kinh tế. Tôi nghĩ Bộ Tư pháp cần kiểm tra tính pháp lý của Thông tư này và yêu cầu NHNN có những điều chỉnh phù hợp", luật sư Kiều Hưng nói.
Có phù hợp Bộ luật Dân sự?
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, Chủ tịch câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, phân tích: Bản chất Bộ luật Dân sự 2015 không sai khi xác định tư cách cá nhân hoặc pháp nhân mới được giao dịch ngân hàng, mở tài khoản. Nhưng điều này không có nghĩa là bắt buộc các tổ chức không phải pháp nhân phải chuyển hết thành pháp nhân hay chuyển sang tên cá nhân. Nếu bắt chuyển đổi thì sẽ gây náo loạn, ảnh hưởng đến rất nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, các chi nhánh của doanh nghiệp…
“Theo tôi, tên tài khoản giao dịch trước đây thế nào thì cứ giữ nguyên thế đấy. Nhưng khi giao dịch thì chỉ cần xem xét bản chất giao dịch với ngân hàng là giao dịch mang tính cá nhân để xử lý giao dịch cho phù hợp” - ông Đức đề nghị.
Luật sư Trần Đức Hoàng thì cho rằng NHNN đã hiểu và áp dụng chưa chính xác Bộ luật Dân sự 2015. Chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty, văn phòng luật sư hay các doanh nghiệp tư nhân khác vẫn có thể tham gia quan hệ dân sự theo Bộ luật này.
Trên thực tế, Bộ luật Dân sự 2015 có nhiều điều khoản, gián tiếp và trực tiếp, công nhận sự tồn tại của một quan hệ dân sự mà tại đó có một hoặc nhiều bên không phải là cá nhân hay pháp nhân.
Ví dụ như Khoản 6 Điều 84 của Bộ luật Dân sự 2015 có quy định rằng: “Pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập, thực hiện”. Có thể thấy rằng điều khoản này đã công nhận khả năng tham gia và xác lập quan hệ dân sự của chi nhánh và văn phòng đại diện, là các đơn vị không có tư cách pháp nhân.
Cũng theo luật sư này, Bộ luật Dân sự 2015 có hẳn Chương VII nói về trường hợp quan hệ dân sự có sự tham gia của tổ chức không có tư cách pháp nhân. Theo Điều 101 nằm trong chương này, chủ thể tham gia xác lập và/hoặc thực hiện giao dịch dân sự sẽ mặc nhiên được hiểu là các thành viên hoặc người đại diện (được ủy quyền từ các thành viên) của tổ chức.
“Văn phòng luật sự các doanh nghiệp tư nhân khác vẫn có quyền tham gia quan hệ mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các ngân hàng. Mặc dù hợp đồng và tài khoản mang tên của các tổ chức này, nhưng chủ thể xác lập, thực hiện và chịu trách nhiệm với các nghĩa vụ dân sự sẽ mặc nhiên được hiểu là cá nhân đại diện theo pháp luật của tổ chức”, ông Trần Đức Hoàng đưa quan điểm và cho rằng NHNN không thể và không nên bắt buộc các đơn vị, tổ chức này chuyển tài khoản mang tên mình sang tài khoản cá nhân.
Theo Thanh Hằng/Cạnh tranh quốc gia
>> Ngân hàng Nhà nước nói về Thông tư 32