Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB - HNX) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận tăng 15,6% cùng kỳ. Sau 9 tháng, kế hoạch lợi nhuận đã hoàn thành được 83%.
Tính đến cuối quý III, quy mô tổng tài sản nợ và có của ngân hàng này đạt 228.866 tỷ đồng, 13,7% so với đầu năm. Vốn điều lệ gần 9.377 tỷ đồng, quy mô vốn chủ sở hữu tăng thêm gần nghìn tỷ đồng nhờ lãi sau thuế chưa phân phối từ đầu năm tới nay.
Tăng trưởng huy động vốn khách hàng tăng 15% lên 201.386 tỷ đồng. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt tốc độ huy động vốn. Dư nợ tín dụng tăng trưởng 17,98% sau 3 quý, gần hoàn thành kế hoạch 18% đề ra đầu năm. Nợ xấu chỉ tăng nhẹ, chủ yếu tăng nợ có khả năng mất vốn - nhóm 5 (gần 240 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu do đó giảm từ 1,32% xuống 1,13%.
Lợi nhuận sau thuế quý này của ACB tăng 18,4% lên 334 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do ACB gia tăng thu nhập lãi, tiết giảm chi phí hoạt động, giảm chi phí trích lập dự phòng RRTD. Thu nhập lãi và mảng dịch vụ tăng trưởng lần lượt 16,1% và 18,6%, trong khi hoạt động chứng khoán đầu tư báo lỗ 140 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư chứng khoán này đã khiến ACB lỗ 600 tỷ đồng từ đầu năm tới nay.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, ACB lãi trước thuế 1.244 tỷ đồng, tăng 14% và hoàn thành 83% kế hoạch đề ra.
Ngang ngửa quy mô tổng tài sản với ACB, tài sản nợ và có của MBBank đến cuối quý III đạt 239.817 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn hình thành tài sản lại không giống nhau. Vốn chủ sở hữu của MBBank cao hơn, vốn điều lệ của ngân hàng này đạt 16.311 tỷ đồng, gấp 1,74 lần vốn điều lệ của ACB.
Cùng đó, thu nhập lãi, mảng hoạt động mang về nguồn thu lớn nhất cho các ngân hàng thương mại, gần như tương đương nhưng lợi nhuận của hai ngân hàng lại "vênh" nhau khá lớn. Lợi nhuận 9 tháng đầu năm của ACB tương đương 45% lợi nhuận của MBB. Tuy nhiên, xét trên chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu thì chênh lệch giữa hai ngân hàng không quá lớn.
Nguyên nhân giúp lợi nhuận của MBB cao hơn chủ yếu bởi chi phí lãi tại MBB thấp hơn giúp ngân hàng này thu về 2.071 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động của MBB tăng 34% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn ACB. Lãi trước trích lập dự phòng RRTD tăng 19%, trong khi chi phí dự phòng RRTD chỉ tăng nhẹ. Nhờ đó, MBB thu lãi trước thuế 926 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế là 2.788 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Với kết quả này, MBB hoàn thành 79% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vượt tốc độ huy động vốn. Điều này cũng đã được MBB lên kế hoạch tại ĐHĐCĐ thường niên 2016. Tính đến quý III, dư nợ tăng trưởng 19,97%, tiến sát mức kế hoạch 20%. Trong khi đó, huy động tiền gửi của khách hàng mới chỉ đạt 2,8%, hoàn thành hơn nửa kế hoạch cả năm 5%. Tương tự ACB, tình trạng nợ xấu tại MBB được cải thiện đáng kể. Bất chấp dư nợ tăng cao, tổng nợ xấu của MBB chỉ tăng nhẹ... 1 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,6% xuống 1,34%.
Theo Thanh Thuỷ/NDH