Có lẽ không ngẫu nhiên mà Chứng khoán Mirae Asset đưa ra đánh giá như vậy đối với tỷ lệ nợ xấungân hàng hiện nay. Nhất là khi nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát cao, chỉ số sản xuất thấp do nhu cầu xuất khẩu giảm, và đồng nội tệ suy yếu.
Ngoài ra, các động thái thắt chặt cung tiền như rút tiền đồng qua kênh OMO và bán ngoại tệ nhằm kiềm chế biến động của tỷ giá, được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong ngắn hạn.
Mặt khác, động thái tăng lãi suất điều hành hai lần tổng cộng 2%, khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới vẫn đang bỏ ngỏ, và triển vọng kinh tế chưa khả quan khuyến khích cả doanh nghiệp lẫn cá nhân giảm đòn bẩy tài chính. Đặc biệt là vay nợ cho các nhu cầu như mở rộng kinh doanh hay mua sắm tài sản.
Chất lượng tài sản giảm
Theo Chứng khoán Mirae Asset, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của các ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt. Tỷ lệ nợ xấu bình quân của các ngân hàng niêm yết tăng lên 2,4% trong quý 3/2022, tăng 0,7% so với 2021 hay 0,3% so với quý 2/2022.
Tỷ lệ trung bình tăng mạnh do tỷ lệ nợ xấu do tác động từ mức tăng cao của một số ngân hàng có thể kể đến như: Ngân hàng Quốc dân, Vietbank, PG Bank và OCB. Tương tự như vậy, tỷ lệ nơ xấu mở rộng (bao gồm nợ nhóm 2) tăng từ 3,3% cuối 2021 lên mức 4,1% vào quý 3/ 2022.
Tuy nhiên, các ngân hàng có "truyền thống nợ xấu thấp" vẫn duy trì được mức độ này, thậm chí còn có sự vượt trội so với mặt bằng chung. Các ngân hàng vẫn duy trì được tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp có thể kể đến như: Vietcombank, ACB, và Techcombank.
Tiếp đó, lãi suất tăng dẫn đến gia tăng chi phí vay và nợ xấu phát sinh. Cụ thể, trong lần tăng lãi suất gần đây nhất từ mức 7% lên mức 13% đối với lãi suất tái cấp vốn vào năm 2011, nợ xấu nội bảng đã có mức tăng đột biến (gần gấp đôi).
"Tuy không thể kết luận tăng lãi suất là nguyên nhân cốt yếu dẫn đến tăng nợ xấu. Tuy nhiên, chi phí vay gia tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thanh toán của người đi vay, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn", Chứng khoán Mirae Asset nhận định.
Mặc dù, tỷ lệ nợ xấu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn quý IV/2022 và 2023, nhưng triển vọng chất lượng tài sản của từng ngân hàng sẽ phụ thuộc vào phân khúc khách hàng cũng như phân khúc thị trường mà ngân hàng đang có dư nợ lớn.
Tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu cũng ghi nhận giảm
Đa phần tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của các ngân hàng giảm dần trong 9 tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận sự phân hóa tương tự như nợ xấu. Đáng lưu ý, các ngân hàng quốc doanh đã vươn dẫn đầu trong vấn đề trích lập dự phòng. Ngược lại, các ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ có tỷ lệ thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành.
Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, điều kiện kinh tế không thuận lợi càng gia tăng áp lực lên các ngân hàng yếu. Ngoài chất lượng tài sản tương đối thấp, khả năng sinh lời của các ngân hàng nhỏ cũng không cao khiến thu nhập thặng dư trước trích lập dự phòng không đáng kể, dẫn đến chất lượng tài sản khó có thể cải thiện.
Thêm vào đó, nhận diện thương hiệu không nổi trội là một chướng ngại lớn cho các ngân hàng này huy động vốn (cả nguồn vốn vay và vốn chủ sở hữu), hạn chế khả năng tăng trưởng cũng như áp lực lên khả năng hoạt động liên tục trong giai đoạn khó khăn.
"Do tình hình kinh tế chung vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chúng tôi ưa chuộng các ngân hàng có chiến lược phát triển an toàn và kinh doanh hiệu quả trong nhiều năm trở lại đây", Chứng khoán Mirae Asset nhận định.
Trong đó, các ngân hàng sở hữu tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao có khả năng duy trì mục tiêu kép là duy trì tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản tốt. Nhóm này bao gồm các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank, BIDV cũng như một ngân hàng tư nhân có bề dày hoạt động hiệu quả như ACB.
Các ngân hàng trên có bảng cân đối tốt với lượng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thấp và dư nợ phân bổ đồng đều nhiều phân khúc, hạn chế phần nào rủi ro hệ thống. Ngoài ra, các ngân hàng này có lợi thế về thương hiệu, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh, sẽ là nền tảng tốt trong cả huy động lẫn tránh rủi ro bị rút tiền đột biến.
Cũng theo Chứng khoán Mirae Asset nhận định, số dư nợ tái cơ cấu đã giảm đáng kể từ đỉnh trong quý 3/2021, nhưng ngân hàng vẫn khó thoát khỏi rủi ro chi phí dự phòng tăng cao.
Mặc dù, nợ tái cơ cấu đã giảm đáng kể trong giai đoạn nửa đầu năm 2022, dư nợ tái cơ cấu còn lại của một số ngân hàng vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, rủi ro chi phí dự phòng tăng trở lại vẫn hiện hữu do tác động của các đợt tăng lãi suất và chính sách thắt chặt tiền tệ.