Được nới room tín dụng, ngân hàng lo tìm vốn cho vay

Sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, dư địa để các ngân hàng thương mại cấp tín dụng là có. Tuy nhiên, áp lực cho việc cân đối vốn để cho vay còn rất lớn.
Được nới room tín dụng, ngân hàng lo tìm vốn cho vay

Như Thương gia đã đưa tin, ngày 5/12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng, các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI lưu ý rằng, việc bổ sung thêm hạn mức tín dụng sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại. Nhận định trên đến từ một số yếu tố sau.

Thứ nhất, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hạn mức tín dụng đã được phân bổ cho các ngân hàng thương mại là 14% và tăng trưởng tín dụng đến nay mới đạt 11,5% so với đầu năm. Do vậy, dư địa để các Ngân hàng Nhà nước cấp tín dụng tại thời điểm hiện tại là có, tuy nhiên vấn đề phần nhiều đến từ các tiêu chí cho việc giải ngân cho vay có được nới ra không.

Thứ hai, chênh lệch huy động vốn – tín dụng chưa có nhiều cải thiện và do đó, việc nới trần tín dụng phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới.

Trước khi Ngân hàng Nhà nước nâng room, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng nhìn nhận, việc ngân hàng nới room tín dụng chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ để các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Bởi lẽ, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước có nới thêm room tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay tiếp thêm.

Mặc dù đại diện Hiệp hội Ngân hàng không nói thẳng ra nhưng có thể hiểu rằng, ngân hàng cũng đang phải loay hoay đi kiếm vốn. Và muốn doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn trong thời gian này, nhà điều hành tiền tệ phải bơm thêm tiền hoặc điều chỉnh các hệ số an toàn vốn.

Quay lại với báo cáo, nhóm nghiên cứu tại SSI cho hay, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong tháng. Tính đến hiện tại, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần đã được đẩy lên vùng 8,5 – 9,5%/năm và chưa tính đến các mức khuyến mãi tăng thêm dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn.

Nhìn chung, lãi suất huy động đã tăng khoảng 3,5 – 4 điểm phần trăm cơ bản so với cuối năm 2021 cho kỳ hạn trên 6 tháng và mức này cũng đã cao hơn so với thời điểm trước Covid-19. Tuy nhiên, áp lực đối với lãi suất thị trường 1 vẫn còn khá cao khi số liệu mới nhất về tăng trưởng tín dụng và huy động từ Ngân hàng Nhà nước (tính đến cuối tháng 10) vẫn chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể trong chênh lệch huy động – tín dụng của nền kinh tế.

“Trái ngược lại, đà tăng của lãi suất cho vay phần nào chậm hơn, hay thậm chí còn giảm nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế. Trên thực tế, trong vòng vài ngày qua, hai ngân hàng Vietcombank và HDBank đã công bố việc giảm lãi suất cho vay, từ 0,5% đến 3,5%/năm đối với các khoản vay VNĐ đối với một số nhóm khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian triển khai từ ngày 1/11 đến 31/12/2022”, báo cáo viết.

Về tỷ giá, trước diễn biến hạ nhiệt của USD thế giới cũng như tình trạng thanh khoản hệ thống cải thiện, tỷ giá niêm yết tại các Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá chợ đen và tỷ giá liên ngân hàng đều đã được điều chỉnh giảm mạnh trong tuần cuối tháng 11. Trong đó, tính đến ngày 2/12, tỷ giá niêm yết đã giảm tới 2,4% trong vòng 1 tuần, hiện chỉ còn tăng 6,5% so với cuối năm 2021.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hạ tỷ giá bán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước 3 lần trong tháng 11, về VND 24,840/USD, và nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ trong thời gian tới với bước giá cao hơn. Nhìn chung, tâm lý găm giữ USD có thể đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất huy động VND và USD. Bên cạnh đó, các yếu tố cơ bản liên quan đến nguồn cung ngoại tệ cũng có nhiều điểm tích cực, như dòng vốn FDI giải ngân, FII, cán cân thương mại thặng dư hay dòng tiền từ các khoản vay ngoại tệ mới được giải ngân từ MSN, VPB, VCI, LTG,...

Dữ liệu vĩ mô tháng 11 cho thấy những tín hiệu trái chiều, khi ngành chế biến chế tạo và thương mại đã xấu đi nhanh chóng vì cả những yếu tố bên ngoài và bên trong, thì các yếu tố liên quan đến ổn định vĩ mô có sự cải thiện về cuối tháng.

Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI dự báo, GDP ở mức 8% vào năm 2022 và 6% đến 6,2% vào năm 2023, trong khi đó tăng trưởng GDP trong quý 4 năm 2022 ước tính vào khoảng 5,5- 6,0%. Khó khăn trong thời gian tới đến từ sự giảm tốc trong lĩnh vực sản xuất và rủi ro trong ngắn hạn tiếp tục là thanh khoản hệ thống, khi trái phiếu doanh nghiệp đến hạn cao dần về cuối năm.

Có thể bạn quan tâm

Những ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024

Những ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024

Một số ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh khả quan trong những tháng cuối năm 2024. Trong đó, Sacombank ước tính mang về 12.700 tỷ đồng lợi nhuận cả năm. Các ngân hàng quốc doanh và TPBank cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ về tài sản và tín dụng…

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...