Doanh nghiệp đang đòi hỏi sức ép cải cách môi trường kinh doanh lan rộng ở tất cả các ngành, lĩnh vực .
Doanh nghiệp tiếp tục hỏi
130 câu hỏi liên quan đến cách hiểu Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã được Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản (Vasep) tổng hợp từ các cuộc phổ biến nội dung nghị định trong gần 1 tháng qua gửi tới các bộ, ngành liên quan.
Cách đây vài tháng, con số này có thể là lý do để ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Vasep đăng đàn đối thoại với các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng lần này, tại Hội nghị quốc tế Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng diễn ra cuối tuần trước, ông Nam chỉ thông tin con số và bình luận rất ngắn.
“Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã mang đến những cảm xúc có thể sờ nắn được, khi đặt doanh nghiệp vào hành lang pháp lý theo thông lệ quốc tế. Nhưng, nhiều nội dung mới trong Nghị định cần phải được hiểu đúng, hiểu rõ ở cả doanh nghiệp và các cơ quan thực thi”, ông Nam nói.
Phải nhắc lại rằng, “cảm xúc có thể sờ nắn” mà Nghị định 15/2018/NĐ-CP đem lại cho doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thực phẩm thực sự rất lớn. Đó là, các mặt hàng thực phẩm sản xuất trong nước được giảm thiểu tới 90% thủ tục về quản lý hành chính; với thực phẩm nhập khẩu, tỷ lệ này là 95%. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã định lượng ngay số tiền doanh nghiệp tiết kiệm được từ việc cắt giảm này là 10 triệu ngày công và 3.700 tỷ đồng. Tất cả có hiệu lực ngay vào ngày ký ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP, ngày 2/2/2018.
Nhưng vấn đề ở chỗ, sự thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng biện pháp quản lý rủi ro trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Nghị định 15 đòi hỏi những thay đổi tương ứng, rất lớn của từng công chức, mà việc này thì khó nhìn thấy trong ngày một, ngày hai.
“Các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là liên tục. Chúng tôi tập hợp các câu hỏi từ doanh nghiệp, rất mong được làm rõ kịp thời để các quy định mang tính cách mạng của Nghị định 15 được tuân thủ ngay, không bị ách tắc bởi những cách diễn giải khác nhau hay phải chờ đợi để các bên hỏi và đáp…”, ông Nam nói rõ.
Tất nhiên, không chỉ có các câu hỏi từ Vasep. Hiệp hội Du lịch Việt Nam tiếp tục đặt câu hỏi tại sao các đề xuất về mở rộng danh sách miễn thị thực cho một số thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam chưa được giải quyết. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhắc tới sự mắc kẹt của doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng ô tô giữa các khoản đầu tư hàng tỷ để tuân thủ quy định về trọng tải, trong khi việc kiểm soát tải trọng đang bị lơi lỏng. Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đặt câu hỏi bao giờ thì các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin hội nhập, các tiêu chuẩn hàng hóa… được như các nước…
Điểm nóng phải lan đều
Địa chỉ các cơ quan nhận 130 câu hỏi trên là Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm, Tổng cục Hải quan và các cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh, hải quan địa phương.
Điểm nóng mang tên Nghị định 38/2012/NĐ-CP – một đầu việc phải làm trong Nghị quyết 19-2017 (quy định việc thực hiện những giải pháp, nhiệm vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh 2017 định hướng 2020) đã không dừng lại ở Bộ Y tế.
Ngay Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cảm nhận sức nóng tăng thêm khi tiếp đà rà soát điều kiện kinh doanh của ngành. “Số lượng điều kiện kinh doanh chúng tôi rà lại còn rất nhiều, lẩn khuất trong các thông tư, văn bản trước đây. Con số sẽ không phải là 853 mà có thể hơn 1.600. Dứt khoát chúng tôi sẽ cắt bỏ các điều kiện không cần thiết, không phù hợp theo đúng tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là cắt giảm thực sự”, ông Long nói khi chia sẻ những công việc tiếp theo.
Năm ngoái, Bộ Y tế chỉ phải chịu áp lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giới nghiên cứu và các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.
Năm nay, áp lực từ những thành công của Bộ Y tế cũng như của Bộ Công thương, Bộ Tài chính… trong thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đang tạo thêm sức ép buộc phải thay đổi tới các bộ, ngành không có trong điểm nóng mà các nghị quyết về môi trường kinh doanh điểm tên. Tất nhiên, các bộ đang được ghi danh là những ngôi sao tiên phong cũng đối mặt với áp lực... không thể nguội đi.
Đây là điều mà ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cảm thấy hứng khởi khi nói về dự thảo Nghị quyết 19 phiên bản 2018 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gửi lấy ý kiến trước khi hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét trong tháng 3 này. Có khoảng 10 bộ được liệt kê trong vai chủ trì sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến môi trường kinh doanh. Chưa kể các đầu việc được giao tại Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 vừa được Thủ tướng nhắc lại. Trong số này có những cái tên bị ghi trong phần chưa đạt được kết quả trong cải cách quy định về điều kiện kinh doanh do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Thủ tướng trong tháng 2 vừa rồi.
“Thủ tướng Chính phủ đã từng nhắc tới tình trạng trên nóng, dưới lạnh, thể hiện ở kết quả cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh không đồng đều. Nhưng khi các bộ trưởng, chủ tịch các tỉnh, thành phố đều nóng, lan tỏa sức nóng tới từng công chức thực thi, việc thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ là cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2018 sẽ đạt được”, ông Cung nói.
Tuy vậy, ông Cung cho rằng, người đứng đầu Chính phủ vẫn tiếp tục phải là người tiếp lửa cải cách cho bộ máy.