Mặc dù vừa trải qua một đợt sóng gió tại Trung Quốc, chuyên gia phân tích thị trường Peter Tchir thuộc tạp chí Forbes nhận định bitcoin có thể tiếp tục tăng mạnh.
Khoảng 2 tuần trước, nhà đầu tư chứng kiến đồng tiền số bitcoin đã bị kéo vào thị trường giá xuống một cách bất ngờ. Khi giá bitcoin chỉ còn 2.900 USD, chẳng ai có thể dự đoán được đồng tiền này có thể hồi phục nguyên vẹn đến như vậy.
Trở lại ngày 15/9, nguyên nhân đẩy giá bitcoin lao dốc cực mạnh không chỉ xuất phát từ động thái kiểm soát mạnh tay từ chính phủ Trung Quốc mà còn từ phát biểu tiêu cực của một số nhân vật cấp cao trong đó có CEO JPMorgan Chase. Từ mức đỉnh 5.000 USD, đồng tiền này giảm xuống 3.000 USD.
Nhưng kể từ đó đến nay, bitcoin không những trở lại mà còn hồi phục mạnh mẽ.
"Người truyền giáo" của bitcoin cho biết sự thực bitcoin không bị kiểm soát bởi chính phủ là lý do chính xác giải thích tại sao bạn nên sở hữu nó. Bitcoin được sinh ra để "sống sót" ngoài sự kiểm soát của chính phủ và ngân hàng trung ương. Nếu chính phủ Trung Quốc muốn dùng các biện pháp của mình để "dìm" giá bitcoin thì có vẻ như họ đã thất bại bởi 2 lý do sau:
Thứ nhất, thắng lợi thoát ra khỏi thị trường giá xuống, bitcoin không những chứng tỏ được mình mà nó còn có thể sẽ thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư mới. Mặc dù nhận được mức độ quan tâm ngày càng gia tăng, nhưng số lượng nhà đầu tư thực sự bỏ tiền để đầu tư vào loại sản phẩm tài chính này vẫn rất hạn chế, bởi họ còn bận tâm về khả năng thực sự của thị trường tiền số và lo lắng liệu nó có phải là bong bóng hay không. Hơn nữa khi giá bitcoin chạm đáy, nhiều nhà đầu tư đã coi đó là cơ hội để lao vào thị trường.
Thứ hai, cần phải chỉ ra rằng, rất nhiều người đang có động cơ mạnh mẽ để đẩy giá bitcoin, trong số đó là một lực lượng lớn thợ đào mỏ bitcoin. Đào bitcoin vẫn là một hoạt động có lợi nhuận cao ở mức giá 4.000 USD/đồng bitcoin như hiện nay. Rõ ràng là trong một thế giới không người chỉ huy như trên thị trường tiền số, đôi khi chúng ta cần phải chú ý đến những người được lợi nhất.
Theo Anh Sa/ Nhịp sống kinh tế/Forbes