Mỹ giảm thuế, lo vốn FDI rút khỏi VN: Đã cảnh báo

Lẽ ra, ngay từ khi trải thảm đón FDI, Việt Nam phải tính tới tình huống có ngày họ sẽ rút đi để từ đó có sự nghiên cứu, chuẩn bị dần.
Mỹ giảm thuế, lo vốn FDI rút khỏi VN: Đã cảnh báo

Việc Mỹ cắt giảm sâu thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%, đồng thời các khoản đầu tư nước ngoài của các nhà đầu tư Mỹ mà chuyển về nước cũng chỉ bị đánh thuế 10.5% khiến Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng lo ngại rằng các doanh nghiệp của Mỹ lâu nay hoạt động ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam, sẽ chuyển tiền về nước thay vì lâu nay họ giữ lại để tái đầu tư.

Chia sẻ lo ngại này, Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, nhờ giảm thuế, Mỹ sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp trở về, không chỉ doanh nghiệp Mỹ mà cả các doanh nghiệp nước ngoài khác.

Trước nay, để tránh bị đánh thuế, các công ty Mỹ để tiền ở nước ngoài rất nhiều. Bây giờ, nếu thuế trong nước giảm đi thì họ sẽ chuyển về, thậm chí mức thuế ấy có thể tạo ra những thay đổi trong hệ thống chuỗi giá trị của các công ty Mỹ hoặc một số công ty lớn của thế giới.

"Chính sách giảm thuế của chính quyền Trump chắc chắn sẽ tác động đến việc phân bố lại một số dây chuyền chuỗi giá trị. Trước đây, thuế ở Mỹ cao nên họ phải bố trí các dây chuyền ra nước ngoài, những nơi có thuế thấp. Giờ nếu thuế ở Mỹ thấp, họ thấy lợi hơn thì tội gì ở nước ngoài, hơn nữa những sản phẩm đó làm ra cuối cùng vẫn phải quay về thị trường Mỹ để bán", ông Sơn nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, nỗi lo FDI rút vốn khỏi Việt Nam đáng lo đến mức nào thì phải có con số tính toán cụ thể.

Ví dụ, số vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam là bao nhiêu, việc các công ty quay về Mỹ hoạt động không dễ dàng cũng bởi vì nó phải dựa trên chuỗi giá trị.

"Có những thứ nằm trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp Mỹ khiến họ phải ở nơi có giá lao động thấp. Ví dụ, bây giờ chuỗi này chủ yếu ở Việt Nam khai thác giá lao động thấp, vậy họ quay về Mỹ làm gì? Mỹ muốn giữ lại một số thứ cũng không giữ được vì lao động ở Mỹ giá cao, cái lợi ở thuế không thể bù được cái lợi ở việc tiết giảm chi phí lao động", ông Sơn nói.

Minh chứng cho điều này, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn dẫn trường hợp công ty sản xuất điều hòa Carrier.

Trước đây, Carrier định đóng cửa một nhà máy ở Mỹ, sa thải hơn 1.000 lao động. Cuối năm 2016, Tổng thống Donald Trump đến thăm nhà máy này và kêu gọi Carrier không chuyển nhà máy sang Mexico với lời hứa trong vòng 10 năm sẽ giảm thuế cho Carrier, đồng thời trích một phần thuế của bang Indiana, nơi đặt nhà máy của hãng Carrier trả lại cho doanh nghiệp này để họ có được lợi thế.

Lúc đầu Carrier đồng ý ở lại, nhưng sau đó thì thấy rằng họ không thể ở lại toàn bộ được. Carrier vẫn phải đóng cửa một phần nhà máy, chuyển sang Mexico để tiết kiệm chi phí do mức giảm thuế của liên bang cộng với mức hoàn thuế của bang cho về, tổng cộng chỉ được tầm 7-8 triệu USD, không bù lại được với con số 85 triệu USD mà họ tiết kiệm được nếu chuyển sang Mexico.

Trở lại với các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, vị chuyên gia nhấn mạnh rằng cần có những tính toán cụ thể.

Nếu như doanh nghiệp FDI thấy rằng với mức thuế như thế, họ về Mỹ mà vẫn giảm được chi phí, đỡ được phí vận chuyển, thậm chí tránh được thuế nhập khẩu hàng vào Mỹ mà chính quyền Donald Trump có thể gia tăng thì họ sẽ về.

Doanh nghiệp phải cân nhắc lợi-thiệt, không phải cứ thấy Mỹ giảm thuế là chuyển về ngay. Họ có thể ở lại Việt Nam để tái đầu tư mở rộng, nhưng không phải chỉ để lợi về thuế mà còn căn cứ vào triển vọng kinh doanh", ông Sơn cho biết.

Đề cập đến việc Việt Nam phải ứng xử như thế nào trong trường hợp FDI rút vốn, Ths Bùi Ngọc Sơn cho rằng, nếu Việt Nam định thay đổi chính sách thì phải tính toán hiệu quả, hiệu ứng xem có đáng hay không. 

"Trong các chuỗi giá trị của công ty nước ngoài, Việt Nam được tìm đến chủ yếu là vì lao động thấp và có thể họ vẫn ở lại vì lợi thế này.

Việt Nam cũng có thể tiếp tục tăng ưu đãi cho FDI và họ sẽ ở lại nhưng cuối cùng để làm gì? FDI ở Việt Nam rất nhiều, nhưng câu hỏi đặt ra là: Họ đến đây khai thác những lợi thế về lao động, tài nguyên... của Việt Nam rồi lại rút tiền về, Việt Nam chẳng được lợi lộc gì, vậy thì có cần thiết hay không? Nếu cứ giữ mãi như thế thì suốt đời Việt Nam chỉ trông chờ vào họ và được lợi chút ít, lao động có việc làm giản đơn trong doanh nghiệp của họ.

Khi cơ hội đến thì phải biết biến cơ hội đó thành tiềm năng lâu dài. Lẽ ra lúc Việt Nam đang có lợi thế, FDI cần đến chúng ta thì Việt Nam phải đặt ra điều kiện, ví dụ, anh vào thì phải mua hàng của tôi, thuê nhân công của tôi, hợp tác với các doanh nghiệp của chúng tôi..., lúc bấy giờ FDI mới có tính lan tỏa, sau này Việt Nam mới có lợi.

Thế nhưng Việt Nam lại chưa làm được việc này, chúng ta trải thảm đỏ mời FDI vào, thấy tốc độ tăng trưởng GDP cao thì vui mừng nhưng tăng trưởng ấy là nhờ đâu? Thử hỏi tốc độ tăng trưởng GNP (thu nhập quốc gia) của Việt Nam nằm ở đâu? Giờ FDI có ý định rút, dẫu chúng ta có làm gì nữa thì liệu có còn kịp?", ông Bùi Ngọc Sơn đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, những vấn đề nêu trên đã được cảnh báo từ lâu và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan là đặt ra câu hỏi, làm thành đề tài và thuê các nhóm nghiên cứu làm một báo cáo để Chính phủ biết phải hành động thế nào.

Theo Dân Việt

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...