Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Việt Nam khẳng định cam kết tuân thủ các quy định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về “không thao túng tỷ giá nhằm ngăn ngừa sự điều chỉnh hiệu quả của cán cân thanh toán hoặc giành lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng và không phá giá Việt Nam đồng”.
Đồng thời, Bộ Tài chính Mỹ sẽ thông báo cho các cơ quan khác trong chính phủ Mỹ về thỏa thuận này. Thỏa thuận còn kêu gọi Ngân hàng Nhà nước “cải thiện sự linh hoạt của tỷ giá hối đoái theo thời gian”, cho phép nội tệ biến động đúng theo diễn biến trên các thị trường và yếu tố kinh tế cơ bản của Việt Nam.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hoan nghênh cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tiền tệ và sự hiểu biết lẫn nhau. Bà Janet cũng bày tỏ tin tưởng rằng sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với những vấn đề này, theo thời gian, không chỉ sẽ giải quyết các mối quan tâm của Bộ Tài chính Mỹ mà còn hỗ trợ sự phát triển hơn nữa của thị trường tài chính Việt Nam và củng cố khả năng phục hồi tài chính cũng như kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Được biết, trước đó tháng 12 năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump ban hành báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, lần đầu tiên gắn mác thao túng tiền tệ với Việt Nam và Thụy Sĩ.
Quốc gia bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ nếu thỏa mãn các tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP, can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ.
Tuy nhiên, mới đây vào tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ (dưới thời Tổng thống Joe Biden) cho biết, không có đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại. Sau đó Việt Nam cùng với Thụy Sĩ, Đài Loan (Trung Quốc) đã được đưa ra khỏi danh sách các quỗ gia và vùng lãnh thổ bị cáo buộc thao túng tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, không sử dụng tỷ giá nhằm giành lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế. Việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung – nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.