Ngân hàng NCB (trước là Navibank) vẫn theo đuổi vụ kiện đòi 200 tỷ đồng tiền gửi vào VietinBank đã bị Huyền Như chiếm đoạt
Từ ngày 28/2 đến 16/3/2018, Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank, nay là NCB).
HĐXX gồm chủ tọa là thẩm phán Vũ Thanh Lâm, thẩm phán Nguyễn Anh Tuấn và 1 thẩm phán dự khuyết; 2 kiểm sát viên VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa là bà Hà Thị Bích Thu, Nguyễn Ngọc Lê.
Navibank được xác định là nguyên đơn dân sự của vụ án này.
Trong phiên toà này, HĐXX sẽ làm rõ tội danh của 10 bị can bị là những cán bộ lãnh đạo của ngân hàng Navibank, gồm ông Lê Quang Trí (nguyên Tổng giám đốc Navibank), các ông Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hùng Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc Navibank). 6 bị can còn lại nguyên là trưởng các phòng ban của Navibank.
Bị cáo nổi tiếng là Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, chi nhánh TP.HCM) và Võ Anh Tuấn nguyên Phó Giám Đốc chi nhánh VietinBank Nhà Bè, TP.HCM - cũng bị trích xuất tham gia phiên tòa này.
Toà án cũng triệu tập nguyên 3 nguyên cán bộ lãnh đạo của Vietinbank chi nhánh TP.HCM, gồm các ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên giám đốc), bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng (cùng nguyên phó giám đốc) với tư cách người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Trước đó, 3 cá nhân này đều vắng mặt trong phiên tòa xử vụ Huỳnh Thị Huyền Như diễn ra hơn 10 ngày trước.
Theo kết luận điều tra bổ sung lần thứ 2, từ tháng 4/2011, Lê Quang Trí đã họp thống nhất chủ trương cho các nhân viên Navibank để đứng tên, gửi hơn 1.500 tỷ đồng vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM để nhận gần 76 tỷ đồng tiền lãi.
Đến tháng 7/2011, VietinBank chi nhánh Nhà Bè quyết toán cho Navibank hơn 1.000 tỷ đồng. Còn 500 tỷ đồng tiền gửi chưa đến hạn quyết toán được gửi vào VietinBank chi nhánh TP HCM bằng 18 hợp đồng tiền gửi.
Ngày 7/9/2011, Huyền Như đã tất toán 12 hợp đồng với tổng số tiền 300 tỷ đồng, còn 200 tỷ đồng còn lại đã bị Như chiếm đoạt.
Cơ quan điều tra nhận định việc các bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Navibank ra chủ trương gửi tiền vào VietinBank là vi phạm các quy định pháp luật, tạo điều kiện để Huyền Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng.
Trước đó, sau khi kết thúc các phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do Huyền Như và đồng bọn thực hiện, đã chiếm đoạt hơn 5.000 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, bị cáo Huyền Như đã bị toà tuyên án tù chung thân. Mức án cao nhất của Huyền Như do bị cáo phạm hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Nhưng đến tháng 2/2015, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã tuyên hủy một phần bản án nêu trên để điều tra lại nhằm làm rõ hành vi tham ô tài sản của Huyền Như trong việc chiếm đoạt 1.285 tỷ đồng của một số công ty, cá nhân và ngân hàng, trong đó Navibank thiệt hại 200 tỷ đồng. Cơ quan điều tra tách ra thành 2 vụ, trong đó Navibank thành 1 vụ để điều tra riêng. Ngày 9/2 vừa qua, TAND TPHCM đã tuyên án sơ thẩm 1 vụ và sẽ đưa vụ Navibank ra xét xử vào ngày 28/2/2018.
>> Ngân hàng NCB lãi trước thuế 30,7 tỷ đồng, chỉ đạt 73% kế hoạch