Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) vừa phát đi thông báo cho biết, trên mạng Internet xuất hiện các trang internet (website) giả mạo website của BIDV và một số ngân hàng khác nhằm lừa đảo khách hàng đăng nhập để đánh cắp thông tin đăng ký các dịch vụ Ngân hàng điện tử.
Theo BIDV, một số địa chỉ giả mạo như http://homebank247.com/Bidv/ là trang web giả mạo website BIDV, http://homebank247.com giả mạo website của Vietcombank.
BIDV khuyến cáo khách hàng không đăng nhập vào các liên kết (link) giả mạo hoặc từ các liên kết được gửi từ email, thông tin quảng cáo không tin tưởng, không rõ nguồn gốc. Đồng thời, để đảm bảo an toàn, nên truy cập website chính thức của BIDV tại địa chỉ http://bidv.com.vn/ và đăng nhập vào các hệ thống ngân hàng điện tử được liên kết từ trang web này.
Trường hợp nghi ngờ đã truy cập vào các liên kết giả mạo, khách hàng nên đổi mật khẩu gấp và liên hệ với tổng đài BIDV để được hỗ trợ.
Về đường link giả mạo website của Vietcombank, ngân hàng này cho biết, khi truy cập đường link này, người dùng sẽ tiếp cận giao diện có hình thức rất giống với giao diện đăng nhập internet banking của Vietcombank, song đây không phải là website của ngân hàng.
Vietcombank khẳng định, chỉ có duy nhất 1 website chính thức tại địa chỉ http://www.vietcombank.com.vn. Ngân hàng khuyến cáo các khách hàng chỉ giao dịch và sử dụng các dịch vụ tại trang web chính thức để bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân, phòng tránh và hạn chế tối đa rủi ro do kẻ gian thực hiện các hành vi gian lận.
Thời gian qua, hàng loạt sự cố về bảo mật thông tin trong ngân hàng xảy ra đã đặt ra nhiều nghi ngại và ảnh hưởng niềm tin của khách hàng với các nhà băng. Những vụ tiền bỗng dưng "bốc hơi" khỏi tài khoản ngân hàng chưa kịp lắng xuống thì lại xảy ra sự cố thông tin nhiều tài khoản bị lộ dữ liệu, khách hàng bị rút tiền ngay trong đêm mặc dù không thực hiện bất kỳ giao dịch nào.
Theo một lãnh đạo NHNN cho biết, khả năng thành công của tội phạm mạng khi tấn công phía ngân hàng là rất thấp nên chuyển sang đối tượng dễ bị tổn thương hơn là phía khách hàng. Theo khảo sát thì tại Việt Nam chưa đến 11% đối tượng được hỏi nhận thức được là rủi ro có thể xuất phát từ khách hàng, trong khi tỷ lệ này ở quốc tế là 60%.
Do đó, cần truyền thông tốt hơn để nâng cao nhận thức của người sử dụng dịch vụ, hiểu rõ về quyền và các nghĩa vụ của khách hàng; rủi ro và thách thức có thể gặp phải và các kỹ năng, kiến thức cơ bản mà cần trang bị.
Trước đó, trong năm 2017, theo ghi nhận của hệ thống CyRadar, khá nhiều tên miền mới được đăng kí cho mục đích giả mạo các ngân hàng tại Việt Nam. Các website này chưa phải dạng lừa đảo thông tin khách hàng mà đánh mạnh vào việc cung cấp các dịch vụ vay tiền (vay thế chấp, vay tín chấp, … ) dựa trên việc mạo danh các ngân hàng lớn.
Các tên miền này không chỉ giao diện trang chủ mà các trang con cũng được thiết kế, trình bày rất giống với website của ngân hàng. Người dùng nếu được gửi link webiste và click vào sẽ rất khó để nhận ra đây là một website giả mạo.
>> Vụ mất tiền tài khoản Agribank: Thẻ của khách hàng bị đánh cắp thông tin