Đầu tư vào đối tác yếu, nhiều ngân hàng đang đau đầu vì khó thoái vốn
Lãnh đạo nhà băng lo giải trình việc thoái vốn
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức cuối tuần qua, Chủ tịch Maritime Bank Trần Anh Tuấn đã phải trả lời chất vấn của cổ đông về thoái vốn.
Tính đến cuối năm 2016, ngân hàng này vẫn sở hữu cổ phần tại 3 ngân hàng là MB (4,85%), PGBank (9,98%) và PVcomBank (dưới 5%), chưa kể số cổ phiếu siết nợ tại DongABank.
Tuy vậy, nhìn vào 3 ngân hàng mà Maritime Bank đang nắm vốn - đều là ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu - có thể thấy, việc thoái vốn không hề đơn giản với ngân hàng này.
Cụ thể, số cổ phiếu DongABank mà Maritime Bank nhận siết nợ vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước cho phép chuyển nhượng, trong khi việc thoái vốn khỏi PGBank cũng chưa thể thực hiện ngay do ngân hàng này đang làm thủ tục sáp nhập với VietinBank.
Trước đó, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đã phải lên tiếng giải thích với cổ đông về nguyên nhân chưa thể thoái vốn đúng hạn theo quy định.
Hiện Vietcombank nắm vốn tại 5 tổ chức tín dụng, nhưng chủ yếu là MB và Eximbank. Nếu thoái vốn khỏi hai ngân hàng này và giao dịch thành công, Vietcombank sẽ thu về khoản lãi 700 tỷ đồng. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, Vietcombank muốn giữ vốn tại MB và đang đề xuất Ngân hàng Nhà nước việc thoái vốn khỏi Eximbank.
“Riêng với 3 tổ chức tín dụng còn lại (OCB, SaigonBank và Công ty Tài chính cổ phần Xi măng), Vietcombank muốn thoái vốn, song giá thị trường chưa đạt kỳ vọng, thanh khoản thấp, nên chưa thoái được. Hiện tổng số tiền mà Vietcombank đầu tư tại 3 tổ chức này không lớn, chỉ hơn 300 tỷ đồng, song Ngân hàng sẽ cố gắng thoái sớm”, ông Thành cho biết.
Ngoài Maritime Bank và Vietcombank, Eximbank cũng đang gặp khó khi thoái vốn khỏi Sacombank do ngân hàng này đang tái cơ cấu. Hiện tỷ lệ sở hữu của Eximbank tại Sacombank là gần 8,8%, cao hơn mức tối đa cho phép là dưới 5%.
Theo quy định tại Điều 20, Thông tư 36/2016/TT-NHNN, ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa 2 tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng đó.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nắm giữ của ngân hàng thương mại tại tổ chức tín dụng khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia HĐQT của tổ chức tín dụng mà ngân hàng mua cổ phần.
Theo lộ trình, các ngân hàng thương mại đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 tổ chức tín dụng khác phải tính đến việc thoái vốn trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, thời hạn 1 năm đã trôi qua khá lâu, nhưng nhiều ngân hàng vẫn chưa thể thoái vốn theo quy định.
M&A cũng khó khả thi
Ngoài chuyện sốt ruột vì ngân hàng găm quá nhiều vốn ở các tổ chức tín dụng yếu kém và chưa tìm được cách thoát ra, cổ đông nhiều ngân hàng cũng bắt đầu nản vì tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa và yêu cầu ông chủ tìm kiếm ngân hàng tốt để thực hiện mua bán - sáp nhập (M&A).
Tại Đại hội đồng cổ đông cuối tuần qua, một cổ đông của Maritime Bank đã đề nghị ban lãnh đạo nghiên cứu hướng hợp nhất với một ngân hàng tốt hơn, như MB.
Với đề nghị này của cổ đông, lãnh đạo Maritime Bank cho hay, đã có hai ngân hàng yếu xin sáp nhập, nhưng lãnh đạo nhà băng không chấp nhận. Phải nói thêm rằng, năm 2015, Maritime Bank cũng đã nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB).
Câu chuyện tương tự diễn ra tại Đại hội đồng cổ đông của PG Bank, diễn ra vào tháng 4 vừa qua. Nhiều cổ đông đã yêu cầu ban lãnh đạo đẩy nhanh việc sáp nhập với VietinBank sau 3 năm dai dẳng. Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT của PGBank đã “chốt” với cổ đông rằng sẽ đưa ra câu trả lời sáp nhập hay không sáp nhập vào quý II/2017.
Thực tế, suốt cả năm 2016, không có thương vụ M&A ngân hàng nào chính thức diễn ra.
Áp lực tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II được coi là tiền đề để M&A lĩnh vực này sôi động. Tuy vậy, giá cổ phiếu ngân hàng kém hấp dẫn, cộng với hiệu quả hậu M&A của nhiều ngân hàng không như kỳ vọng khiến các ông lớn không mấy mặn mà “ôm” ngân hàng nhỏ.
Chính vì vậy, thời gian qua, hàng loạt nhà băng nhỏ đã tuyên bố tự tái cấu trúc, tiêu biểu là Nam A Bank, VietA Bank, OCB, BacA Bank, Viet Capital Bank, KienlongBank, NCB…
Đương nhiên, với áp lực cạnh tranh, những ngân hàng có quy mô vốn 3.000 - 4.000 tỷ đồng sẽ rất vất vả trong kinh doanh. Dẫu vậy, để M&A thành công, những ngân hàng này cũng phải “làm đẹp” mới có thể tìm được đối tác.
Theo Báo Đầu tư