Ngân hàng- Cổ phiếu “vua” chờ cửa sáng

Cổ phiếu một số ngân hàng có chỉ số “đẹp” nhưng vì sao không tăng giá? Đây không chỉ là câu hỏi khó với nhiều nhà đầu tư mà còn là cơn đau đầu của giới phân tích.

Nhiều ngân hàng đã đạt kế hoạch lợi nhuận 2016 nhưng cổ phiếu vẫn ì ạch

Mới đây, các chuyên gia phân tích và đầu tư hàng đầu Việt Nam đã có cuộc thảo luận nội bộ xoay quanh chủ đề cổ phiếu ngân hàng, vốn được mệnh danh là cổ phiếu “vua”, với mong muốn đưa ra câu trả lời xác đáng nhất cho vấn đề trên.

Quan điểm chung của những chuyên gia này là từ nay cho tới hết năm 2017, khó dự báo được hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng; với việc một loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp quy mô lớn lên sàn trong thời gian tới và tỷ trọng cổ phiếu “vua” trong các chỉ số chuẩn không lớn, nhiều khả năng sự hiện diện của cổ phiếu ngân hàng trong danh mục của các quỹ đầu tư sẽ giảm.

Những nhận định trên đã cho thấy triển vọng không mấy sáng về cổ phiếu ngân hàng.

Ẩn số lớn nhất đối với cổ phiếu ngân hàng là nợ xấu. Theo giới phân tích, nếu tỷ lệ nợ xấu đã thực sự giảm về mức 3% thì “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng tương đối lành mạnh. Tuy nhiên, với tiến độ xử lý chậm và chưa triệt để như hiện nay, cần thêm 5 - 7 năm nữa để giải quyết được vấn đề nợ xấu.

Theo số liệu mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc xử lý các khoản nợ xấu đã mua từ các tổ chức tín dụng của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) còn chậm, kết quả thu hồi nợ thấp. Trong 3 năm, VAMC thu hồi khoảng 38 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 14,5% nợ gốc bán cho VAMC). Trong đó, VAMC tự xử lý là 14,6 nghìn tỷ đồng, bao gồm bán nợ (3,6 nghìn tỷ đồng) và bán tài sản bảo đảm (11 nghìn tỷ đồng), còn lại 23,3 nghìn tỷ đồng là ủy quyền cho tổ chức tín dụng thu hồi hộ.

Tính đến cuối tháng 10/2016, có 228 nghìn tỷ đồng tài sản xấu vẫn đang nằm chờ xử lý. Do đó, các tổ chức tín dụng vẫn là đối tượng chịu trách nhiệm chính xử lý nợ xấu, trong khi năng lực tài chính đang bị bào mòn do phải trích lập dự phòng rủi ro (chi phí dự phòng rủi ro chiếm 65% lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro). Các nguồn lực khác như nhận cấn trừ nợ, xiết nợ, hoán đổi nợ xấu thành vốn góp đang bị hạn chế do quy định pháp lý.

Trong khi đó, bên cạnh sự bất hợp tác của khách hàng, việc xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng còn nhiều vướng mắc với các nguyên nhân như: các văn bản quy phạm về xử lý tài sản bảo đảm chưa đầy đủ; các tổ chức tín dụng có tài sản thế chấp nhưng không thể tự thu hồi và phát mại do những tranh chấp pháp lý về quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền chuyển đổi sở hữu…; cơ chế xử lý tố tụng qua tòa án còn chậm…

Với tốc độ xử lý nợ xấu như hiện nay, phải đến năm 2019, nhiều ngân hàng mới trích lập dự phòng đủ số nợ đã bán cho VAMC, giá cổ phiếu ngân hàng ở bình diện chung không dễ bứt phá.

Phân tích về trường hợp của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), một trong những nhà băng “đầu đàn” trong ngành ngân hàng hiện nay để thấy thị trường nhìn nhận cổ phiếu này như thế nào.

Trong một báo cáo phân tích hồi giữa tháng 11, Công ty chứng khoán Bản Việt đưa ra khuyến nghị khả quan đối với VCB và nâng giá mục tiêu lên 39.750 đồng/cổ phiếu. Bản Việt cho rằng, Ngân hàng có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận cao cho năm 2016 và 2017, cùng với việc tăng cường trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC sẽ làm giảm chi phí dự phòng cho các năm tới. VCB đang ở những giai đoạn cuối của việc xử lý nợ xấu và sẽ là ngân hàng đầu tiên trích lập đầy đủ dự phòng cho trái phiếu VAMC.

Một số chuyên gia phân tích đến từ các công ty chứng khoán khác nhận định, ROE của VCB có khả năng đạt 18% trong năm 2017; với PE 15x, mức giá an toàn để mua cổ phiếu VCB là trong khoảng 25.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức giá mà đối tác chiến lược chấp nhận mua VCB.

Độ nhạy về cổ phiếu ngân hàng thể hiện khá rõ trên thị trường, theo đó, mặc dù triển vọng kinh doanh của VCB được đánh giá tốt, ngay khi có tin nhà đầu tư chiến lược mua cổ phiếu VCB với giá 25.000 đồng/cổ phiếu, thị giá VCB trên sàn đã điều chỉnh từ 32.000 đồng/cổ phiếu về 29.000 đồng/cổ phiếu. Nhìn rộng hơn, các ngân hàng khác chỉ có ROE dưới 10%, triển vọng giá khó có thể lạc quan.

Không có cơ sở để “mổ xẻ” như VCB, cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MBB) dường như rất khó nhằn với giới phân tích, khi hầu hết các chỉ số kinh doanh đều tăng trưởng tốt nhưng thị giá cổ phiếu gần như không tăng, thậm chí hiện đang giao dịch dưới giá trị sổ sách.

Dự phóng lợi nhuận của MB năm nay tăng khoảng 13% so với năm 2015, lời giải thích cho trường hợp này chỉ chung chung là “cổ phiếu vua đang diễn biến dưới tiềm năng và khó có mã chứng khoán nào vượt qua được thực trạng chung của cả ngành”.                

Theo Thái Chi/ĐTCK

Có thể bạn quan tâm