Như Thương gia đã đưa, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã chính thức điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng (room tín dụng) năm 2022 thêm 1,5 - 2% trên toàn hệ thống ngân hàng. Điều này được kỳ vọng sẽ tháo nút thắt vốn của các doanh nghiệp thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, tại tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp" do Báo Người Lao động tổ chức mới đây, phía các ngân hàng có phản ánh về tình trạng khó khăn khi cấp tín dụng.
Theo ông Nguyễn Minh Trí, thành viên Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, một nguyên tắc rất quan trọng khi cho vay là phải cùng thắng với doanh nghiệp, cùng đồng hành với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tốt, hoạt động có hiệu quả, thì chúng tôi mới có khả năng thu hồi được vốn. "Thế nhưng, còn doanh nghiệp không có doanh thu, không có dòng tiền thì làm sao ngân hàng dám cho vay?", ông Trí nêu vấn đề.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng thương mại cũng phải đốt đuốc tìm doanh nghiệp tốt. Ngành ngân hàng khẳng định vốn tín dụng không thiếu. Các ngân hàng cũng rất muốn cho vay vì còn phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng.
"Ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng để cho vay, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng khoản vay. Hiện nay, tổng nguồn vốn ngắn hạn của ngành ngân hàng là trên 80%. Trong khi đó, ngành ngân hàng đang phải cho vay trên 50% tổng dư nợ là trung và dài hạn. Như vậy, chênh lệch kỳ hạn giữa huy động và cho vay là rất lớn", ông Quang nói.
Phân tích thêm, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, điều này dẫn đến 2 rủi ro lớn, một là rủi ro về thanh khoản và hai là rủi ro chi trả cho người gửi tiền.
"Người gửi tiền chỉ gửi 6 tháng, trong khi ngân hàng lại sử dụng khoảng 50% số tiền gửi 6 tháng để cấp tín dụng 5-10 năm, thậm chí các dự án bất động sản đầu tư tới 20 năm. Rủi ro dòng tiền luân chuyển không tốt, nợ xấu phát sinh sẽ không có tiền trả nợ cho người gửi tiền khi hạn 6 tháng đến. Đây là rủi ro lớn nhất mà ngành ngân hàng quan ngại", ông Quang nhấn mạnh.
Cùng với đó là rủi ro lãi suất. Lãi suất ngắn hạn biến động liên tục, trong khi đó lãi suất cho vay trung dài hạn thường 1 năm theo hợp đồng mới điều chỉnh 1 lần. Trong quá trình kinh doanh như vậy, ngành ngân hàng đối mặt với rất nhiều rủi ro lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng cao, môi trường lãi suất có biến động lớn.
Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ dự báo, năm 2023 sẽ là năm nhiều khó khăn, thách thức, nhất là áp lực lạm phát. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa ngân hàng nhà nước chỉ quan tâm kiểm soát lạm phát mà không quan tâm đến các lĩnh vực kinh tế khác. Thời gian tới, ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ đà phục hồi kinh tế.
Nói thêm về câu chuyện là giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cần tìm tiếng nói chung, ông Quang cho biết, thời gian qua, Ngân hàng nhà nước tổ chức rất nhiều hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để tìm tiếng nói chung.
Mới đây, Thống đốc đã tham dự hội nghị rất lớn kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trong lĩnh vực gạo, thủy sản ở Cần Thơ. Qua những hội nghị đó, tiếng nói của ngân hàng và doanh nghiệp gặp gỡ nhiều hơn. Và Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cũng rất quan tâm hướng vốn tín dụng vào những lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế, trong đó có 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có hoạt động xuất khẩu lãi suất chỉ 5,5%/năm và tất nhiên doanh nghiệp phải có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được.