Ngân hàng Nam Á trước khi chuyển sàn: Lợi nhuận tăng, nợ xấu... cũng tăng

Lợi nhuận của Ngân hàng Nam Á (Mã chứng khoán: NAB) trong năm 2023 tăng khá, tạo ấn tượng tốt với nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu soi chiếu sâu hơn vào kết quả kinh doanh thì những khoản nợ xấu của ngân hàng này cũng tăng đầy lo ngại...

nam-a-2a-3188.jpg
Nợ xấu của Nam A Bank tính đến cuối năm 2023 là gần 3.000 tỷ đồng, tăng 53,66% so với đầu năm

Theo thông tin được công bố, NAB sẽ rời sàn Upcom (thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX) để niêm yết trên sàn HOSE (Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM) từ ngày 8/3/2024. Và như thường lệ, trước khi niêm yết, báo cáo kinh doanh thường được công bố, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

NỢ XẤU TĂNG HƠN 50%

Cụ thể, năm 2023, thu nhập lãi thuần của Nam A Bank đạt hơn 6.600 tỷ đồng, tăng hơn 30%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 600 tỷ đồng, tăng 116%, lãi thuần từ hoạt động khác đạt hơn 330 tỷ đồng, tăng 10,1%… Lợi nhuận trước thuế năm 2023 của ngân hàng này đạt hơn 3.300 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận đứng thứ hai toàn ngành, chỉ sau Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng 52%. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 2.600 tỷ đồng, tăng trưởng đến 45% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận NAB tăng trưởng cao nhờ huy động nhiều và cho vay khá tốt. Tính đến cuối năm 2023, khách hàng gửi hơn 145.000 tỷ đồng tại NAB, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Trong khi đó, NAB cho vay hơn 141.000 tỷ đồng, tăng hơn 18%.

Nhưng, bên cạnh kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, nợ xấu tại NAB cũng tăng mạnh hơn 50%. Cụ thể, tổng nợ xấu nội bảng của Nam A Bank tính đến cuối năm 2023 là 2.989 tỷ đồng, tăng 53,66% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 820,6 tỷ đồng, tăng 6,22 lần; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 1.182 tỷ đồng, tăng 4,98 lần; Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của Nam A Bank lại quay đầu giảm 37,43% xuống 986 tỷ đồng.

nam-a-3-6249.jpg
Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ của Nam Á Bank tăng từ 1,63% lên 2,11%

Đáng chú ý, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) là 5.395 tỷ đồng, tăng mạnh gần 51% so với đầu năm (3.575 tỷ đồng). Tuy chưa được xếp vào nhóm nợ xấu nhưng với việc nợ nhóm này tăng mạnh cho thấy nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu rất cao.

Nợ xấu nội bảng tăng mạnh khiến tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vào cuối năm 2023 là 2,1%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ.

NAB chưa thuyết minh tỷ lệ cho vay theo ngành nghề nên cổ đông khó biết được ngân hàng này cho vay bất động sản nhiều hay ít và ảnh hưởng thế nào đến việc tăng mạnh nợ xấu. Tuy nhiên, NAB đang có những khoản cho vay dính đến các dự án bất động sản có sai phạm nghiêm trọng, trong đó phải kể đến dự án Đồi Cù Đà Lạt với diện tích xây dựng không phép hơn 20.000m2, đã bị chính quyền tỉnh Lâm Đồng xử phạt và buộc tháo dỡ.

nam-a-1-4416.jpg
Nam A Bank cam kết cho vay hàng nghìn tỷ đồng đối với dự án sai phạm Đồi Cù Đà Lạt

Chủ đầu tư dự án Đồi Cù Đà Lạt là Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL, một công ty có quan hệ mật thiết với Ngân hàng Nam Á. Cụ thể, bà Dương Trương Thiên Lý, chủ sở hữu Hoàng Gia ĐL chính là vợ của ông Nguyễn Quốc Toàn, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Nam A Bank.

Tại dự án Đồi Cù Đà Lạt, Ngân hàng Nam Á đã cam kết cho vay hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, tại văn bản số 1758/2022/CV-NHNA-TTKD ngày 10/9/2022, ngân hàng này đồng ý xem xét cấp cho Hoàng Gia ĐL khoản tín dụng tối đa 1.655 tỷ đồng và chỉ ít ngày sau, ngày 23/9/2022, Nam A Bank tiếp tục ra văn bản số 1759/2022/CV-NHNA-TTKD, đồng ý xem xét cấp cho Hoàng Gia ĐL khoản tín dụng tối đa là 1.670 tỷ đồng với mục đích đầu tư xây dựng Khu nghỉ mát Đà Lạt và Công viên giải trí chuyên đề, bãi đậu xe kết hợp Trung tâm thương mại ngầm.

Hiện chưa rõ, Nam Á Bank đã giải ngân được bao nhiêu nhưng với những sai phạm mà dự án Đồi Cù Đà Lạt đang dính phải, việc thu hồi khoản vay này đang là một dấu hỏi lớn.

NAB VÀ EXIMBANK CÓ QUAN HỆ THẾ NÀO?

Luật Các Tổ chức Tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 có một quy định đáng chú ý. Đó là giảm trần sở hữu đối với các tổ chức trong nước. Mục đích nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng.

Tại NAB, các nhà đầu tư đã nhiều lần đặt vấn đề liệu ai đang sở hữu NAB và NAB có liên quan gì đến Eximbank (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam).

Nghi ngại này bắt đầu bùng lên từ giữa năm 2019, khi Eximbank tổ chức đại hội cổ đông. Khi đó, ông Nguyễn Chấn, chồng bà Trần Thị Hường (thường được gọi là Tư Hường, đã mất), người sáng lập Nam A Bank và Tập đoàn Hoàn Cầu, đã đến dự và tố cáo con trai mình là Nguyễn Quốc Toàn (lúc đó là Chủ tịch Nam A Bank) đã chiếm giữ và chuyển nhượng trái phép tài sản và cổ phần của vợ chồng ông tại Ngân hàng Eximbank.

Tại đại hội Eximbank, ông Chấn cũng tiết lộ danh sách cổ đông đang sở hữu hơn 30% cổ phần Eximbank, trong đó có ông Nguyễn Quốc Toàn sở hữu gần 4,5% cổ phần Eximbank. Sau vụ việc bị cha tố cáo, ông Nguyễn Quốc Toàn đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch Nam Á Bank.

Khi sự việc trên lắng xuống, nghi vấn liên quan giữa NAB và Eximbank một lần nữa lại nhen nhóm. Giữa năm 2023, Eximbank bầu bà Đỗ Hà Phương giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị thay cho bà Lương Thị Cẩm Tú. Thay đổi này có hiệu lực kể từ 28/6/2023.

Các nhà đầu tư đã nhiều lần đặt vấn đề về mối liên quan giữa NAB và Eximbank, có hay không việc sở hữu chéo giữa hai ngân hàng này.

Các nhà đầu tư đã nhiều lần đặt vấn đề về mối liên quan giữa NAB và Eximbank, có hay không việc sở hữu chéo giữa hai ngân hàng này.

Nhóm cổ đông đề cử bà Đỗ Hà Phương vào ghế Chủ tịch Eximbank là Công ty Cổ phần Hoàn Vũ Sài Gòn, ông Dương Tiến Dũng, ông Nguyễn Quốc Toàn, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, bà Trương Vũ Họa Mi, bà Lê Mộng Tuyền, ông Trần Ngọc Nhật, Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL, Công ty Cổ phần Rồng Ngọc, bà Lưu Như Trân và Công ty TNHH M8.

Đáng chú ý, nhóm cổ đông này đều liên quan đến NAB. Cụ thể, ông Dương Tiến Dũng sở hữu Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương – cổ đông lớn nhất của NAB với hơn 9% cổ phần (gần 100 triệu cổ phiếu). Con gái ông Dũng - bà Dương Trương Thiên Lý (vợ ông Nguyễn Quốc Toàn) đang sở hữu chi phối nhiều doanh nghiệp trong nhóm cổ đông đề cử (Hoàn Vũ Sài Gòn, Rồng Ngọc, Hoàng Gia ĐL…). Bà Dương Trương Thiên Lý và chồng là Nguyễn Quốc Toàn cũng sở hữu cổ phần NAB.

Trong các báo cáo gần nhất của cả Eximbank và NAB đều chưa công bố chi tiết danh sách cổ đông. Do đó chưa rõ mối quan hệ về sở hữu cổ phần giữa hai ngân hàng này nhiều hay ít. Đây không chỉ là một thương vụ đầu tư, mà còn là lo lắng của cổ đông hai ngân hàng và các nhà đầu tư đối với rủi ro tiềm ẩn về sở hữu chéo.

Quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng của tổ chức (Luật Các Tổ chức Tín dụng sửa đổi) nhằm giảm sở hữu chéo, tránh tình trạng lũng đoạn ngân hàng như nhiều năm trước. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, với những cổ đông cố tình lách luật, chia nhỏ sở hữu cho nhiều người đứng tên thì vẫn chi phối được ngân hàng.

NAB dự kiến tổ chức đại hội cổ đông năm 2024 vào ngày 29/3/2024. Câu hỏi NAB liên quan thế nào đến Eximbank có lẽ sẽ lại là vấn đề sẽ được nhiều cổ đông NAB quan tâm tại sự kiện sắp tới.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất huy động ngân hàng ACB: Đi ngang trong tháng 11/2024

Lãi suất huy động ngân hàng ACB: Đi ngang trong tháng 11/2024

Khảo sát đầu tháng 11 cho thấy, biểu lãi suất huy động được ngân hàng ACB tiếp tục duy trì ổn định tại tất cả các kỳ hạn. Do đó, khung lãi suất hiện đang dao động trong khoảng 2,3 – 4,5%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng đến 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ…

Ngân hàng Sacombank giữ nguyên biểu lãi suất tiết kiệm trong tháng 11/2024

Ngân hàng Sacombank giữ nguyên biểu lãi suất tiết kiệm trong tháng 11/2024

Sang tháng mới, ngân hàng Sacombank duy trì ổn định khung lãi suất huy động cả hình thức gửi tiết kiệm truyền thống và trực tuyến. Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm truyền thống được hưởng lãi suất trong khoảng 2,8 – 5,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng đến 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ…

Cập nhật biểu lãi suất huy động ngân hàng HDBank tháng 11/2024

Cập nhật biểu lãi suất huy động ngân hàng HDBank tháng 11/2024

Qua so sánh, biểu lãi suất tiền gửi ngân hàng HDBank trong tháng này được duy trì ổn định so với cùng kỳ. Do đó, 3,35 - 8,1%/năm là khung lãi suất được áp dụng khách hàng cá nhân, kỳ hạn 1 tháng đến 36 tháng, hình thức lĩnh lãi cuối kỳ…

Ngân hàng BIDV duy trì khung lãi suất huy động trong tháng 11/2024

Ngân hàng BIDV duy trì khung lãi suất huy động trong tháng 11/2024

Theo khảo sát mới nhất, khung lãi suất tiết kiệm ngân hàng BIDV dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp không có sự thay đổi so với tháng trước. Qua so sánh, 4,7%/năm là mức lãi suất cao nhất được áp dụng cho các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ…

Tăng trưởng lành mạnh và bền vững, TPBank báo lãi gần 5.500 tỷ đồng

Bức tranh lợi nhuận tươi sáng của TPBank

Cuộc đua trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng trở nên khốc liệt, tuy nhiên TPBank vẫn luôn giữ vững vị thế, với kết quả kinh doanh quý 3, một lần nữa khẳng định năng lực cạnh tranh vượt trội của ngân hàng này...