Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu vàng miếng SJC

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ dừng đấu thầu bán vàng miếng và triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6/2024...

Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu vàng miếng SJC

Trong thông báo mới nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới, cơ quan điều hành sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6/2024.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã nối lại hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC kể từ ngày 22/4 sau 11 năm tạm hoãn. Theo đó, nhà điều hành đã tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC. Với 6 phiên đấu thầu thành công, tổng khối lượng vàng miếng SJC đã được các thành viên trúng thầu là 48.500 lượng (tức 485 lô), tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã được các thành viên dự thầu (gồm các công ty kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng) mua vào, từ đó cung ứng ra thị trường.

Trong đó, hai phiên đấu thầu thành công nhất tính đến thời điểm này vào ngày 16/5 và 23/5, lần lượt 12.300 và 13.400 lượng vàng được đấu thầu thành công. Cả hai phiên này cũng có lượng thành viên trúng thầu cao nhất, 11 thành viên.

Sau một vài phiên có phần “ế ẩm”, từ phiên thứ 6 (14/5), Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi điều kiện dự thầu bằng cách hạ lượng vàng tối thiểu mỗi thành viên được đấu thầu từ 7 lô (700 lượng) xuống 5 lô (500 lượng).

Việc điều chỉnh “luật chơi” cùng với sự ổn định dần của thị trường vàng, số lượng thành viên đăng ký dự thầu và trúng thầu đã tăng lên rõ rệt. Thành viên dự thầu cũng bớt dè dặt khi tham gia đấu thầu vàng miếng từ Ngân hàng Nhà nước khi trước đó họ lo ngại rủi ro biến động tỷ giá và không có lượng khách hàng đến mua vàng miếng SJC như tại Công ty SJC.

Về lý thuyết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức đấu thầu vàng là giải pháp tăng nguồn cung để trung hòa nhu cầu thị trường, từ đó “hạ nhiệt” giá vàng. Thế nhưng, thực tế, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng hơn. Vấn đề quản lý thị trường vàng và biến động giá vàng đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội.

Đề cập đến câu chuyện giá vàng tăng bất thường thời gian qua, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, giá vàng thế giới tăng thì trong nước cũng tăng, nhưng có vấn đề là giá vàng trong nước ngày càng chênh lệch lớn với thế giới. Vì vậy, rất cần có phương thức điều hành linh hoạt để đưa giá vàng trong nước về ngang thế giới.

Riêng vấn đề đấu thầu vàng, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cơ chế đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay là đấu thầu ngược. Cứ đấu thầu lại làm giá vàng tăng lên, bởi giá sàn được đặt sát giá thị trường. Vì thế, khi trúng thầu, doanh nghiệp phải bán ra với giá cao hơn và đương nhiên giá vàng trong nước cứ tăng lên.

Cùng quan tâm tới vấn đề đấu thầu vàng, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn tỉnh Bắc Giang) cho biết, sự bất hợp lý của thị trường vàng hiện nay là sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới dù chúng ta đã có nhiều giải pháp điều hành. Để kéo giá vàng sát giá thị trường thế giới thì phải tính đúng, đủ giá thành của vàng trong nước làm giá khởi điểm để tổ chức đấu thầu, chứ không phải như cách làm hiện nay.

Cụ thể là, lấy giá vàng thế giới quy đổi ra đồng Việt Nam, cộng với các chi phí nhập khẩu và chi phí khác để ra giá khởi điểm, từ đó tổ chức đấu thầu. “Quan điểm của Chính phủ với vấn đề này là như thế nào? Chúng ta muốn bán vàng với giá cao để thu về nhiều tiền hay đấu giá để ổn định thị trường, ổn định tâm lý người dân?”, đại biểu Trần Văn Lâm nêu câu hỏi.

Giá vàng trong nước đang ở đỉnh mọi thời đại, giá vàng miếng SJC luôn hơn giá vàng quốc tế từ 15-20 triệu đồng/lượng. Thực tế thời gian qua, khi giá vàng trong nước tăng nóng, tình trạng nhiều người đổ đi mua vàng đã xảy ra. Như vậy, dòng tiền không vào sản xuất mà đổ vào vàng. Thị trường vàng cần sớm có giải pháp bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo trộn tâm lý của người dân.

Xem thêm

Thêm 13.400 lượng vàng được tung ra thị trường

Thêm 13.400 lượng vàng được tung ra thị trường

Trong phiên đấu thầu vàng miếng SJC ngày 23/5 đã có 11 thành viên trúng thầu, với tổng khối lượng trúng thầu là 134 lô, tương đương với 13.400 nghìn lượng vàng miếng SJC. Giá trúng thầu cao nhất là 88.730.000 đồng/lượng và thấp nhất là 88.720.000 đồng/lượng...

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...