Soi sức khoẻ tài chính hai ông lớn ngành kinh doanh vàng SJC và PNJ

PNJ và SJC đều là những doanh nghiệp kinh doanh vàng lâu năm và có tiếng trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, hai "ông lớn" này có sự khác biệt lớn về chiến lược và kết quả kinh doanh...

Soi sức khoẻ tài chính hai ông lớn ngành kinh doanh vàng SJC và PNJ

Trong bối cảnh vàng lên ngôi như hiện nay, kết quả kinh doanh của các nhà vàng cũng là chủ đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đều là những công ty kinh doanh vàng có tiếng trên thị trường Việt Nam nhưng Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) và Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) lại thu về những "quả ngọt" khác biệt.

Xét trên tiêu chí về doanh thu, trong giai đoạn từ 2014-2020, SJC luôn dẫn trước đối thủ về tiêu chí này. Nhưng bước ngoặt xuất hiện từ năm 2021, doanh thu PNJ lần đầu vượt SJC. Cụ thể, SJC mang về 17.689 tỷ đồng doanh thu; còn ở PNJ đạt 19.735 tỷ đồng.

Từ đó đến nay, doanh thu của PNJ đã bỏ xa đối thủ và duy trì trên mức 33.000 tỷ đồng hàng năm. Tính bình quân trong một thập kỷ, tốc độ tăng trưởng doanh thu của SJC đạt 12%/năm, còn tại PNJ là 17%/năm.

Mặc dù là doanh nghiệp độc quyền vàng miếng trong nước, mang về hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm, nhưng lợi nhuận SJC đưa về lại khá khiêm tốn. Trong giai đoạn từ 2014-2023, lợi nhuận sau thuế của SJC gần như đi ngang, chưa có năm nào đạt trên 70 tỷ đồng.

Lý do cơ bản dẫn đến việc doanh thu của SJC rất lớn nhưng lợi nhuận tạo ra không đáng kể là do tỷ suất lợi nhuận của mảng kinh doanh vàng miếng chỉ trong khoảng 0,1 – 0,5%.

Hiện phần lớn doanh thu của SJC vẫn chủ yếu đến từ kinh doanh vàng miếng. Cùng với đó, SJC cũng chưa bắt kịp nhu cầu của thị trường để chuyển đổi mô hình kinh doanh dẫn tới việc tỷ suất lãi gộp của công ty chưa bao giờ trên 1%.

Ngược lại, PNJ có chiến lược kinh doanh đúng đắn khi tập trung vào mảng trang sức bán lẻ thay vì chỉ kinh doanh vàng miếng truyền thống. Song song với đó, PNJ còn phát triển mô hình bán lẻ với 2 kênh online và offline, kéo theo giảm bớt các chi phí quản lý bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp... Từ đó, giúp lợi nhuận của công ty được cải thiện theo từng năm, chỉ chững lại ở giai đoạn Covid-19.

Trong một thập kỷ kinh doanh, mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình của PNJ đạt 35%, tương đương gấp gần 3 lần so với SJC. Biên lợi nhuận của PNJ cũng ở mức tốt, ghi nhận ở mức 2-7% tùy từng giai đoạn.

Tương tự, tổng tài sản của PNJ luôn duy trì trạng thái tăng liên tục qua các năm thì ở chiều ngược lại, tổng tài sản của SJC gần như không thay đổi.

Qua so sánh trên, có thể dễ dàng nhận thấy lý do chính khiến việc kinh doanh của PNJ gấp nhiều lần SJC là do PNJ đã nắm bắt kịp xu hướng thị trường, đi sâu vào thị trường bán lẻ trang sức hơn thị trường vàng miếng truyền thống.

Một điểm đáng lưu ý khác, SJC là doanh nghiệp trực thuộc sở hữu 100% của nhà nước, cụ thể là Uỷ ban nhân dân TP.HCM, nên cơ cấu vốn có tỷ trọng nợ chiếm rất ít với trung bình chưa đầy 9% tổng nguồn vốn trong 10 năm qua. Ở chiều hướng ngược lại, PNJ là thương hiệu tư nhân, sử dụng đòn bẩy tài chính tương đối cao với nợ chiếm gần 44% nguồn vốn.

Nhìn lại kết quả năm 2023, SJC ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ 4% so với năm 2022, từ 27.153 tỷ đồng lên 28.408 tỷ đồng. Biên lợi nhuận năm 2023 của SJC là 0,84%, giảm so với biên lợi nhuận gộp năm 2022 là 0,92%. Nhờ được hoàn nhập hơn 10 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư, SJC lãi 12,6 tỷ đồng trong hoạt động tài chính. Theo đó, lợi trước thuế và lợi nhuận sau thuế năm 2023 của SJC tăng 27% và 24% so với năm 2022 lần lượt là 87,5 tỷ đồng và 61 tỷ đồng.

Trong khi đó, lũy kế cả năm 2023, PNJ mang về 33.137 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 2,2% so với quý 4/2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.971 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ chiếm lĩnh thêm thị phần, gia tăng khách hàng mới, mở rộng mạng lưới và tung thêm sản phẩm. Đây cũng là mức lợi nhuận năm cao kỷ lục của PNJ.

Biên lợi nhuận gộp trung bình năm 2023 đạt 18,3%, cao hơn mức 17,5% cùng kỳ năm 2022. Tổng chi phí hoạt động năm 2023 tăng 0,8% so với cùng kỳ do mở rộng hệ thống bán lẻ. Tỷ lệ chi phí hoạt động trên lợi nhuận gộp giảm từ mức 59,1% năm 2022 xuống còn 58,3% năm 2023 nhờ tối ưu hoá vận hành.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, trong bối cảnh thị trường vàng liên tục "nóng" kể từ đầu năm đến nay, tại báo cáo kế hoạch kinh doanh gửi Uỷ ban nhân dân TP.HCM, SJC dự tính năm 2024 đạt doanh thu 30.145 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 92,7 tỷ đồng và 70,2 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời ròng theo đó chỉ đạt 0,23%.

Theo đó, kế hoạch doanh thu năm nay giảm 270 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2023, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 23% tương ứng với hơn 13 tỷ đồng. Kế hoạch này được ban lãnh đạo SJC đặt ra dựa trên mục tiêu sản lượng vàng miếng đạt 31.692 lượng và tiêu thụ 444.912 món nữ trang. SJC dự tính năm nay sẽ nộp thuế khoảng 93,6 tỷ đồng.

Về phía PNJ, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên được tổ chức vào ngày 16/4 vừa qua, đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu là 37.147 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2023, lợi nhuận sau thuế tăng 6% lên 2.089 tỷ đồng. Đây đều là những con số kỷ lục đối với công ty.

Xem thêm

Thêm 13.400 lượng vàng được tung ra thị trường

Thêm 13.400 lượng vàng được tung ra thị trường

Trong phiên đấu thầu vàng miếng SJC ngày 23/5 đã có 11 thành viên trúng thầu, với tổng khối lượng trúng thầu là 134 lô, tương đương với 13.400 nghìn lượng vàng miếng SJC. Giá trúng thầu cao nhất là 88.730.000 đồng/lượng và thấp nhất là 88.720.000 đồng/lượng...

Thuần hoá chú ngựa mang tên giá vàng

Thuần hoá chú ngựa mang tên giá vàng

Kể từ năm 2021 tới nay, khác hẳn với sự thuần phục của những năm trước đó, “chú ngựa” chênh lệch giá vàng bỗng chốc khó kiểm soát...

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...