Ngân hàng Nhà nước trở lại hút tiền qua kênh tín phiếu

Dù diễn biến tỷ giá có phần khá giống với giai đoạn tháng 9/2023, tuy nhiên hầu hết các chuyên gia cho rằng đây không còn là thách thức lớn đối với Việt Nam như giai đoạn 2022 – 2023.

Ngân hàng Nhà nước trở lại hút tiền qua kênh tín phiếu

Ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ chào bán tín phiếu trở lại sau 4 tháng tạm ngừng. Tín phiếu có kỳ hạn 28 ngày và được NHNN chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất, xét thầu đơn giá. NHNN chưa công bố kết quả chào thầu tín phiếu.

Đây là động thái đáng lưu ý trong bối cảnh tỷ giá và lợi suất đang tăng trở lại. Việc khởi động lại hoạt động chào bán tín phiếu cho thấy định hướng hút bớt thanh khoản hệ thống của Nhà điều hành và có chiều hướng làm tăng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng. Điều này sẽ hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá USD/VND đang chịu áp lực và đang tiệm cận mức đỉnh lịch sử.

Theo đó, trái với diễn biến hàng năm, tỷ giá USD tại các ngân hàng đã tăng mạnh ngay từ đầu năm nay. Ước tính, tỷ giá đã tăng khoảng 1,4% so với cuối năm 2023 và hiện chỉ còn cách đỉnh lịch sử khoảng 120 đồng.

Trong khi đó, thanh khoản hệ thống lại đang dồi dào. Lãi suất VND liên ngân hàng lại quay đầu giảm mạnh trong tuần qua. Theo dữ liệu mới nhất, chốt ngày 7/3, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90 - 95% giá trị giao dịch) đã về mức 1,17%/năm, giảm mạnh tới gần 3 điểm % so với đỉnh hồi giữa tháng 2.

Dù diễn biến tỷ giá có phần khá giống với giai đoạn tháng 9/2023, tuy nhiên hầu hết các chuyên gia cho rằng đây không còn là thách thức lớn đối với Việt Nam như giai đoạn 2022 – 2023. Vấn đề tỷ giá lần này chỉ mang tính tạm thời và NHNN có đủ công cụ để nhanh chóng bình ổn tỷ giá.

Theo báo cáo từ KBSV, tỷ giá tăng nóng xuất phát từ các yếu tố như chỉ số USD Index (DXY) tiếp tục mạnh lên; áp lực từ chênh lệch lãi suất USD – VND vẫn hiện hữu và một lượng lớn ngoại tệ chảy ra khỏi hệ thống phục vụ hoạt động nhập khẩu hàng hoá, nguyên vật liệu của doanh nghiệp giai đoạn đầu năm. Trong khi đó, nguồn ngoại tệ thu về từ các doanh nghiệp xuất khẩu chưa ngay lập tức quay trở lại hệ thống.

Các chuyên gia KBSV cũng nhận thấy rủi ro lạm phát của Mỹ có thể tiếp tục làm DXY tăng cao, gây áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.

Ở chiều ngược lại, hoạt động xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng tích cực đang là yếu tố hỗ trợ tỷ giá. Vốn FDI đăng ký tính đến ngày 20/2 đạt 4,29 tỷ USD (tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện hai tháng đầu năm ước đạt 2,8 tỷ USD (tăng 9,8% so với cùng kỳ) và là mức cao nhất trong 5 năm qua.

Nhóm phân tích của KBSV dự báo tỷ giá năm nay sẽ chỉ tăng 1,5%, đạt 24.600 USD/VND.

Tỷ giá sẽ được kiểm soát nhờ cán cân tổng thể dự báo tích cực hơn, trong bối cảnh áp lực từ chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND dù có giảm nhưng vẫn duy trì trong suốt cả năm.

Trong đó, xuất khẩu dự kiến phục hồi tích cực với mức tăng trưởng dự báo đạt 8% - 12% nhờ tiềm năng tăng trưởng tích cực xuất khẩu do tồn kho tại Mỹ và EU đã đến giai đoạn cạn kiệt sau giai đoạn nhập khẩu nhiều trước Covid-19 do lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng, nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện giúp gia tăng hơn nữa tiềm năng xuất khẩu và sức mua tiêu dùng cải thiện tương đối do lạm phát đã giảm trên toàn cầu.

Với triển vọng kinh tế nội địa sáng hơn và thị trường bất động sản phục hồi nhẹ, nhập khẩu theo đó cũng phục hồi. Xuất nhập khẩu dịch vụ giảm bớt thâm hụt do dư địa phục hồi của ngành du lịch, đặc biệt là với nhóm khách du lịch Trung Quốc Dòng vốn FDI, kiều hối tiếp tục ổn định và tăng trưởng .

Việc FED cắt giảm lãi suất trong năm sau, giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND, cùng triển vọng yếu đi của đồng USD, giúp giảm thiểu tâm lý găm giữ USD, đặc biệt từ các doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu, qua đó hỗ trợ lớn cho dòng ngoại tệ đến từ thương mại.

Dòng vốn FDI và kiều hối tăng trưởng ổn định sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam và là nguồn cung ngoại tệ ổn định cho năm 2024. Chênh lệch lãi suất USD/VND giảm giúp giảm bớt áp lực tỷ giá. Chênh lệch lãi suất trên thị trường giảm không những giảm tình trạng găm giữ đầu cơ của các doanh nghiệp mà còn giảm bớt áp lực của hệ thống ngân hàng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

'Dò' điểm sáng lợi nhuận quý đầu năm 2024

'Dò' điểm sáng lợi nhuận quý đầu năm 2024

Nhóm bất động sản nhà ở, dầu khí và điện được dự báo kém khả quan trong quý 1/2024. Tuy nhiên, ngành thép và bán lẻ sẽ bước vào chu kỳ phục hồi, ngành ngân hàng dự kiến phân hóa mạnh. Điểm sáng là nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp...

Tỷ giá USD tăng nóng, vượt mốc 25.000 đồng

Tỷ giá USD tăng nóng, vượt mốc 25.000 đồng

Chính sách hạ lãi suất rất mạnh trong thời gian vừa qua đã tạo ra sự chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD trên thị trường liên ngân hàng, là một trong áp lực làm đồng USD nóng lên.

Loạt doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận sau kiểm toán

Loạt doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận sau kiểm toán

Một loạt doanh nghiệp đã công bố thay đổi lợi nhuận sau kiểm toán báo cáo tài chính 2023. Theo đó, cả Novaland, Lộc Trời, Xây dựng Hòa Bình, Gỗ Trường Thành, Đầu tư LDG, Năm Bảy Bảy, ... đều bị điều chỉnh giảm lãi sau kiểm toán.

Thành viên Five Star Group khất lãi trái phiếu

Thành viên Five Star Group khất lãi trái phiếu

Tập đoàn Quốc tế Năm Sao mới đây khởi công hai siêu dự án nghỉ dưỡng tại Vũng Tàu quy mô hơn 2.000 phòng căn hộ và gần 1.000 phòng khách sạn trong khi công ty thành viên của tập đoàn là Cajimex khất lãi trái phiếu do tình hình kinh doanh khó khăn.

Chính sách nới lỏng tiền tệ chưa đảo chiều

Chính sách nới lỏng tiền tệ chưa đảo chiều

Theo đánh giá của Dragon Capital, việc phát hành tín phiếu lần này được nhận định là động thái điều hành cần thiết trong việc hạ nhiệt tỷ giá, không mang ý nghĩa của sự thay đổi chính sách tiền tệ.