Ngân hàng Việt hút dòng vốn ngoại

Nhiều thương vụ bán vốn ngân hàng đang diễn ra thuận lợi dự kiến sẽ có hàng chục ngàn tỷ đồng vốn ngoại sẽ được đổ vào ngành ngân hàng Việt trong giai đoạn 2019-2020.
Ngân hàng Việt hút dòng vốn ngoại

Theo tổng hợp của hãng tin Bloomberg, trong 5 tháng đầu năm 2019, hoạt động cho vay hợp vốn bằng đồng USD trên thị trường Việt Nam đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2018 nếu chỉ xét riêng trong cấu phần vốn nước ngoài tại thị trường nội địa.

Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) như: LienVietPostBank, SHB, OCB, VPBank, TPBank, Techcombank… đã trở thành đầu mối tiếp nhận nguồn vốn lên đến hàng trăm triệu USD từ các đối tác quốc tế như: JPMorgan Chase Bank, IIB, IBEC, IFC, Deutsche Bank…

Có thể thấy các ngân hàng nội vận dụng khá tốt luồng vốn từ các nhà đầu tư ngoại để cho vay. Chẳng hạn, Techcombank đã sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài để cho VinGroup vay. Theo đó, tập đoàn này đã vay nợ dài hạn 1,1 tỷ USD thông qua các đầu mối thu xếp và giải ngân là Techcombank và Vietcombank.

Hay những khoản vay như hợp đồng vay 100 triệu USD ký giữa Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và TPBank, hợp đồng 185 triệu USD ký giữa Cathay United, ICBC với VIB… sẽ là nguồn lực tài chính quan trọng để giúp các nhà băng nội mở rộng các hoạt động cấp vốn tín dụng dài hạn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các khách hàng cá nhân thông qua các dịch vụ tài chính số.

Mới đây,Vietcombank vừa ký hợp đồng tín dụng trị giá 200 triệu USD tài trợ các Dự án năng lượng tái tạo (năng lượng xanh, bảo vệ môi trường) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Không chỉ thu hút được các giao dịch cho vay hợp vốn, nhiều nhà đầu tư ngoại ngỏ ý muốn mua lại cổ phần của các ngân hàng Việt.

Theo dự báo của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm 2019, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục nhận được nguồn vốn dồi dào từ nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Sau khi bán thành công 3% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, thu về 6.200 tỷ đồng cuối năm ngoái, Vietcombank đang tiếp tục xúc tiến phương án bán tiếp 6,5% cổ phần từ nay đến năm 2020.

Ông Võ Việt Hùng, Trưởng ban Tăng vốn của Vietcombank cho hay, lộ trình bán 6,5% cổ phần đã được Ngân hàng thông qua và đang chờ sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ngành liên quan.

Tập đoàn tài chính Mizuho (Nhật Bản) đã cam kết duy trì đầu tư vốn cổ phần tại Vietcombank; hay như thương vụ bán vốn của BIDV cho đối tác KEB Hana (Hàn Quốc) cũng đang được thị trường chờ đợi. Tuy nhiên, việc chào bán chưa thật suôn sẻ, nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục và giá bán.

Với Agribank, Tập đoàn Tài chính NongHyup (Hàn Quốc) mới đây cũng đã đề xuất được hỗ trợ Agribank trong quá trình cổ phần hóa. Công ty tài chính ALC I của Agribank cũng nhận được đề nghị của phía Tập đoàn Srisawad Corporation (Thái Lan) trong hoàn trả 100% vốn điều lệ của ALC I cho Agribank và trả hết phần nợ gốc mà ALC I đã vay của Agribank để được sở hữu hoàn toàn công ty tài chính này…

Tại buổi gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong khuôn khổ Hội nghị G20 mới đây, ông Nobiru Adachi, Chủ tịch Ngân hàng J.Trust cho biết, Ngân hàng đã nghiên cứu, tính toán kỹ các chỉ số tài chính của Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và đã gửi bản chào tham gia mua lại để tái cơ cấu ngân hàng này đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Không chỉ J. Trust, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, gần đây, nhiều nhà đầu tư ngoại như công ty Srisawad Corporation (Thái Lan), Tập đoàn Clermont (Singapore)… bày tỏ mong muốn được mua lại, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã hoàn thiện, trình Thủ tướng phương án chuyển nhượng, cơ cấu lại OceanBank sau bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài. Tên tuổi của nhà đầu tư này không được Ngân hàng Nhà nước tiết lộ.

 >> Ông Lê Anh Dũng: Việt Nam sẽ tiếp tục "hút vốn ngoại" nhờ nội lực mạnh mẽ

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...