Theo ông Trần Minh Bình, Chủ tịch ngân hàng VietinBank cho biết, trong năm 2022 VietinBank đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đề ra. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của VietinBank ước đạt 20,5 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp dưới 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190% (tăng 10% so với năm 2021). Thu hồi nợ xử lý rủi ro rất tích cực với kết quả thu hồi nợ gốc lãi tăng hơn 60% so với số thu năm 2021.
"Ngân hàng VietinBank đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp kinh doanh và đã đạt được những thành tích ấn tượng. Đồng thời, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào 5 lĩnh vực ưu tiên. Tổng quy mô tín dụng dành cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên chiếm hơn 40% tổng danh mục tín dụng", ông Bình nói.
Thêm vào đó, cũng theo vị lãnh đạo này, ngân hàng đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao năng lực vốn tự có, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tuân thủ theo quy định. Quản trị chi phí hoạt động theo hướng tập trung dành nguồn lực phục vụ hoạt động kinh doanh trực tiếp, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tỷ lệ CIR được kiểm soát ở mức dưới 30%. Hiện có 63% nghiệp vụ ngân hàng tại VietinBank hiện đã được thực hiện hoàn toàn trên kênh số.
Nguồn vốn và CASA tăng trưởng tích cực so với thị trường. Cùng với đó, VietinBank cũng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu thu nhập thông qua các giải pháp tài chính toàn diện, trọn gói, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng VietinBank, năm 2022 là một năm thành công với ngân hàng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề trọng yếu cần khắc phục.
"Chẳng hạn, về CASA, mặc dù đã có cải thiện nhưng vấn cần đẩy mạnh hơn nữa, để giảm áp lực chi phí vốn trong bối cảnh thị trường nhiều biến động hiện nay. Ngoài ra, về khai thác hệ sinh thái, sự liên kết giữa ngân hàng và các công ty con chưa được hiệu quả", ông Dũng nhấn mạnh.