Ngành hàng nào là “mỏ vàng” cho hoạt động mua bán - sáp nhập?

Hàng loạt “lô hàng lớn” sắp được tung ra sẽ trở thành những “mỏ vàng” trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước, hứa hẹn một mùa vàng bội thu cho thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) 2017 - 2018.
Ngành hàng nào là “mỏ vàng” cho hoạt động mua bán - sáp nhập?

Hàng tiêu dùng: “Ngôi vương M&A” 2016-2017

Tiếp đà phát triển của giai đoạn 2014 - 2015, những thương vụ khủng diễn ra trong năm 2016 - 2017 vẫn là tâm điểm của thị trường M&A, với sự tham gia của các đại gia ngoại quen thuộc đến từ châu Á. Theo đó, các nhà đầu tư Thái Lan có vẻ là những bên mua lại bạo tay và chịu chơi nhất. Họ nhắm vào mục tiêu mua lại các công ty, ngành hàng tiêu dùng lớn để thâm nhập thị trường đông dân của Việt Nam.

Điển hình là thương vụ Singha trở thành đối tác chiến lược của Masan, với giá trị 1,1 tỷ USD được thực hiện vào đầu năm 2016. Trong đó, 50 triệu USD để sở hữu 33,3% cổ phần Masan Brewery 1,05 tỷ USD để gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Masan Consumer Holdings lên 25%.

Một nhà đầu tư “gốc” Thái Lan khác là Fraser & Neave Limited (F&N) cũng “chơi lớn”, khi mua 5,4% cổ phần Vinamilk vào đầu năm 2017. F&N là tập đoàn đồ uống có trụ sở tại Singapore, nhưng hiện thuộc quyền kiểm soát của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Thông qua hai công ty con là F&N Dairy Investment và F&N Bev Manufacturing, F&N đã bỏ ra 11.286 tỷ đồng để mua lại 5,4% “cổ phiếu vàng” Vinamilk, nâng tỷ lệ sở hữu lên 16,35% vốn điều lệ.

Còn Masan, ngoài thương vụ Singha, cũng thực hiện hàng loạt thương vụ M&A khác trong năm 2016. Đó là thương vụ công ty con của Masan là Công ty cổ phần Masan Nutri - Science (MNS) mua thêm 30% cổ phần để tăng sở hữu tại Anco lên 100% và nâng tỷ lệ sở hữu gián tiếp trong Vissan từ 14% lên 24,9%. Ước tính, Anco đã chi khoảng 2.136 tỷ đồng để mua 24,9% cổ phần của Vissan.

Chưa hết, cuối tháng 4/2017, Masan cũng đã hoàn tất thương vụ trị giá 250 triệu USD với Quỹ KKR. Theo đó, KKR chi 150 triệu USD đầu tư vào MNS để sở hữu 7,5% cổ phần và 100 triệu USD mua lại cổ phần Masan từ PENM Partners (Đan Mạch).

Ngoài cái tên Masan, Kido cũng là một cái tên đáng chú ý. Năm 2016, Kido đã bỏ ra hơn 1.014 tỷ đồng mua cổ phần của Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (Tường An), nâng sở hữu của Kido tại Tường An lên mức 65% vốn điều lệ.

Sau đó, cuối năm 2016, Kido đã chi hơn 557 tỷ đồng để sở hữu 24% vốn điều lệ của Vocarimex và còn tạm ứng trên 480 tỷ đồng để mua thêm. Mới đây nhất, tháng 1/2017, Vocarimex đã chấp thuận cho Kido chào mua để nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% vốn điều lệ.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng “mạnh tay” trong cuộc chơi M&A. Theo đó, Tập đoàn CJ Cheiljedang Corporation (CJ) thực hiện các vụ thâu tóm 71,6% cổ phần của Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre. Deasang mua Công ty Thực phẩm Đức Việt với giá trị 33 triệu USD.

Ngoài ra, còn phải kể tới Earth Chemical (tập đoàn đa ngành của Nhật Bản) mua lại 100% vốn của Công ty cổ phần Á Mỹ Gia (AMG) 1.823,6 tỷ đồng…

Báo cáo M&A 2016-2017 của Nhóm Nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam nhận định: “Đi đầu các thương vụ M&A trong năm qua là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng, chiếm tới 38,46% tổng giá trị. Trong đó, quy mô của hai thương vụ từ Thái Lan đã chiếm 24,8% tổng giá trị M&A của Việt Nam.

Những động thái của các nhà đầu tư Thái Lan và Hàn Quốc cho thấy sự cạnh tranh trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam. Đây cũng là sự khởi đầu của xu hướng đầu tư, mua lại các công ty có kênh phân phối tại thị trường địa phương, nhằm đưa các sản phẩm của Thái Lan và Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam”.

Còn theo đánh giá của ông Ngô Vinh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng đầu tư Công ty chứng khoán Bản Việt, nhà đầu tư trong và ngoài nước đều quan tâm đặc biệt đến ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Nổi bật nhất phải kể đến nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.

Các nhà đầu tư đến từ các quốc gia này, như Central Group, Aeon hay Berli Jucker, đã tăng cường M&A các doanh nghiệp tiêu dùng tại Việt Nam, với hy vọng tái lập câu chuyện thành công cách đây 2-3 thập niên tại đất nước của họ.

“Thời gian tới, các giao dịch M&A trong ngành tiêu dùng sẽ tiếp tục diễn ra nhộn nhịp với giá trị mỗi thương vụ ngày càng lớn”, ông Tuấn nhận xét.

Bán lẻ duy trì sự ổn định, vật liệu xây dựng trỗi dậy

Cũng giống lĩnh vực hàng tiêu dùng, ngành “đồng hao” bán lẻ cũng chứng kiến nhiều thương vụ mua lại từ nhà đầu tư Thái Lan, Nhật Bản. Thương vụ tốn kém nhiều giấy mực nhất là Central Group (Thái Lan) đánh bại hàng loạt tên tuổi đình đám khác như Berli Jucker (Thái Lan), Lotte Group (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản)... chi 1,1 tỷ USD khi mua lại thành công hệ thống BigC Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp).

Cũng trong năm 2016, TCC Holdings (Thái Lan) mua lại thành công Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam), với giá hơn 710 triệu USD. TCC đổi tên hệ thống này thành MM Mega Market và sẽ phát triển thành chuỗi bán buôn không chỉ ở Việt Nam, mà còn cho cả thị trường Thái Lan. Trước đó, TCC cũng đã sở hữu 65% cổ phần của Phú Thái Group.

Ông Đặng Xuân Minh, Trưởng nhóm Nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam nhận xét, M&A trong ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng, với mục tiêu thâm nhập và mở rộng thị trường, là xu hướng nổi bật nhất trong năm 2016.

Sự gia tăng đột biến về số lượng các nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường, các cơ sở bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài mới được mở, nhất là sự thâm nhập của nhà đầu tư Thái Lan thông qua các thương vụ M&A trong khoảng 3 năm gần đây và đặc biệt là các thương vụ trong năm 2016, khiến ngành bán lẻ trở thành một hiện tượng điển hình trên thị trường M&A Việt Nam.

Khác với bán lẻ, ngành vật liệu xây dựng sau khoảng chững năm 2014-2015 đã có dấu hiệu sôi động trở lại. Cuối năm 2016, tập đoàn xi măng lớn thứ hai tại Thái Lan là Siam City Cement (SCCC) đã hoàn tất việc mua lại 65% cổ phần của Công ty LafargeHolcim Việt Nam. Thương vụ này có tổng giá trị khoảng 524 triệu USD.

Chưa hết, mới đây, Tập đoàn SCG, thông qua công ty con là Công ty TNHH SCG Xi măng - Vật liệu xây dựng, đã mua lại 100% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) tại miền Trung, với giá 156 triệu USD. Được biết, Tập đoàn SCG cũng mua lại một nhà máy xi măng tại Quảng Bình. Giá trị của thương vụ này còn lớn hơn nhiều so với việc mua lại cổ phần của VMC, nhưng thông tin cụ thể chưa được công bố rộng rãi.

“Mỏ vàng” trong năm 2017-2018 nằm ở đâu?

Theo đánh giá của Nhóm Nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam, các ngành bán lẻ, công nghiệp tiêu dùng, bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2016-2017. Đây cũng là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà đầu tư có tiềm lực trong nước.

Bước sang năm 2018, liệu những ngành như bán lẻ, tiêu dùng, bất động sản và vật liệu xây dựng có tiếp tục trở thành “mỏ vàng” cho thị trường M&A?

Theo luật sư Đặng Chi Liêu, Công ty Luật Baker & McKenzie, bán lẻ và hàng tiêu dùng vẫn sẽ trên đà gia tăng và tiếp tục xu hướng dẫn đầu thị trường. Đặc biệt, sự mong chờ đáng chú ý nhất cho hoạt động M&A trong những năm sắp tới là từ những bộ luật và chính sách mới của Nhà nước, trong đó có Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép nới room (tỷ lệ sở hữu) đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, các lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng rất có thể sẽ đạt được “đỉnh” về số lượng cũng như giá trị thương vụ.

Mới đây, EuroCham đưa ra nhận định, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2017, có thể bùng nổ trong năm 2018. Đây là thời điểm nhà đầu tư nước ngoài tìm cách vào Việt Nam để có thể tận dụng cơ hội tăng trưởng nhanh của nền kinh tế và các chính sách đang ngày càng cởi mở.

Theo đó, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của khung pháp lý dành cho hoạt động M&A ở Việt Nam. Bên cạnh đó, việc nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng từ mức 49% lên đến 100%, cũng là cơ hội lớn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Ngô Vinh Tuấn nhận định, thời gian tới, các giao dịch M&A trong ngành tiêu dùng sẽ tiếp tục diễn ra nhộn nhịp, với giá trị mỗi thương vụ ngày càng lớn. Trong đó, dòng tiền sẽ có sự phân hóa rõ rệt khi ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, đồ điện tử ngày càng thu hút vốn đầu tư, trong khi phương tiện đi lại và y tế phát triển chậm lại.

Với những diễn biến hiện tại, rất có thể cuối năm 2017 và năm 2018, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thương vụ lớn như: Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh sáp nhập Đường Biên Hòa (ước tính trị giá 217 triệu USD); SCIC tiếp tục thoái vốn tại Vinamilk; Kido và Vinamilk cho biết sẽ thực hiện nhiều thương vụ M&A mở rộng thị trường ra nước ngoài; tiến trình thoái vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco đang được “đại gia” nước ngoài đặc biệt quan tâm; thoái vốn tại Vinatex; thoái vốn tại Công ty Bánh kẹo Hải Hà và Hữu Nghị…

Trong ngành hàng không, việc tiếp tục bán cổ phần, thoái vốn nhà nước, phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ tại Vietnam Airlines đang được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Đối thủ của Vietnam Airlines là Vietjet cũng là cái tên “nóng bỏng” sau khi hoàn thành IPO trong năm 2017.

Cùng với Vietjet, hai cái tên khác là VNG và FLC đang khởi động tiến trình niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ và Singapore hứa hẹn những thương vụ hấp dẫn trong tương lai…

>> M&A bất động sản sẽ bùng nổ trong năm 2017

Theo Baodautu.vn

Có thể bạn quan tâm