Trong một diễn biến ngày 9/8, chứng khoán bất ngờ lao dốc mạnh, VN- Index hết phiên chiều mất tới hơn 17 điểm, cổ phiếu bị nhuộm đỏ vì tin đồn. Theo đó, mã chứng khoán BID của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) giảm sàn, xuống mức 20.400 đồng/cổ phiếu với dư bán đóng cửa lên tới hơn nửa triệu cổ phiếu.
Tất cả đều bắt nguồn từ tin đồn bất lợi liên quan đến cựu Chủ tịch nhà băng này là ông Trần Bắc Hà. Tuy nhiên, sau khi ông Trần Bắc Hà lên tiếng trên báo chí cho biết ông vẫn “bình thường”, tâm lý nhà đầu tư mới ổn định.
Sự việc và cơn “địa chấn” dù nhẹ cũng làm người ta nhớ lại ngày 21/2/2012 khi “bầu” Kiên bị bắt, chứng khoán bị bán “thốc tháo” còn nhà đầu tư thì hoảng loạn “dẫm” lên nhau tháo chạy. Chỉ 3 phiên sau ngày ấy, người ta thống kê 63.000 tỷ trên thị trường đã…“bốc hơi”.
Nhưng thị trường 9/8 hôm qua, sự bình tĩnh đã quay trở lại. Trên các diễn đàn, nhà đầu tư đã củng cố tinh thần, trấn an lẫn nhau. Thông tin phân tích cuối ngày từ các công ty chứng khoán lập tức chỉ ra: “Chứng khoán Châu Á có phiên giảm điểm đồng loạt phiên hôm nay, phản ứng trước thông tin căng thẳng Mỹ - Triều Tiên leo thang”. Đây cũng được xem là lý do chính khiến thị trường trong nước “ăn theo” bất ngờ quay đầu giảm điểm.
Hôm nay 10/8, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ chứng kiến một sự kiện đặc biệt - khai trương chứng khoán phái sinh (một sản phẩm bậc cao của TTCK). Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của TTCK Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Dự kiến gần 3. 000 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức mở mới và sẵn sàng nhập cuộc. Cùng đó, chứng khoán Việt vui mừng thông báo suốt 7 tháng qua, tiền của nhà đầu tư ngoại và nội liên tục đổ vào thị trường với niềm tin phấn khích.
Đi kèm thông tin này, thông tin vỹ mô của tuần trước khi Thủ tướng đã có chỉ đạo nâng tăng trưởng tín dụng cả năm lên ít nhất 20% cũng đang khiến doanh nghiệp và giới nhà băng phấn khởi. Theo đó, năm 2017 sẽ có 1,1 triệu tỷ đồng được cung ứng ra thị trường, riêng 6 tháng cuối năm là 600.000 tỷ.
Nếu đạt mức tăng trên thì đây sẽ là năm tăng trưởng tín dụng kỷ lục kể từ 2010. Với chính sách tín dụng này, dự báo nhóm ngân hàng sẽ được hưởng lợi nhất, tăng trưởng lợi nhuận có thể cao hơn 12% so với kế hoạch ban đầu. Cùng đó, doanh nghiệp sẽ tăng cơ hội tiếp cận vốn vay sẵn và rẻ nhiều hơn.
Ngày 9/8, qua điện thoại, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận với Tiền phong: Năm nay, đúng là nhiều thử thách và nhiệm vụ nặng nề đặt ra nhưng toàn hệ thống ngân hàng đã xác định và sẽ cố gắng làm cho tốt. Đơn cử như mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20%, ngành sẽ cán đích để góp phần “thúc” tăng trưởng GDP đạt 6,7% như kỳ vọng của Thủ tướng và Chính phủ. Cùng đó, sẽ làm tốt việc giữ ổn định và “êm” thị trường tiền tệ, tránh những sóng gió “rung lắc” không cần thiết!
Theo Khánh Huyền/ Tiền Phong
>> BID “lau sàn” vì tin đồn bắt Trần Bắc Hà, VnIndex mất gần 18 điểm