Ngoại trừ OCB, bao giờ các ngân hàng Việt còn lại mới có thể đáp ứng Basel II?

Với ba trụ cột của Basel II, các ngân hàng Việt vướng khó khăn ngay từ trụ cột đầu tiên là yêu cầu về an toàn vốn CAR, với tính toán cho thấy nếu áp dụng chuẩn quốc tế thì CAR của các ngân hàng có thể
Ngoại trừ OCB, bao giờ các ngân hàng Việt còn lại mới có thể đáp ứng Basel II?

Quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng ngày càng được chú trọng, đặc biệt là khi hệ thống vừa trải qua những giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ để xử lý những tồn đọng do quản lý rủi ro yếu kém thời gian trước gây nên.

Một trong những yêu cầu khắt khe với các ngân hàng hiện nay là phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về quản lý rủi ro và an toàn không chỉ theo chuẩn của Việt Nam mà phải là chuẩn quốc tế, cụ thể là Basel II. Từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn ra 10 ngân hàng để cho áp dụng thí điểm chuẩn này bao gồm Vietcombank, VietinBank, VPBank, Sacombank, MB, Techcombank, ACB Maritime Bank và VIB tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhà băng nào công bố áp dụng thành công, ngoại trừ OCB không nằm trong danh sách lại có thông báo họ là người đầu tiên thành công với Basel II.

Basel II được đánh giá là rất quan trọng và các ngân hàng vẫn kêu khó áp dụng dù rằng thế giới đã áp dụng chuẩn này từ 13 năm về trước, nhưng ngoài bản thân hệ thống tài chính và những nhà chuyên môn, người ngoài cuộc còn rất mơ hồ về thuật ngữ này.

Vậy Basel II gồm những nội dung gì, tầm quan trọng cụ thể ra sao, cơ quan quản lý đã có hỗ trợ hay giám sát việc thực hiện ra sao, rồi các ngân hàng Việt khi nào mới đáp ứng được… là những câu hỏi thường trực.

Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đỗ Hoài Linh, Phó Trưởng Bộ môn Ngân hàng Thương mại, Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Nhà báo: Xin bà cho biết những nội dung cơ bản Basel II trong hoạt động ngân hàng?

TS. Đỗ Hoài Linh: Hiệp ước vốn Basel II nhằm nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả, lành mạnh và năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thông qua 3 trụ cột: i) Trụ cột 1 - Đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn (bảo đảm vốn cho rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường); ii) Trụ cột 2 - Nâng cao năng lực điều hành, quản trị rủi ro, tự đánh giá mức độ đủ vốn của ngân hàng và trách nhiệm thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý; iii) Trụ cột 3 - Tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình hoạt động của ngân hàng, tuân thủ kỷ luật thị trường.

Một trong những nội dung quan trọng để xác định tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II là việc các ngân hàng phải xây dựng các phương pháp xác định rủi ro theo các phương pháp của Basel II.

Với rủi ro tín dụng, một trong ba phương pháp có thể được sử dụng là phương pháp chuẩn, trong đó tài sản có rủi ro được áp dụng các hệ số rủi ro khác nhau do tổ chức xếp hạng quy định; phương pháp nội bộ cơ bản– tài sản có rủi ro RWA được tính dựa trên những dữ liệu nội bộ về xác xuất vỡ nợ, tổng dư nợ của khách hàng tại thời điểm khách hàng không trả được nợ, kỳ hạn; và phương pháp nội bộ nâng cao - tài sản có rủi ro RWA được tính toán từ dữ liệu nội bộ chung nhưng cách tính phức tạp hơn.

Với rủi ro hoạt động, ngân hàng có thể áp dụng một trong ba phương pháp là phương pháp cơ bản - vốn được tính dựa trên tỷ lệ % cố định (15%) trên bình quân tổng thu nhập dương của các năm trong ba năm trước đó; phương pháp chuẩn – vốn được tính tương tự như phương pháp cơ bản nhưng chia thành 8 nhóm nghiệp vụ với tỷ lệ % tương ứng; phương pháp nâng cao – vốn được tính dựa trên hệ thống nội bộ đánh giá rủi ro hoạt động cơ bản của ngân hàng.

Với rủi ro thị trường, ngân hàng có thể áp dụng một trong hai phương pháp là phương pháp chuẩn – vốn được tính với từng yếu tố rủi ro, rủi ro lãi suất, rủi ro trạng thái vốn, rủi ro tỷ giá, rủi ro hàng hóa; và phương pháp mô hình nội bộ – xác định được giá trị tổn thất) của mỗi giao dịch, của các danh mục và của toàn bộ hoạt động ngân hàng. Việc lựa chọn phương pháp áp dụng cũng được Basel II khuyến cáo rằng các ngân hàng nên lựa chọn phù hợp với đặc điểm, quy mô của ngân hàng và một nguyên tắc là các ngân hàng hoạt động càng phức tạp thì phải áp dụng phương pháp có độ phức tạp cao hơn; đồng thời không cho phép các ngân hàng chuyển ngược trở lại phương pháp đơn giản một khi đã được chấp thuận sử dụng các phương pháp nâng cao.

Ngoài ra, các nguyên tắc, cấu trúc và mô hình quản trị rủi ro, mô hình kiểm tra giám sát, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, cấu trúc hệ thống thông tin, truyền thông, các thông tin công bố minh bạch, cấu trúc lưu trữ cơ sở dữ liệu lịch sử của ngân hàng theo chuẩn Basel II cũng cần được các ngân hàng xây dựng đồng bộ.

Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu 10 ngân hàng áp dụng thí điểm Basel II, vậy họ có tạo ra nền tảng pháp lý hay môi trường thế nào đễ hỗ trợ hay giám sát việc thực hiện ở các ngân hàng không?

TS. Đỗ Hoài Linh: Về chủ trương, tôi nhận thấy cơ quan quản lý nhà nước rất nỗ lực trong việc thúc đẩy thực hiện quản trị rủi ro theo các chuẩn mực Basel II, và từ năm 2014 đã cho thí điểm 10 ngân hàng tiến tới phương pháp nâng cao vào năm 2018 gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, VPBank, Techcombank, VIB, Maritime Bank, MB, Sacombank, ACB. Việc làm này thể hiện sự quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy thực hiện quản trị rủi ro theo các chuẩn mực Basel II.

Ngoài ra, ba trụ cột của Basel II đã được luật hóa bằng nhiều văn bản như Thông tư 36/2014/TT-NHNN, Thông tư 02/2013/TT-NHNN, Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Nếu như Thông tư 36 vẫn được giới ngân hàng gọi là Basel 1.5 thì Thông tư 41 đã tiếp cận được Basel II khi tính CAR, trong đó nhấn mạnh đến 2020 tất cả các ngân hàng phải tính CAR theo Basel II.

Bên cạnh đó, nhằm hướng tới nâng cao năng lực điều hành, quản trị rủi ro, tự đánh giá mức độ đủ vốn của ngân hàng và trách nhiệm thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã có các Thông tư như 44/2011/TT-NHNN, Thông tư 07/2013/TT-NHNN, Thông tư 10/2012/TT-NHNN…Hay hướng tới tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình hoạt động của ngân hàng, tuân thủ kỷ luật thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2010/TT-NHNN hướng dẫn thi hành về hoạt động thông tin tín dụng; Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về nội dung công bố thông tin. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý ngành liên quan đến việc thực hiện Basel II cũng được hoàn thiện như Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Trung tâm thông tin tín dụng, Công ty VAMC...

Các ngân hàng vẫn kêu khó khăn khi áp dụng Basel II, mà bằng chứng là dù có thời gian chuẩn bị khá lâu nhưng đến nay còn chưa hoàn thành. Vậy bà đánh giá thế nào khả năng đáp ứng của các ngân hàng hiện nay?

TS. Đỗ Hoài Linh: Về việc triển khai thực hiện Basel II tại 10 ngân hàng thí điểm áp dụng, kết quả tổng hợp cho thấy rằng hầu hết các ngân hàng có hẳn một ban dự án riêng cho Basel II. Các ngân hàng đều thuê đơn vị tư vấn nước ngoài để hỗ trợ triển khai thực hiện dự án, việc xây dựng mô hình quản lý rủi ro theo 3 tuyến phòng ngự, hoàn thiện khung quản lý rủi ro thị trường, nâng cấp hệ thống xếp hạng nội bộ, tính toán tài sản có rủi ro đang dần hoàn thiện.

Về tổng thể, các NHTM Việt Nam đã dần đi vào định hướng, lộ trình thực hiện Basel II của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên, để đạt được trọn vẹn các yêu cầu Basel II gồm đầy đủ cả ba trụ cột vẫn là con đường dài với rất nhiều việc cần hoàn thiện.

Nếu nhìn vào Báo cáo tài chính của các ngân hàng thì với trụ cột thứ 1, hệ số CAR của các ngân hàng tính đến 31/12/2016 đều đạt trên mức yêu cầu tối thiểu (9% theo Thông tư 36, và 8% theo Thông tư 41), với khối các ngân hàng quốc doanh tỷ lệ này đều quanh mức 10% (Vietcombank là 11,1%, Vietinbank là 10,4%, BIDV là 10,2%), khối các NHTM Cổ phần lớn thì tỷ lệ quanh mức 13% (Techcombank là 13,1 %, MB là 12,5%, ACB là 13,2%, đột biến có Maritime là 23,6%), khối các NHTM nhỏ đều trên 10% (như Ngân hàng An Bình là 13,5%, OCB là 11,1%, Bắc Á là 12,8%), duy có TPBank có CAR tại thời điểm 31/12/2016 là dưới 10% ở mức 9,3%.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hiện tại các NHTM Việt Nam vẫn đang tính CAR dựa theo Thông tư 36 với rủi ro tính toán mới chỉ có rủi ro tín dụng, chưa bao gồm rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Theo cách tính toán nhanh mà tôi thường sử dụng là để đối chiếu CAR hiện tại của các ngân hàng theo Thông tư 41 hoặc Basel 2 thì chúng ta giảm hệ số CAR hiện tại đi 30%, như vậy là khá nhiều ngân hàng sẽ không đạt được mức tối thiểu 8% theo yêu cầu của Basel II.

Ngoài ra, trụ cột 2 và 3 của Basel II cũng là những thách thức lớn của các ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng mới đáp ứng được phần nhỏ yêu cầu của Basel II đối với trụ cột 2, các ngân hàng chưa thực hiện xác định vốn mục tiêu dựa trên rủi ro, chưa tính toán vốn bổ sung hoặc điều chỉnh vốn mục tiêu dựa trên kiểm tra sức chịu đựng về vốn theo các kịch bản hoạt động bình thường và kịch bản có diễn biến bất lợi, chưa lập kế hoạch vốn gồm nguồn tăng vốn dự kiến và phân bổ vốn mục tiêu cho hoạt động kinh doanh, chưa giám sát, có báo cáo nội bộ về mức đủ vốn.

Với trụ cột thứ 3 về công khai thông tin, hầu hết các NHTM đều công bố thông tin về hoạt động kinh doanh, các nội dung yêu cầu công bố thông tin theo hướng dẫn của TT41 và các quy định công bố thông tin minh bạch của Basel II chưa được thực hiện. Ngay cả thời gian của việc thực hiện tuân thủ theo Thông tư 41 cũng là năm 2020 cũng cho thấy khả năng đáp ứng Basel II của các ngân hàng tại thời điểm này là hết sức khó khăn. Hoạt động thanh tra giám sát chưa tuân thủ được hết 29 nguyên tắc thanh tra giám sát của Basel II, hạ tầng công nghệ thông tin và mô hình định lượng mới ở mức đơn giản, nhân lực thực hiện còn chưa đáp ứng, phương pháp giám sát mới đang tiếp cận thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro…

Do đó, để thực hiện được đầy đủ Basel II, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, đó không chỉ là áp lực tăng vốn mà việc nâng cao năng lực quản trị, tuân tủ kỷ luật thị trường cũng là những trở ngại lớn mà các ngân hàng phải vượt qua.

Với nhu cầu vốn hiện tại, theo bà bao giờ thì các ngân hàng mới đáp ứng được?

TS. Đỗ Hoài Linh: Về lý thuyết để đạt được CAR tối thiểu 8% theo Basel II thì có rất nhiều cách thức, cách thức thứ 1 là tăng vốn tự có (gồm vốn cấp 1, vốn cấp 2), cách thức thứ 2 là giảm RWA – giảm tài sản rủi ro của ngân hàng, cách thức thứ 3 phối hợp vừa tăng vốn tự có, vừa giảm RWA.

Trên thực tế, tùy vào điều kiện vĩ mô và thực trạng của từng ngân hàng mà mỗi ngân hàng sẽ có những chiến lược khác nhau để đạt CAR theo Basel II, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại khi mà các ngân hàng đều hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng thì việc giảm RWA là không dễ dàng. Do dó, một cách thức mà xu hướng được nói đến khá nhiều trong giai đoạn gần đây là việc tăng vốn của các ngân hàng.

Theo tôi, có thể nhận thấy 2 lý do của xu hướng này: Thứ nhất là tăng vốn do yêu cầu mở rộng quy mô hoạt động của ngân hàng, trong bối cảnh cạnh tranh mở rộng thị phần, trong đó nhóm ngân hàng thực hiện tăng vốn với mục đích mở rộng quy mô chủ yếu là những ngân hàng có quy mô vốn điều lệ ở mức thấp nhưng tốc độ tăng trưởng trong một vài năm gần đây khá cao như VPBank, VIB.

Thứ hai là tăng vốn để đạt mục tiêu về CAR, cách thức tăng vốn theo mục tiêu này là sử dụng phần thặng dư vốn, hay lợi nhuận để lại, phát hành trái phiếu.

Việc dự đoán chính xác thời điểm nào các ngân hàng tăng đủ vốn để đáp ứng yêu cầu của Basel II là thực sự khó khăn và kết quả đo được nhiều khi phải tính hàng năm vì nó không chỉ phụ thuộc vào chiến lược hay kế hoạch tăng vốn của ngân hàng mà còn phụ thuộc phần lớn quyết định của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, với những quyết tâm của các ngân hàng hiện tại cùng với những nỗ lực ráo riết của các cơ quan quản lý nhà nước thì việc tăng vốn cũng như bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của Basel là tất yếu, lộ trình đến năm 2020 đạt được Basel II theo tôi là có thể đạt được.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Theo Tùng Lâm/ Trí Thức trẻ

>> Ngân hàng OCB khoá room ngoại ở mức 23,66% vốn điều lệ

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...