Cụ thể, tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng gần 84.600 tỷ đồng so với tháng trước lên hơn 5,74 triệu tỷ đồng. Điều này tương ứng mỗi ngày người dân gửi hơn 2.800 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng. Tháng 10 trước đó, tiền gửi của nhóm dân cư cũng đã tăng hơn 21.500 tỷ đồng.
Tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng tăng 0,73% so với tháng liền trước, tương ứng 42.341 tỷ đồng lên 5,8 triệu tỷ đồng. Tháng 10 trước đó, tiền gửi nhóm này đã giảm 15.811 tỷ đồng.
Thời điểm cuối năm 2021, tốc độ tăng tiền gửi tổ chức kinh tế lên đến 15,73%, đạt 5,645 triệu tỷ đồng, còn tiền gửi dân cư chỉ tăng 3,08%, đạt 5,3 triệu tỷ đồng.
Sang đến năm 2022, tốc độ tăng tiền gửi của tổ chức kinh tế lại có phần "giảm nhiệt" so với dân cư. Cụ thể, so với đầu năm, tổng tiền gửi của toàn hệ thống đến hết tháng 11/2022 tăng 3,55%. Trong đó tiền gửi dân cư tăng 8,38%, tiền gửi của tổ chức kinh tế chỉ tăng 2,9%.
Nguyên nhân khiến người dân tăng tiền gửi ngân hàng là mức lãi suất huy động tại nhiều nhà băng vẫn ở mức cao. Cụ thể, thời điểm tháng 11/2022, mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng phổ biến từ 9-10% với kỳ hạn trên 12 tháng. Trong đó, một số ngân hàng huy động tới 11,5%.
Trước tình hình đó, đến tháng 12/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã phải kêu gọi các hội viên là ngân hàng thương mại thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất.
Điều này nhằm ổn định mặt bằng huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống. Hiện mặt bằng lãi suất đã được hạ 1-2% ở tất cả các kỳ hạn so với cuối năm 2022. Chỉ có một số nhà băng vẫn giữ mức lãi suất trên 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng là Saigonbank, NCB, SCB…