Doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo sẽ phải... chứng minh năng lực

Theo báo cáo mới nhất của VNDirect, khung giá chuyển tiếp đòi hỏi các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo chứng minh năng lực vận hành.

Ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương đã ban hành khung giá năng lượng tái tạo cho các nhà máy điện chuyển tiếp với mức thấp hơn khoảng 21 - 29% so với giá FIT bởi với khung giá này, không phải dự án nào cũng sẽ ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả. Chính vì vậy, khung giá mới phần nào gây hụt hẫng cho các nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của VNDirect, khung giá mới là những tín hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng, khi các dự án đã bị đình trệ một khoản thời gian dài sau khi giá FIT hết hạn.

"Đây vẫn là giải pháp cần thiết, là bản lề cho chính sách giá năng lượng tái tạo chính thức được ban hành", VNDirect nhấn mạnh.

Theo VNDirect, khi tiến hành đánh giá hiệu quả tỉ suất sinh lời nội tại (IRR) của các dự án năng lượng tái tạo trong điều kiện vận hành bình thường và đưa ra kết quả rằng: mức giá mới sẽ làm giảm đáng kể IRR của các dự án này. Cụ thể, IRR của các dự án điện mặt trời mặt đất chỉ đạt 5,1%, trong khi đó, IRR của điện gió trên bờ và gần bờ sẽ giảm xuống lần lượt là 8,0% và 7,9% từ mức hơn 12,0% theo giá FIT cũ.

Vì vậy, doanh nghiệp cần nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu tư và lãi vay để tăng hiệu quả sinh lời với khung giá mới. Chỉ những doanh nghiệp có năng lực phát triển, vận hành dự án cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ sẽ có lợi thế trong giai đoạn này.

Theo phân tích kể trên, Xây lắp điện 1 (PC1), Bamboo Capital (BCG) và Điện Gia Lai (GEG) sẽ là những doanh nghiệp niêm yết được hưởng lợi từ khung giá mới năng lượng tái tạo này của Bộ Công Thương.

Cụ thể, PC1 sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi đầu tiên khi tham gia vào lĩnh lực xây lắp, đặc biệt là EPC điện gió và xây lắp đường dây, trạm biến áp. "Ngoài ra, chúng tôi điểm tên một số những nhà phát triển năng lượng nổi bật bao gồm BCG, GEG sẽ có thể tăng trưởng công suất cũng như giải tỏa những áp lực dòng tiền khi đang triển khai các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp", báo cáo phân tích của VNDirect nhấn mạnh. 

Ngoài ra, Trung Nam và T&T Group (chưa niêm yết) cũng là một số những doanh nghiệp được hưởng lợi khi các dự án đã hoàn thành nhưng trễ FIT sẽ được hòa lưới điện. 

Nhiều yếu tố hỗ trợ giảm chi phí đầu tư năng lượng tái tạo trong thời gian tới

Việt Nam sẽ nhận được khoảng 15,5 tỷ USD từ khu vực công và tư nhân trong vòng 3 đến 5 năm tới (nhờ việc các nước  G7 cùng đối tác phát triển là Liên minh Châu âu, Na uy, Đan Mạch đã thông qua tuyên bố chính trị thiết lập JETP nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng xanh). Đây là nguồn vốn dồi dào với mức lãi suất rẻ, đang chảy mạnh mẽ vào nước ta và là cơ hội cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoạt động hiệu quả tái cấu trúc nợ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo dự thảo Quy hoạch điện 8, chi phí đầu tư của các dự án năng lượng tái tạo sẽ giảm dần trong giai đoạn từ nay đến 2030 sẽ là yếu tố hỗ trợ cho công đoạn phát triển của các dự án sắp tới, phần nào bù đắp được việc phải huy động ở mức giá thấp cho các dự án năng lượng tái tạo diện chuyển tiếp. Dự kiến chi phí đầu tư ĐMT trang trại và điện gió trên bờ sẽ giảm khoảng 1,5% mỗi năm trong khi đó, chi phí đầu tư điện gió ngoài khơi ghi nhận mức giảm gấp đôi khoảng 3% từ nay đến 2045. Theo đó chi phí quy dẫn (LCOE) có thể ghi nhận mức giảm tương ứng. Xu hướng giảm này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp hạ bớt áp lực chi phí trong cả ngắn và dài hạn.

Có thể bạn quan tâm