Nhà băng muốn tự xử lý tài sản đảm bảo không cần qua tòa án, Ngân hàng Nhà nước nói không

Nhiều ngân hàng đã đề xuất tự xử lý tài sản đảm bảo không cần qua tòa án vào dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng trình Quốc hội trong thời gian tới.
Nhà băng muốn tự xử lý tài sản đảm bảo không cần qua tòa án, Ngân hàng Nhà nước nói không

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tổng hợp nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, tổ chức tín dụng và các tổ chức liên quan cho đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Trước những ý kiến, đóng góp của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã lắng nghe và tiếp thu nhiều ý kiến; nhưng cũng đưa ra nhiều ý kiến không đồng tình. 

Chẳng hạn, nhiều ngân hàng đề nghị quy định hợp đồng đảm bảo đã qua thủ tục công chứng, đăng ký thế chấp thì tổ chức tín dụng có quyền được xử lý tài sản bảo đảm luôn nếu khách hàng có các dấu hiệu cần phải xử lý tài sản đảm bảo theo quy định tại hợp đồng bảo đảm và hợp đồng tín dụng mà không cần phải qua thủ tục khởi kiện tại Tòa án.

Quy định một cơ quan chuyên trách thực hiện xử lý tài sản đảm bảo (có thể giao cho Cơ quan Thi hành dân sự, Thừa phát lại hoặc một cơ quan chuyên môn khác) mà không cần bản án/quyết định của Tòa án, chỉ cần căn cứ vào hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm (đã qua công chứng, đăng ký thế chấp). Cơ quan chuyên trách này có quyền cưỡng chế, thu giữ, phát mại tài sản đảm bảo mà không cần bản án.

Đồng thời, quy định pháp luật đã nêu rõ việc tổ chức tín dụng trả phí/chi phí cho cơ quan chuyên trách này thực hiện việc xử lý tài sản đảm bảo phù hợp thực tế để có thể thực hiện được công việc. Quy định cơ quan đăng ký sở hữu có trách nhiệm phải thực hiện thủ tục chuyển tên cho người mua tài sản bảo đảm hoặc chuyển tên cho tổ chức tín dụng trong trường hợp nhận tài sản đảm bảo để trừ nợ theo yêu cầu của tổ chức tín dụng mà không cần sự chú ý của chủ sở hữu tài sản.

Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, việc xử lý tài sản đảm bảo phải được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của các bên, đồng thời phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định. Mặt khác, nhiều đề xuất nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Cơ quan soạn thảo cũng không đồng ý với đề xuất bổ sung quy định đối với các cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã cần có quy định chế tài mạnh hơn như tham gia cưỡng chế việc thu giữ tài sản bảo đảm cùng tổ chức tín dụng khi có yêu cầu từ các tổ chức tín dụng yêu cầu thu giữ.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc vay và đi vay là quan hệ dân sự giữa bên vay và bên cho vay. Việc đề xuất áp dụng các chế tài cưỡng chế thu giữ dành cho bên vay không trả được nợ khi chưa có bản án, quyết định của Tòa án có thể được xem xét là việc hành chính hóa các quan hệ dân sự. Do đó, chưa có cơ sở để tiếp thu nội dung này.

Bên cạnh việc từ chối đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp thu ý kiến về Khoản II điểm 4 (Chính sách 4: Quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, việc xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay qua sử dụng các phương tiện điện tử). Hiện dự thảo mới nêu vướng mắc về lưu trữ điện tử đối với các khoản vay tiêu dùng có quy mô nhỏ qua kênh điện tử, các kênh/nền tảng số. Trong khi các ngân hàng có vướng mắc đối với các khoản vay ngoài tiêu dùng, các sản phẩm tín dụng khác (LC, bảo lãnh...). Theo đó, đề xuất bổ sung để có hành lang pháp lý phù hợp.

Hay, đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên xem xét bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của các cơ quan (Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao) trong việc xác định tài sản bảo đảm đủ điều kiện để hoàn trả cho tổ chức tín dụng trường hợp tài sản bảo đảm có liên quan là vật chứng trong vụ án hình sự theo thẩm quyền. Đối với ý kiến này, cơ quan soạn thảo tiếp thu và đã đề xuất nội dung này tại chính sách đề nghị xây dựng Luật.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đưa ra những đóng góp ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước tiếp thu ý kiến của 2 bộ, ngành trên và sẽ bổ sung nội dung vào trong quá trình xây dựng dự thảo Luật.

Cụ thể, Bộ Nội vụ đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần rà soát sửa đổi, bổ sung danh mục các Luật hiện hành để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua. Đồng thời, Bộ Nội vụ đề nghị Ngân hàng Nhà nước bổ sung phân tích, đánh giá kỹ, đầy đủ nguồn nhân lực để đảm bảo tính khả thi sau khi Luật được thông qua và phải đảm bảo phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước lưu ý về đề xuất sửa đổi Điều 132 theo hướng: trong trường hợp xử lý tài sản bảo đảm là nợ xấu thì tổ chức tín dụng được nhận chính tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất mà không phụ thuộc vào mục đích sử dụng sau khi nhận tài sản bảo đảm; trên cơ sở đó làm căn cứ chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tín dụng. Đồng thời, cần có quy định cụ thể thời gian tổ chức tín dụng phải bán tài sản sau khi được chứng nhận quyền sử dụng đất tránh tình trạng nợ đọng vốn, làm ảnh hưởng đến hệ thống tín dụng, ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...