Nhà máy nước Bình Minh (công suất 90.000m3/ngày đêm) tại KKT Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa
Đây là câu chuyện có thật xảy ra với Nhà máy nước Bình Minh với công suất 90.000m3/ngày đêm – một doanh nghiệp làm ăn chân chính đã bị “nhóm lợi ích” giăng bẫy để bóp chết.
Chọn mặt, gửi vàng
Cách đây hơn 16 năm, thực hiện lời kêu gọi và trải thảm đỏ của quê hương, ông Tào Quốc Tuấn - chủ Công ty Bình Minh (người huyện Hoằng Hóa) định cư tại Vũng Tàu, lặn lội hàng nghìn km về đầu tư hàng loạt các dự án lớn tại Thanh Hóa.
Thời điểm đó, kinh tế Thanh Hóa vẫn còn khá èo uột, hai từ “công nghiệp” vẫn xa xôi và rất mơ hồ với lãnh đạo địa phương này. Đặc biệt KKT Nghi Sơn sau khi thành lập năm 2006 vẫn chỉ là bãi đất trống hoang sơ, duy nhất chỉ một nhà máy xi măng Nghi Sơn được Nhật Bản đầu tư từ chục năm trước.
Sau khi thành lập KKT Nghi Sơn nhận được quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có dự án Lọc hóa dầu, với tổng vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Tuy nhiên, do mới được thành lập nên cơ sở hạ tầng KKT Nghi Sơn vẫn còn thiếu, còn yếu, chưa thể đáp ứng ngay được các dự án đầu tư lớn, trong đó có vấn đề nước sạch.
Vì tính cấp bách đón dự án khủng Lọc hóa dầu, Thanh Hóa kêu gọi mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh đầu tư nhà máy nước sạch, nhưng đều không có kết quả. Lúc này, Công ty Bình Minh của ông Tào Quốc Tuấn được lãnh đạo Thanh Hóa “chọn mặt, gửi vàng” để giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn, vì họ biết chỉ có Bình Minh mới đủ tiềm lực về tài chính và thiết bị xây dựng nhà máy nước.
“Còn nhớ rõ từng lời nói mà lúc gặp tôi thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa giải bày: “Thường vụ tỉnh ủy và ông đánh giá rất cao Công ty Bình Minh. Chỉ trong mấy năm về Thanh Hóa đầu tư, Bình Minh đã làm thay đổi tư duy tỉnh nhà và thay đổi diện mạo TP Thanh Hóa. Bây giờ tỉnh mong muốn Bình Minh cầm cờ lần thứ 2 vào phát triển KKT Nghi Sơn”” – ông Tuấn nhớ lại.
Và thế là bao nhiêu của cải, tài sản hàng trăm tỷ đồng Công ty Bình Minh gom hết vào Nghi Sơn xây dựng nhà máy nước sạch (công suất 90.000m3/ngày đêm, giai đoạn I là 30.000m3/ngày đêm), sẵn sàng cùng Thanh Hóa chờ đón siêu dự án Lọc hóa dầu.
“Nhóm lợi ích” giăng bẫy
Sau quá trình triển khai xây dựng nhà máy, vào năm 2013, nhà máy nước Bình Minh bắt đầu ký được hợp đồng bán những mét khối nước đầu tiên cho Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn vừa khởi động xây dựng trở lại. Tuy nhiên, niềm vui "ngắn chẳng tày gang" khi Bình Minh đối mặt ngay với “nhóm lợi ích” khủng, giăng bẫy để bóp chết.
Đó là trung tuần tháng 6/2016, tỉnh Thanh Hóa đồng ý chấp thuận cho liên doanh (Anh Phát – Sông Chu) xây dựng bên cạnh nhà máy nước Bình Minh một nhà máy nước khác tại hồ Quế Sơn (cách 4km) mặc dù không có trong Quy hoạch của Chính phủ, và bật đèn xanh cho xây dựng ồ ạt một cách bất chấp pháp luật.
Nhiều người khuyên ông nên gửi kiến nghị với Chính phủ và trả lời thẳng thắn với các bên liên quan cho việc sẽ “đóng cửa nhà máy nước”, bởi nếu không làm thế thì không thể chống lại “nhóm lợi ích”, vì Thanh Hóa cho xây dựng nhà máy nước hồ Quế Sơn một cách bất chấp quy hoạch của Chính phủ như vậy thì đằng nào nhà máy nước Bình Minh cũng phá sản.
Nhưng với cái tâm của một doanh nhân làm ăn chân chính không cho phép ông Tuấn và Bình Minh làm vậy bởi dự án Lọc hóa dầu – dự án trọng điểm của Quốc gia là dự án mà nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trải qua nhiều nhiệm kỳ đã mất nhiều công sức, trí tuệ mới mời gọi, đàm phán thành công. Ông vẫn tin vào thượng tôn pháp luật, vào lẽ phải, vào Trung ương nên ông nghĩ vẫn còn giải pháp tốt hơn cho vấn đề này.
Nhưng niềm tin của ông không được đền đáp khi vào năm 2017, nhà máy nước hồ Quế Sơn đi vào hoạt động thì cũng là lúc nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn “đột ngột” khóa van và cho niêm phong, kẹp chì hệ thống đường ống cung cấp nước của nhà máy Bình Minh, để chuyển sang lấy nước của nhà máy nước hồ Quế Sơn mà không một lời báo trước mặc cho hợp đồng hai bên ký kết năm 2013 vẫn còn nguyên giá trị.
Một nhà máy xây chui, không phép, không đúng quy hoạch lại có thể được Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn – một đơn vị gồm liên doanh giữa các bên Việt Nam – Nhật Bản – Cô oét “ưu ái” một cách khó hiểu?
Và thế là câu chuyện “nhóm lợi ích” nhà máy nước hồ Quế Sơn, giăng bẫy để bóp chết nhà máy nước Bình Minh với doanh nhân Tào Quốc Tuấn đến lúc này ông mới tin - đó là sự thật.
Anh “chân giả” đánh chết anh “chân thật”
Chứng kiến tận mắt cả nghìn tỷ đồng của nhà máy nước Bình Minh đắp chiếu, vì không có đầu ra, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội phải thốt lên trước trong sự chua xót: “Thế là anh chân giả đã đánh chết anh chân thật”.
Mặc dù Chính phủ có văn bản trả lời đại biểu Nhưỡng về việc Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn năm 2017 tự động cắt nước của nhà máy nước Nghi Sơn do Công ty Bình Minh đầu tư, để lấy nguồn nước của Công ty Anh Phát – Sông Chu là không công bằng và thiếu minh bạch.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, cho dù có giải thích như thế nào thì cũng không thể biện minh cho việc làm “bất chấp luật pháp” để đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư và xây dựng nhà máy nước hồ Quế Sơn trái phép, trái quy hoạch.
Sau khi tìm hiểu, hóa ra bản chất của vấn đề Nhà máy nước Bình Minh gặp phải không đơn thuần như nhiều người vẫn lầm tưởng, là KKT Nghi Sơn cần phải xây thêm nhà máy nước, đáp ứng nhu cầu về nước rất lớn cho các dự án hay lo ngại một nhà máy sẽ dẫn đến độc quyền về giá, Lọc hóa dầu nhiều lần kiến nghị chất lượng và khối lượng nước của Nhà máy nước Bình Minh…
"Nội dung câu chuyện không phải như những báo cáo của địa phương ra Trung ương. Thực chất đây là “ma trận” được giăng ra để bóp chết Nhà máy nước Bình Minh được Chính phủ quy hoạch năm 2007 – đại biểu Nhưỡng phân tích. Động thái cho xây dựng nhà máy nước hồ Quế Sơn một cách bất chấp quy hoạch là thái độ “tiền hậu bất nhất” trong thực hiện dự án triển khai xây dựng KKT Nghi Sơn, với nhà máy nước Bình Minh.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, rủi ro mà nhà máy nước Bình Minh gặp phải thể hiện rõ tính tổ chức, pháp lý và giá trị của pháp luật bị “coi thường”.
Luật Đầu tư năm 2005 và 2014 quy định rõ về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật. Như vậy, khi pháp luật thay đổi theo hướng lợi hơn hay bất lợi hơn thì nhà đầu tư vẫn được bảo đảm ưu đãi tốt hơn hoặc không bị giảm đi. Hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư, công suất 90.000 m3/ngày đêm mà mỗi ngày chỉ bán được mấy trăm m3 nước, gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư, nguy cơ phá sản là điều hiển nhiên.
Một chính sách tốt, một hành động chuẩn mực sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nhưng một chính sách không tốt, một ứng xử không đẹp sẽ đẩy doanh nghiệp vào cảnh khốn đốn, công nhân thất nghiệp; trong khi Chính phủ và Thủ tướng đôn đáo lo cho doanh nghiệp, còn ở nơi nào đó chính quyền lại luôn thủ sẵn đinh để rải thảm, đào hố cắm chông để tiêu diệt những “cỗ máy kinh tế” của địa phương và câu chuyện của nhà máy nước Bình Minh tại KKT Nghi Sơn tỉnh Thanh Hoá chắc chắn là một bài học điển hình - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng xót xa.