Nhà nước sẽ tái chi phối cảng Quy Nhơn

Việc xử lý thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ là điều chưa từng có tiền lệ.
Nhà nước sẽ tái chi phối cảng Quy Nhơn

Hoạt động bốc xếp hàng tại Cảng Quy Nhơn. Ảnh: Việt Hương

Thu hồi

Đây là một trong những nội dung quan trọng nhất trong Kết luận thanh tra số 1566/KL - TTCP về việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, vừa được Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam ký vào đầu tuần này.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc cổ phần hóa, thoái hết vốn nhà nước tại Công ty TNHH MTV cảng Quy Nhơn (cảng Quy Nhơn) thực hiện không đúng với Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2012 - 2015 đã được Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình, Bộ Chính trị thông qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ - TTg ngày 4/2/2013.

Theo đó, cảng Quy Nhơn nằm trong danh mục 5 cảng biển mà Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa. Vì vậy, việc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho phép Vinalines chuyển nhượng 75,01% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước theo phương thức thỏa thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là vi phạm quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ - CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Thông tư số 220/2013/TT - BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 71/2013/NĐ-CP.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT xem xét, hủy bỏ 2 văn bản gồm: Văn bản số 16937/BGTVT - QLDN ngày 27/12/2014 và Văn bản số 6327/BGTVT - QLDN ngày 20/5/2015 vì có nội dung trái thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật.

Bộ GTVT cũng được kiến nghị chủ trì, chỉ đạo, thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại cảng Quy Nhơn về sở hữu nhà nước, đảm bảo Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại doanh nghiệp cảng biển này theo Quyết định số 276/QĐ - TTg; chỉ đạo Vinalines xem xét, xử lý việc bán 10% cổ phần khi cổ phần hóa cho Công ty Hợp Thành theo điểm 2.2, Mục 2, Hợp đồng số 01/CDDCL.

Cần phải nói thêm rằng, cảng Quy Nhơn chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào tháng 11/2013 với số vốn điều lệ 404,099 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 30.312.262 cổ phần, trị giá 303,122 tỷ đồng, chiếm 75,01% vốn điều lệ. Từ tháng 9/2015 đến nay, sau 2 lần thoái vốn vào tháng 2/2015 và tháng 8/2015, cảng Quy Nhơn đã không còn vốn nhà nước.

Trong lần thoái vốn nhà nước đầu tiên, tại Văn bản số 16937/BGTVT - QLĐ, Bộ GTVT cho phép Vinalines chuyển nhượng 26,01% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, thay vì phải đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán như quy định. Thương vụ thoái vốn này hoàn tất vào ngày 26/2/2015, khi Vinalines và Công ty Hợp Thành ký hợp đồng chuyển nhượng 10.510.627 cổ phần phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, với giá chuyển nhượng là 13.500 đồng/cổ phần, tổng giá trị chuyển nhượng là hơn 141,893 tỷ đồng.

Tại lần thoái vốn thứ hai, bằng Văn bản số 6327/BGTVT - QLDN cho phép Vinalines chuyển nhượng 49% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước cũng theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Thương vụ này được hoàn tất vào ngày 6/8/2015, khi Công ty Hợp Thành đồng ý bỏ ra hơn 273,262 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 19.801.635 cổ phần từ cổ đông Nhà nước với giá chuyển nhượng là 13.800 đồng/cổ phần.

Trước đó, vào tháng 9/2013, trong tư cách là nhà đầu tư chiến lược, Công ty Hợp Thành đã bỏ ra 51,692 tỷ đồng để mua 4.041.000 cổ phần, theo giá đấu giá thành công bình quân khi IPO là 12.792 đồng/cổ phần.

Như vậy, qua 3 lần chuyển nhượng ghi nhận được, tính đến tháng 11/2016, Công ty cổ phần Hợp Thành đã bỏ ra khoảng 466,847 tỷ đồng để sở hữu khoảng 86,23% vốn điều lệ cảng Quy Nhơn.

"Nhà nước có thể phải bỏ số tiền lớn hơn số tiền từng nhận để thu hồi 75,01% cổ phần đang được Công ty Hợp Thành nắm giữ.

Chưa có tiền lệ

Sau 5 lần chuyển nhượng với tổng số 3.312.894 cổ phần, tương đương 8,2% vốn điều lệ, Công ty Hợp Thành đang sở hữu 78,03% cổ phần. Trong trường hợp thu hồi 75,01% cổ phần được Thanh tra Chính phủ khẳng định là chuyển nhượng sai quy định, Công ty Hợp Thành chỉ còn nắm khoảng 7,422 % vốn điều lệ.

Trước đó, vào ngày 6/9/2018, tức là chỉ chưa đầy 2 tuần trước khi Kết luận thanh tra số 1566/KL-TTCP được ban hành, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, vì lợi ích quốc gia, Công ty Hợp Thành sẵn sàng chuyển nhượng cổ phần để Nhà nước nắm quyền chi phối trên cơ sở quy định của pháp luật, lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.

Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao một cơ quan chủ trì (Thanh tra Chính phủ hoặc Bộ Tài chính, Bộ GTVT) phối hợp các bộ, ngành liên quan… nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng xem xét, quyết định tỷ lệ nắm giữ cổ phần chi phối phù hợp của Vinalines tại cảng Quy Nhơn và phương thức Vinalines sẽ nhận lại cổ phần cảng Quy Nhơn từ Công ty Hợp Thành theo quy định, trên cơ sở đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước, lợi ích của nhà đầu tư và sự phát triển bền vững, hiệu quả lâu dài của cảng Quy Nhơn.

Hiện chưa rõ cơ chế chuyển nhượng sẽ được thực hiện trên nguyên tắc nào, nhưng chắc chắn giá cổ phiếu của cảng Quy Nhơn đã tăng đáng kể sau khi các cổ đông tại đây đã bỏ ra hơn 622 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2013 - 2017 để đầu tư nâng cấp hạ tầng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn hậu cổ phần hóa của cảng Quy Nhơn cũng rất tốt, khi lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 45 tỷ đồng, tăng 2,14 lần so với trước cổ phần hóa. Điều này có nghĩa, Nhà nước rất có thể sẽ phải bỏ ra số tiền lớn hơn số tiền từng nhận được để thu hồi 75,01% cổ phần đang được nắm giữ bởi Công ty Hợp Thành.

Điều đáng nói là, bản thân Vinalines - đơn vị được đề xuất là nhận lại cổ phần từ Hợp Thành cũng sẽ bắt đầu pháp nhân mới - công ty cổ phần từ tháng 10/2018 sau khi tiến hành IPO vào đầu tháng 9/2018.

“Việc nhượng lại cổ phần cho Nhà nước ngay cả khi được Công ty Hợp Thành đồng thuận, vì lẽ đó, cũng khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều, nhất là khi đây là việc chưa từng có trong tiền lệ”, một chuyên gia cho biết.

Theo Anh Minh/Báo Đầu tư

 >> Bộ GTVT nói gì về sai phạm cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn?

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…