Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm giá bán USD, từ 24.850 đồng xuống 24.840 đồng. Như vậy, đây là lần thứ ba liên tiếp NHNN giảm tỷ giá giao dịch chỉ trong một tháng, sau khi đã tăng 6 lần kể từ đầu năm.
Trong đó, lần giảm giá bán đầu tiên diễn ra vào ngày 11/11, lần thứ hai là vào ngày 18/11 với cùng mức giảm là 10 đồng.
Sau khi NHNN giảm tỷ giá điều hành, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại sáng nay cũng có sự hạ nhiệt.
Tại Vietcombank, tỷ giá mua vào bán ra vẫn giữ nguyên so với phiên giao dịch hôm qua (24.654 đồng – 24.854 đồng/USD); Vietinbank là 24.435 đồng - 24.852 đồng/USD, giảm 3 đồng/USD chiều bán ra so với phiên giao dịch hôm qua.
Tại ACB, giá USD bán ra cũng giảm 4 đồng so với phiên hôm qua, đứng ở mức 24.850 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, phiên giao dịch hôm qua, giá bán USD giảm 80 đồng ở chiều mua vào và 110 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.870 VND/USD và 24.940 đồng/USD. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại giá bán USD tại thị trường này đã "đảo chiều" tăng lên 24.920 đồng/USD (mua vào) và 24.980 đồng/USD (bán ra), tương ứng tăng lần lượt 50 và 40 đồng mua vào/bán ra.
Trong khi tỷ giá hạ nhiệt tại thị trường chính thức, lãi suất vẫn tiếp tục neo ở mức cao.
Trong phiên giao dịch ngày 24/11, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng tiền đồng tiếp tục tăng nhẹ kỳ hạn qua đêm và kỳ hạn 1 tháng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn qua đêm là 5,96%/năm và lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 7,84%/năm.
Trên thị trường mở, hôm qua hôm qua, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6,0%. Có hơn 2.902 tỷ đồng trúng thầu, có 871,46 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN.
Như vậy, trong phiên hôm qua, NHNN bơm ròng hơn 2.031,47 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 71.847,1 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giữ ở mức gần 40.0000 tỷ đồng.
Trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tiếp tục đi xuống sau khi biên bản cuộc họp tháng 11 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), công bố cho thấy giọng điệu “bồ câu” trong chính sách tiền tệ.
Biên bản cho thấy phần lớn các thành viên đồng thuận cho rằng, việc giảm tốc độ tăng lãi suất sẽ phù hợp hơn. Một số thành viên Fed cho rằng, việc làm chậm tốc độ tăng lãi suất có thể làm giảm nguy cơ bất ổn trong hệ thống tài chính.
Điều này đồng nghĩa với việc Fed sẽ áp dụng những bước tăng lãi suất ở mức thấp hơn trong các đợt tăng năm 2022 và 2023.