Nhân sự cấp cao ngân hàng “nóng” trước mùa đại hội

Bên cạnh trọng tâm đẩy mạnh tái cấu trúc, kỳ Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngành ngân hàng năm nay được dự báo sẽ có nhiều thay đổi về nhân sự cấp cao, khi 2017 là năm kết thúc nhiệm kỳ cũ.
Nhân sự cấp cao ngân hàng “nóng” trước mùa đại hội

Ổn định nhân sự cấp cao trước giai đoạn mới…

Thực tế, nhân sự cấp cao ngành ngân hàng vẫn luôn là “điểm nóng” trong mỗi mùa ĐHCĐ, không chỉ với các ngân hàng nằm trong diện tái cấu trúc bắt buộc, mà còn với những ngân hàng cần sự ổn định sau quãng thời gian biến động.

Chẳng hạn, kỳ ĐHCĐ của Eximbank năm nay, bên cạnh các vấn đề liên quan đến nợ xấu, lợi nhuận…, thì điều được giới đầu tư đặc biệt quan tâm là nhân sự cấp cao, bởi đây là mấu chốt của mọi vấn đề.

Thông báo từ Eximbank cho biết, Ngân hàng dự kiến tổ chức ĐHCĐ thường niên 2017 vào ngày 21/4 tới tại TP.HCM và một trong những nội dung quan trọng là Eximbank sẽ thực hiện bầu bổ sung 3 thành viên vào HĐQT Ngân hàng trong nhiệm kỳ mới.

Theo đó, các ứng viên được đề cử, ứng cử vào HĐQT Eximbank phải đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và Điều lệ Ngân hàng. Eximbank sẽ nhận ý kiến đề cử, ứng cử người giữ chức danh thành viên HĐQT Ngân hàng từ 21/2 đến 6/3 và kiểm tra hồ sơ đề cử, ứng cử từ 7/3 đến 17/3. Tới ngày 20/3, Eximbank sẽ nộp hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét chấp thuận nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT trước khi tiến hành bầu tại ĐHCĐ.

Có thể nói, 2016 là năm “mất mùa” ĐHCĐ của Eximbank, khi các kỳ họp đều không thành công. Cụ thể, 2 lần tổ chức ĐHCĐ hồi đầu năm 2016 của Eximbank đều bất thành do bất đồng giữa các cổ đông lớn về số lượng thành viên trong HĐQT. Tiếp đó, kỳ ĐHCĐ bất thường dự kiến tổ chức vào ngày 2/8/2016 cũng phải hủy bỏ vì NHNN yêu cầu Eximbank kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử người vào HĐQT của một số nhóm cổ đông lớn, trước khi được cơ quan này phê duyệt.

Ngoài ra, còn gần chục ngân hàng khác tiến hành thay Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc trong năm qua. Bên cạnh lý do về nhiệm kỳ công tác, trong bối cảnh ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao chắc chắn còn nhiều diễn biến nóng năm nay.

Vào đầu năm, Ngân hàng MB có sự thay đổi ở vị trí Tổng giám đốc, khi Thiếu tướng-TS.Lê Công, người giữ chức Tổng giám đốc MB từ năm 2010, đến tuổi nghỉ hưu. Theo đó, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng, được bổ nhiệm thay thế kể từ ngày 16/1/2017.

BIDV sẽ phải tính đến việc bầu Chủ tịch HĐQT mới trong năm nay, bởi ông Trần Bắc Hà cũng đã rời nhiệm sở để hưởng chế độ hưu trí từ ngày 1/9/2016, sau 35 năm công tác và gần 9 năm ngồi “ghế nóng”. Người kế nhiệm ông Hà là ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT, được HĐQT BIDV bầu phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT và thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng từ 1/9/2016 đến nay.

2017 là năm HĐQT và Ban Kiểm soát Ngân hàng SCB kết thúc nhiệm kỳ (2012-2017). Vì vậy, tại ĐHCĐ thường niên năm nay dự kiến tổ chức vào tháng 4 tới, việc tiến hành bầu HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới (2017-2022) chắc chắn sẽ diễn ra. SCB đã công bố số lượng các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới, cụ thể: HĐQT có tối thiểu 5 thành viên và tối đa 7 thành viên, trong đó có tối thiểu 1 thành viên độc lập; Ban Kiểm soát gồm 3 thành viên, trong đó có 2 thành viên chuyên trách. SCB đang xem xét hồ sơ ứng cử viên để trình NHNN trước khi tiến hành ĐHCĐ.

Mới đây, HĐQT HDBank cũng đã gửi thông báo đến cổ đông về việc bầu lại HĐQT, Ban Kiểm soát Ngân hàng nhiệm kỳ 2012-2017 trong kỳ đại hội năm nay, khi nhiệm kỳ đương nhiệm kết thúc… 

… và siết chặt hơn với nhóm buộc phải tái cấu trúc

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng giai đoạn II (2016-2020) sắp được hoàn thành để trình Chính phủ, Bộ Chính trị thông qua. Riêng với đề án tái cơ cấu 5 ngân hàng, bao gồm 3 ngân hàng “0 đồng” (Oceanbank, CBank, GPBank), DongA Bank và Sacombank sau sáp nhập đã được NHNN trình Bộ Chính trị và được chấp thuận. Thời gian tới, NHNN sẽ có chỉ đạo cụ thể đối với từng ngân hàng.

Đơn cử, NHNN yêu cầu Sacombank khẩn trương tổ chức ĐHCĐ trong tháng 4 tới để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, đồng thời thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ, tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, ổn định tình hình tổ chức và phát triển hoạt động của Sacombank.

Được biết, vào ngày 24/2/2017, NHNN đã ra quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và con trai là ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank. Theo đó, ông Trầm Bê và người có liên quan có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại tại Sacombank theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trước đó, thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015, ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề nghị của 2 ngân hàng, NHNN đã chấp thuận sáp nhập SouthernBank vào Sacombank.

Sau khi hoàn tất việc sáp nhập, ông Trầm Bê cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan đã thực hiện ủy quyền quyền cổ đông (quyền biểu quyết và quyền đề cử) tại Sacombank sau sáp nhập cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) theo chỉ định của NHNN.

Tương tự, 4 ngân hàng còn lại cũng từng trải qua giai đoạn khó khăn và phải bán lại cho NHNN. Sau khi tiếp quản, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank hỗ trợ các ngân hàng này trong việc tái cơ cấu.

Theo đó, các nhân sự chủ chốt tại 4 ngân hàng đã được thay mới hoàn toàn và dàn lãnh đạo mới đều đến từ 2 ngân hàng tham gia hỗ trợ. Tuy nhiên, với chủ trương tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc các ngân hàng yếu trong năm nay, nhiều khả năng nhân sự chủ chốt của những nhà băng này sẽ còn thay đổi.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng, cần sớm có phương án tái cơ cấu các ngân hàng “0 đồng” bằng biện pháp M&A, hoặc bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Bởi giải pháp mua lại của NHNN đối với các ngân hàng này chỉ là tạm thời, khó có thể kéo dài.

Riêng với DongA Bank, sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hồi tháng 8/2015, dàn nhân sự cấp cao của ngân hàng này đã được thay mới. Hiện tại, Chủ tịch HĐQT của DongA Bank là ông Võ Minh Tuấn và Tổng giám đốc là ông Nguyễn Thanh Tùng đều là người của VietinBank.

Theo Vân Linh/ĐTCK

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh hội thảo

Để ESG dẫn dòng tín dụng

Ngành ngân hàng đang thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh...

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...