Nhật ký chống dịch Covid- 19 : “Càng bị kì thị, càng phải sống tử tế!”

Đây là chia sẻ của một trong những thành viên của nhóm thiện nguyện đặc biệt gồm các chàng trai có nhiều hình xăm đang gây được nhiều sự chú ý trên mạng xã hội.
Nhật ký chống dịch Covid- 19 : “Càng bị kì thị, càng phải sống tử tế!”

Xăm hình là một loại hình nghệ thuật làm đẹp có lịch sử lâu đời. Cho tới ngày nay, nó vẫn đang phát triển rất mạnh và được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, định kiến về việc có hình xăm trên cơ thể là dấu hiệu của tội phạm và tầng lớp thấp kém trong xã hội đã hằn sâu trong tâm lý người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ ông bà. 

Thế nhưng, trên mạng xã hội gần đây xuất hiện những bức ảnh 4 chàng trai xăm kín người và mặt, khoác trên mình lớp áo bảo hộ màu xanh, xông pha giúp đỡ bà con trong vùng dịch. Họ không quản ngại cái nắng rát của Sài Gòn, đi khắp nơi vận chuyển lương thực, thực phẩm thiết yếu giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Mặc dù vẻ bề ngoài hơi dữ dằn bởi những hình xăm, nhưng ẩn sâu bên trong họ là những con người vô cùng nhẹ nhàng, ấm áp. Ban đầu, nhiều bà con ở khu dân cư quận Bình Thạnh không khỏi e ngại, nhưng dần bởi cách nói chuyện, hành động lễ phép của nhóm thanh niên người đã cảm hoá họ.

Anh Nghiêm Hà Võ Trường Vinh (SN 1982, tại phường 3, quận Bình Thạnh – TP.HCM) cho biết, anh cùng 3 người bạn đã góp sức đi hỗ trợ bà con 1 tuần qua. Thấy mấy thanh niên xăm trổ đi giao hàng, bà con trong khu dân cư đổ dồn sự chú ý. Người ta tò mò gương mặt được xăm kín những hình thù dưới lớp khẩu trang và bộ quần áo bảo hộ. 

 “Nói thì họ không dám nói trước mặt, chỉ tỏ thái độ kì thị thôi. Nhưng gia đình và những ai biết mình thì vẫn bình thường. Họ còn hỏi, xăm chi mà nhiều vậy rồi có đau không, chứ không nói gì hết. Vinh vẫn là Vinh và không thể là 1 ai khác”, Anh Vinh chia sẻ.

Hình ảnh đời thường của các chàng trai đặc biệt
Hình ảnh đời thường của các chàng trai đặc biệt

Trước khi Sài Gòn thực hiện chỉ thị 16, anh Vinh là nhân viên của một tiệm xăm nghệ thuật. Trót yêu và đam mê với bộ môn "tattoo", anh tâm sự: “Xăm không còn là công việc nuôi sống nữa mà xăm còn là cuộc sống, là môi trường để phát triển bản thân. Dĩ nhiên xăm càng nhiều thì nhân phẩm mình càng bị xã hội và dư luận lên án. Nhưng như vậy mình càng phải tử tế hơn để họ không đánh giá mình được. Hình xăm không thể đem so sánh với đạo đức, tư cách hay chuyên môn. Mỗi người mỗi khác và không thể đánh đồng".

Công việc hàng ngày của nhóm thiện nguyện đặc biệt này là đi chợ, giao thực phẩm trong khu cách ly tùy theo đơn hàng của người dân. Có những ngày số lượng đặt mua nhiều, nhưng hàng hoá chưa tới hết, anh Vinh cùng đồng đội lại ngồi dưới nắng chờ cho đủ rồi mới đi phân phát.

“Nhiều hôm, chỉ kịp nghỉ trưa vài ba phút, ăn vội chiếc bánh mì rồi lại tất tả làm việc đến tối mịt nhưng vẫn thấy vui vì bản thân và nhóm làm được việc có ích cho xã hội. Vui vì những nụ cười của người dân khi nhận được lương thực. Vui vì giải quyết được rất nhiều khó khăn cho những người không thể lo cho cuộc sống hàng ngày của họ và cũng vui vì đã đóng góp được một phần sức lực vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của thành phố”, anh Vinh nói.

Sau việc làm tử tế của nhóm thanh niên được chia sẻ lên mạng xã hội, cư dân mạng đã dành lời khen không ngớt và cảm ơn tới tấm lòng của các chàng trai. Và nhiều người cũng xem lại cách nhìn nhận của mình về những người xăm hình thông qua hành động của nhóm thiện nguyện này.

Thực tế, con người ta có tốt hay không, chỉ có thể đánh giá qua con người bên trong, hình xăm là để thể hiện cá tính, thể hiện sự mạnh mẽ chứ không thể hiện sự tốt xấu của con người họ. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Hồi trung tuần tháng 7, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp lại khoảnh khắc một nhóm tình nguyện viên mặc áo xanh trong trang phục bảo hộ kín mít, ngồi choàng vai nhau trên thùng chiếc xe bán tải, dưới cơn mưa tầm tã như trút nước.
Nhật ký chống dịch Covid-19: Nên chăng...?

Nhật ký chống dịch Covid-19: Nên chăng...?

Đợt bùng phát đại dịch Covid lần thứ 4 từ 27/4/2021 đã qua 121 ngày. Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền các tỉnh thành trực thuộc trung ương đã và đang triển khai, thay đổi nhiều phương án, cách thức để chỉ đạo người dân và các cấp các ngành thực hiện.