Nhật ký chống dịch Covid-19: Để người nghèo vợi bớt những âu lo

Đợt dịch lần thứ tư này đã khiến người nghèo và người dễ bị tổn thương tại Sài Gòn ngày càng kiệt quệ, vật vã trong khó khăn. Và một trong những vấn đề tồi tệ nhất mà họ phải đối mặt đó chính là chẳng may qua đời không có khả năng để mai táng
Nhật ký chống dịch Covid-19: Để người nghèo vợi bớt những âu lo

Ngày 20/8 vừa qua, trên mạng xã hội, nhiều người đã truyền tay nhau bức hình ghi lại khoảnh khắc người phụ nữ ngồi khụy bên đường, suy sụp khi chứng kiến người chồng qua đời ngay trên chiếc xe lăn mà bà vẫn đẩy ông đi bán vé số hàng ngày.

Những hình ảnh này được ghi lại bởi nhóm thiện nguyện mai táng 0 đồng của chị Giang Kim Cúc và các cộng sự khi giúp đỡ việc mai táng cho người đàn ông xấu số này. Ông tên là Nguyễn Văn Tài (sn 1968)- một người bán vé số dạo trên khắp các phố phường của Sài Gòn.

Từ mảnh đời bất hạnh

Theo chia sẻ của nhóm thiện nguyện, “Hai cô chú sống lang thang, trên nhiều con đường ở Sài Gòn đông đúc, chật hẹp này. Bữa no, bữa đói nhưng họ vẫn có nhau, đồng hành cùng nhau hơn 50 năm cuộc đời. Chú mất, trên tay vẫn cầm bịch đồ ăn mà mạnh thường quân tặng. Với sức khỏe già yếu và nhiều ngày liền ăn uống không đảm bảo, chú đã an nghỉ mãi mãi, thương tiếc cho một đời người khó khăn. Vĩnh biệt chú!

Là người trực tiếp hỗ trợ lo hậu sự cho người đàn ông không may qua đời giữa dịch Covid-19, bạn Phạm Ngọc Minh Châu (21 tuổi, tại TP.HCM, thành viên nhóm Giang Kim Cúc và các cộng sự) nghẹn ngào tâm sự: “Vừa bước xuống xe, thấy cô Lan (vợ chú Tài) ngồi thất thần một góc, cố lay chồng dậy mà mình bật khóc, cầm điện thoại rớt lên rớt xuống. Đây là một trong những hoàn cảnh rất đặc biệt mà nhóm đã giúp đỡ, chú mất nhưng không có nơi nào để về nên xót xa và nghẹn ngào lắm. Cả đội cùng cầu nguyện cho chú, vài phút sau mọi người mới đủ bình tĩnh để có thể bắt tay vào hỗ trợ”.

Nhóm thiện nguyện Giang Kim Cúc và cộng sự đã kịp thời có mặt để hỗ trợ vợ chồng người bán vé số có hoàn cảnh đáng thương
Nhóm thiện nguyện Giang Kim Cúc và cộng sự đã kịp thời có mặt để hỗ trợ vợ chồng người bán vé số có hoàn cảnh đáng thương

Minh Châu kể lại, đầu giờ chiều cùng ngày, sau khi nhận tin báo, đội đến đường Hồ Bá Kiện (Q.10) hỗ trợ mai táng miễn phí cho người đàn ông mất ngoài đường này. Ngoài ra, nhóm còn trích 5 triệu đồng kèm bánh, sữa cho người vợ.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều người đã không giấu được sự xót xa trước sự ra đi của người đàn ông khắc khổ không có nơi trở về trong những ngày cuối đời. Bù lại, những nghĩa cử cao của nhóm Giang Kim Cúc đã góp phần xoa xịu nỗi đau mất mát của người ở lại giữa dịch Covid-19.

Trong số đó, tài khoản có tên Đ.N.N cho biết: “Thương cho 1 kiếp người. Khóc cùng các bạn bao ngày qua, con mắt mờ đi hẳn. Mình đang sống cách xa Ba Mẹ hơn nửa vòng trái đất. Từ ngày dịch bùng phát tại Sài Gòn là mấy nhiêu ngày mình lo lắng hoang mang. Cầu mong dịch bệnh sớm được khống chế, thương người dân lao động nghèo, thương các bạn ở tuyến đầu. Các bạn rất tuyệt vời.

Hay như bạn T.P bày tỏ: “Nhìn mà đau xót quá! Thương cô chú, mong trời Phật phù hộ cho các anh chị trong nhóm thiện nguyện được nhiều sức khoẻ để giúp đỡ bà con qua đại dịch này.”

Thấy bóng dáng một "bông hồng thép"

Chị Giang Thị Kim Cúc (33 tuổi, sống tại TP.HCM), một người phụ nữ vốn đã được biết đến với rất nhiều hoạt động thiện nguyện như: tổ chức cộng đồng nhặt rác xuyên Việt, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà con khó khăn mùa dịch, chạy xe cứu thương hỗ trợ đưa bệnh nhân cấp cứu…

Và mới đây, chị đã trở lại với một xứ mệnh hết sức phi thường đó là hỗ trợ mai táng miễn phí cho những người không may qua đời vì dịch bệnh. Cũng từ đây nhóm mai táng 0 đồng “Giang Cúc và các cộng sự ra đời” với mong muốn góp sức cùng với lực lượng tuyến đầu giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, không may qua đời giữa mùa dịch ở TP.HCM.

Bất chấp nguy hiểm khi tiếp xúc với thi thể bệnh nhân Covid-19, mỗi ngày chị Cúc và nhóm cộng sự không quản ngại ngày đêm đi hỗ trợ mai cho những người dân đang gặp khó khăn.

Khi được hỏi về lý do tại sao chị lại có quyết định thiện nguyện theo con đường này, chị Cúc tâm sự: “Đợi dịch Covid lần này quá phức tạp khiến người dân đặc biệt là người dân TP.HCM rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh như vậy nên tôi đã kết nối những người cùng chí hướng như mình để có thể giúp đỡ được người dân.”

Chị Kim Cúc cùng những người cộng sự của mình đã rong ruổi trên khắp các tuyến đường của Sài Gòn 2 tháng vừa qua, họ chấp nhận không về nhà, ở tập trung trong một ngôi chùa và làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya, 4 số điện thoại hotline luôn nóng bỏng bởi những cuộc gọi cầu cứu.

Việc làm của chị Cúc và những người cộng sự góp phần giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vơi bớt phần nào những nỗi lo
Việc làm của chị Cúc và những người cộng sự góp phần giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vơi bớt phần nào những nỗi lo

Nhóm hỗ trợ mai táng miễn phí cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà người thân mất không có đủ điều kiện để mai táng, hay những người đang phải cách ly y tế không thể về lo mai táng cho người thân, những người già neo đơn, người vô gia cư không nơi nương tựa. Chị Cúc và những người đồng đội của chị thực hiện công việc này, với những người lớn tuổi chị coi mình như con cái, đang thay mặt cho con họ lo tang cho cha mẹ. Hay với những em bé nhỏ, chị thay bố mẹ an táng cho con.

Tuy nhiên, do hiện tại nhóm nhận được qúa nhiều cuộc gọi từ các gia đình cần được hỗ trợ và vì thiếu người, thiếu phương tiện nên những trường hợp gọi đến nhóm mà nhóm không giúp được thì sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng cho một trường hợp người thân mất vì Covid.

Mỗi ngày, nhóm chị Kim Cúc luôn tất bật từ sáng sớm đến tối khuya, từ trực điện thoại, tiếp nhận thông tin, sắp xếp nhân sự, xe chở cùng các đồ dùng mai táng cho người đã mất đến việc trực chiến ở nhà hoả táng để lo thủ tục hoả thiêu và nhận tro cốt rồi tập hợp danh sách người mất nhờ nhà chùa cầu siêu cho các hương linh.

Bản thân chị Cúc cũng không nhớ đã bao đêm rồi không được ngủ ngon giấc. Nửa đêm cứ chập chờn vì tiếng chuông điện thoại reo. Chị chia sẻ rằng giữa dịch bệnh, người nhà họ lo lắng nên mình phải tâm sự cùng họ hiểu và bớt lo lắng.

Được thành lập trong giữa đại dịch nên nhóm của chị Giang Thị Kim Cúc không có tên. Tất cả đều là do hoàn cảnh đưa đẩy, thấy người cần thì giúp, sau vì số lượng quá lớn nên chị buộc phải kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng. Nhóm do những người chung chí hướng cùng nhau hình lập và phân chia công việc nên không có tên. Bởi vậy khi có người hỏi ‘Nhóm tên gì', chị chỉ bảo “Nhóm tên SOS Sài Gòn” nghĩa là ai cần giúp gì thì nhóm sẽ giúp.

Bên cạnh những người ủng hộ thì còn không ít các ý kiến trái chiều, nhưng với chị Cúc cùng các cộng sự của mình điều quan trọng nhất lúc này là giúp được càng nhiều hoàn cảnh càng tốt. Ước mong của chị là nhóm sớm thất nghiệp, dịch bệnh sẽ lùi xa và tất cả mọi người sớm trở về cuộc sống bình thường vốn có.

Có thể bạn quan tâm