Hôm qua, lần đầu tiên tôi dành liền 6 tiếng chỉ xem các video trên Tiktok (lần đầu dùng Tiktok). Hầu hết các video đều về hình ảnh bộ đội vào chống dịch, về cảnh những tình nguyện viên, bác sĩ… Các video được quay ở các tỉnh phía Nam, nhất là TP.HCM.
Thật sự ngoài một số video buồn, thì hầu hết các video đều làm tôi cười ra nước mắt.
Cảm xúc đầu tiên là cảm động khi thấy những đoàn quân “ra trận”. Là nhà báo từng có một số năm thường xuyên ra vào doanh trại, tôi luôn cảm thấy bộ đội quả thật quá sức giản đơn và đáng yêu. Giờ với công nghệ, nhìn các video các em quay mà lại nhớ ngày đó, đúng là các anh lính vẫn nghịch ngợm y như thế.
Cảm xúc thứ hai là cảm động khi thấy các tình nguyện viên, các y bác sĩ, dù ai cũng biết họ mệt mỏi tới mức nào… nhưng rất nhiều video cho thấy họ vẫn vui vẻ, hài hước, nhảy múa… Ôi, tuổi trẻ, không phải chỉ là làn da và ánh mắt, mà còn là khả năng đón nhận mọi khó khăn với những tiếng cười.
Cảm xúc thứ ba, là tôi thấy thấm đẫm tình người. Những con người quay video từ khắp nơi ấy, họ đã quay được những khoảnh khắc thật sự đơn sơ mà chạm tới trái tim hơn mọi thứ phim ảnh được dàn dựng công phu. Hình ảnh anh lính trẻ ngồi ăn túi mì tôm, hay anh bộ đội trực chốt chơi với 1 chú chó…
Những video đơn giản ấy, khiến tôi quý trọng hơn nhiều bài viết của một số không ít các bạn KOLs. Tôi ít đọc facebook nhưng thỉnh thoảng vẫn biết đây đó có bạn này bạn kia, nhất là mấy bạn KOLs thích dạy cho Chính phủ phải làm gì, rồi phê phán, chê bai.
Có những người chưa bao giờ quản lý nổi 10 người nhưng lại thích dạy người khác cách quản lý cả nước. Khổng Tử bảo “tu thân - tề gia - trị nước - bình thiên hạ” - tạm bỏ chữ tu thân vì đó là việc cả đời, thì tề gia chưa chắc đã nổi mà vẫn cho là mình có thể trị nước.
Con người tu thân là con người luôn "Biết ơn".
Tôi nhớ lại vài con số của Việt Nam thời mới bắt đầu dựng chính quyền này.
1945, 2 triệu người Việt chết đói. 90% dân Việt lúc đó mù chữ.
2/9/1945 - HCM đọc Tuyên ngôn độc lập.
7 ngày sau - ngày 8/9/1945: Phong trào Bình dân học vụ ra đời, 1 năm sau 2,5 triệu người xóa nạn mù chữ. 3 năm sau, hơn 6 triệu người đã thoát nạn mù chữ.
Với một chính quyền quá non trẻ, quản lý một đất nước dân trí thấp như vậy, lại liên miên chiến tranh, bị o ép khắp nơi, bị cấm vận… cộng với đội ngũ lãnh đạo thì phần rất lớn từ nông dân, công nhân đi lên (tức là cũng chính từ những người đã từng mù chữ ngày đó) - để có được một Việt Nam tạm gọi là ổn ổn như bây giờ - thật sự là một điều ngoài sự tưởng tượng.
25 năm trước khi mới đi làm báo, tôi đi tới các tỉnh lẻ, vùng nông thôn, miền núi, chứng kiến cảnh nghèo khổ cùng cực, thiếu thốn cùng cực của người dân. Có những bản quanh năm chỉ ăn ngô. Vô số đứa trẻ chết từ khi vừa sinh ra. Tôi từng nghĩ, không biết bao giờ họ mới có thể đỡ khốn khổ.
Giờ đây, ngay cả những vùng hoang vu xưa ấy, cũng có điện, có trường học, có trạm xá, có truyền hình và phát thanh. Trẻ em được tới trường, người lớn ít nhất có ăn, hầu như tỉ lệ sinh bị chết đã giảm vô cùng thấp.
Việt Nam vẫn đang phải trả giá cho nhiều sai lầm. Nhưng họ cũng đã và đang học hỏi để trưởng thành - cũng như tất cả chúng ta thôi!
25 năm qua tôi nhìn thấy cách hành xử của chính quyền đã thay đổi nhiều lắm rồi, đã rất vì dân hơn nhiều lắm rồi!
Họ kém cỏi ư? Nếu không có sự “kém cỏi” ấy thì liệu chúng ta có được hơn 1 năm tương đối an toàn khi dịch bệnh càn quét thế giới, để có thể chờ tới giờ phút này khi vaccine đã dễ dàng tiếp cận hơn rất nhiều?
Chính quyền là ai, nếu không phải cũng là chính các bạn và người thân của các bạn trong đó?
Ai cũng có thể chê giáo dục Việt Nam tồi tệ, nhưng cả nhà tôi có tới dăm bảy giáo sư tiến sĩ các loại, bao bạn tôi là nhà giáo..
Các bạn KOLs ạ, đừng bị ảo tưởng sức mạnh.
Còn với các bạn thân yêu của tôi, lúc này, điều chúng ta có thể làm tốt nhất lúc này là hãy: Biết ơn - Động viên - Hỗ trợ - Nâng đỡ - Ca ngợi - Ủng hộ… bằng Hành động - Lời nói - Suy nghĩ… Đó là cách tốt nhất để trao năng lượng tốt lành tới giúp nâng đỡ những người đang ở tuyến đầu kia.
Biết ơn!
Chia sẻ của nhà báo Phương Hoa.