Nhật ký chống dịch Covid-19: Sài Gòn tử tế

Lần đầu vào Sài Gòn năm 1997, tôi đưa theo hai đứa con – đứa lớn 7 tuổi, đứa bé 3 tuổi, tá túc tại nhà một cậu em ở quận Gò Vấp...

10 ngày ở thành phố to đùng ấy, tôi cố gắng ngó nhìn một số địa danh lịch sử, nhà cửa, đường phố... để tạm gọi là đã nhìn thấy Sài Gòn bằng mắt, đã cảm nhận được sự trẻ trung vui vẻ của một thành phố từng được mệnh danh là "hòn ngọc viễn đông"...

Người Sài Gòn giúp nhau trong đại dịch - Ảnh VnExpress.net
Người Sài Gòn giúp nhau trong đại dịch - Ảnh VnExpress.net

Ở tuổi thiếu niên, vào khoảng những ngày đầu tháng 5 năm 1975, tôi cùng nhóm thiếu nhi của Cung Thiếu nhi Hà Nội được tham gia một chương trình – nôm na là show cho các bạn thiếu nhi Sài Gòn biết về cuộc sống của thiếu nhi miền Bắc XHCN là như thế nào. Hôm đó chương trình được quay tại tòa soạn báo Thiếu niên Tiền phong 15 Hồ Xuân Hương. Nội dung thế nào tôi không nhớ, chỉ nhớ là tôi hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” trong tiếng vỗ tay theo nhịp của cả khán phòng.

Thế mà tận hơn 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, tôi mới có dịp vào thăm thành phố mang tên Bác.

Sau này có nhiều dịp vào Sài Gòn, có các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp... tôi thấy mình ngày càng gần hơn với thành phố mà tôi thường hay nói đùa - chẳng cần phải kêu thật to "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi" thì nó vẫn cứ đẹp lung linh.

Sài Gòn không chứa đựng tuổi thơ của tôi. Sài Gòn không nuôi tôi lớn lên bằng cơm độn mì sợi, bằng kem Tràng Tiền, bằng phở Thìn Bờ Hồ... Sài Gòn không dạy tôi bi bô hát, nâng chân tôi đi… Ấy vậy mà, Sài Gòn luôn cho tôi những cảm xúc rất thân thương, mới lạ, trong đó có cả những tò mò mà có lẽ suốt cuộc đời này tôi không thể thỏa mãn khi tự mình khám phá.

Tò mò những gì? Những điều tôi muốn biết là gì? Nhiều lắm. Có dịp tôi sẽ kể.

Như rất nhiều người trẻ, đặc biệt là những thanh niên mới lớn, các con tôi đứa nào cũng mê Sài Gòn. Hà Nội là chốn đi về của chúng. Gần thì thường. Xa thì nhớ quay nhớ quắt. Nhớ đến bao nhiêu áng văn áng thơ, bao nhiêu tác phẩm âm nhạc, hội họa… cũng không thể tả hết nỗi nhớ đó được. Ấy thế mà cứ có dịp chúng lại vào Sài Gòn. Tôi biết, Sài Gòn yêu chiều chúng, thử thách chúng, cho chúng cơ hội, những người bạn tốt, phóng khoáng và muôn vàn điều thú vị khác.

Cả nước chi viện nhân sự chống dịch cho Sài Gòn - Ảnh VnExpress.net
Cả nước chi viện nhân sự chống dịch cho Sài Gòn - Ảnh VnExpress.net

Người Sài Gòn tốt bụng, luôn giúp người khác như một lẽ tự nhiên.

Năm ngoái có một English teacher người Anh bị kẹt lại Sài Gòn vì đại dịch. Anh ấy chỉ ghi vài chữ lên tấm bìa carton, cầm tấm bìa đó đứng trên hè phố. Thế là “cơn mưa tiền” đổ về anh. Từ người dư dả đến những người kiếm ăn kiểu bữa nay lo bữa mai cũng tìm đến anh để chung tay giúp. Chàng thanh niên hốt hoảng vì không ngờ mọi sự lại đi quá xa so với “nhu cầu” của anh. Thế là anh chỉ nhận một phần, còn thì đem gửi cho tổ chức từ thiện của thành phố. Được mọi người giúp, ngay lập tức anh có việc làm trong thời gian dịch giã. Câu chuyện của anh không chỉ gây xôn xao trong nước mà còn được rất nhiều người nước ngoài biết đến. Nó là một ví dụ sống động về lòng tử tế của người Sài Gòn – không phân biệt bạn là ai và từ đâu đến. Bạn có mặt tại mảnh đất Sài Gòn, bạn hít thở không khí Sài Gòn, bạn nếm thức ăn của người Sài Gòn... thế là người ta mến yêu bạn, sẵn sàng giúp bạn những lúc bạn gặp khó khăn. Nó tự nhiên như hơi thở vậy.

Những đợt miền Trung gặp bão, lũ (mà dải đất miền Trung có năm nào mà thoát được thiên tai đâu. Không bão to thì lũ quét, lũ cuốn, lụt trắng trời trắng đất, mùa màng thất bát…), người Sài Gòn luôn đi đầu cả nước về quyên góp từ thiện. Doanh nghiệp trích quỹ, người dân rút hầu bao, tiểu thương trong các chợ vừa í ới cãi cọ, tay đã lần bóp rút tiền cứu trợ cho đồng bào. Mỗi lần các vùng, miền khác bị thiên tai, bão lũ… hình ảnh người Sài Gòn quyên góp tiền, vật chất để cứu trợ đồng bào được chiếu trên đài truyền hình, người dân cả nước phải nói là khóc rưng rức - vì cảm động tình người Việt với nhau, vì tình của người Sài Gòn với cả nước, vì thấy lòng mình còn có những khoảng hẹp, còn nhiều hạn chế trong việc chia sẻ nhân lực, vật lực với những người khác.

Sài Gòn có những con đường đẹp, nhiều tòa nhà đẹp, nhiều điểm du lịch nổi tiếng và những món ăn ngon… Người Sài Gòn đi xa vẫn luôn tự hào về thành phố mà theo họ, chẳng thua kém bất cứ thành phố nào trên thế giới – nếu xét về mọi giá trị. Nhưng cá nhân tôi thì thấy, mỗi khi người Sài Gòn tổ chức quyên góp từ thiện, sẻ chia vật chất và sức lực… Sài Gòn là thành phố đẹp nhất, đáng ngưỡng mộ và kính trọng bậc nhất.

Gần hai năm dịch giã, Sài Gòn đã kiên cường chống trả dịch bệnh. Mấy tháng nay, con Covid - Delta quái ác nhất quả đất, sau khi quần đảo nhiều vòng quanh thế giới đã ập đến Sài Gòn khiến cho thành phố bị trọng thương. Lúc này, người Sài Gòn – từ bác sĩ, quan chức – công chức về hưu, nhà báo đương nhiệm, sinh viên và rất nhiều người lao động ở mọi ngành nghề đã tập hợp thành những đội quân thiện nguyện đông đảo. Làm thiện nguyện trong lúc dịch giã này là dám đương đầu với kẻ thù giấu mặt, là xông thẳng vào chỗ chết… Cũng có những tình nguyện viên đã ngã xuống, lại có thêm những người mới thế chân để đi quyên góp, mang thức ăn và các đồ dùng thiết yếu cho các ngõ, hẻm có nhiều người lao động nghèo bị mất thu nhập, đến các khu cách ly, bệnh viện. Có những nhà báo xông xáo đi lo bình ô xy, máy thở giúp các bệnh viện, có những người lo chở các bệnh nhân F0 đến bệnh viện, những người khác giúp chôn cất người chết, mang tro cốt về cho gia đình họ...

Cả nước chi viện nhân sự chống dịch cho Sài Gòn - Ảnh thanhnien.vn
Cả nước chi viện nhân sự chống dịch cho Sài Gòn - Ảnh thanhnien.vn

Trong số hàng ngàn người đôn đáo đi làm thiện nguyện hiện nay không chỉ có người sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn mà có nhiều người mang nặng ân nghĩa với Sài Gòn. Họ đã đến và ở lại Sài Gòn. Sự tử tế, tình thương, sẵn sàng đùm bọc kẻ khó đã “ngấm” vào người họ từ lúc nào chẳng hay.

Hà Nội cũng cắt cử hàng ngàn thầy thuốc giỏi, lực lượng nòng cốt chống dịch của các bệnh viện lớn vào tiếp viện cho Sài Gòn. Trong số đó có cả những vị lãnh đạo các bệnh viện Trung ương như Việt Đức, Bạch Mai… Cùng với Hà Nội, các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Huế… cũng cử hàng ngàn y bác sĩ, sinh viên y khoa… vào Sài Gòn tham gia chống dịch. Đó là chưa kể đến đội ngũ các thầy thuốc quân y ở nhiều địa phương trong cả nước, các lực lượng khác của quân đội đã được điều động làm nhiệm vụ giúp dân trong những tình huống ngặt nghèo nhất.

Sài Gòn luôn vì cả nước. Giờ đây cả nước dồn sức cho Sài Gòn - với một tình yêu sâu nặng, lòng biết ơn và cả sự kính trọng vô vàn.

Dải đất hình chữ S này – từ Bắc đến Nam – chưa bao giờ con người lại yêu thương nhau đến xót xa như thế. Sài Gòn ân nghĩa, Sài Gòn phóng khoáng, Sài Gòn sẻ chia không toan tính… Nói một câu ngắn gọn, Sài Gòn chính là sự tử tế - đặc biệt là trong những lúc gian nguy nhất.

Xem thêm

Nhật ký chống dịch Covid-19: Người Việt thương nhau!

Nhật ký chống dịch Covid-19: Người Việt thương nhau!

Hàng nghìn phần quà gồm gạo, mỳ tôm, rau xanh, dầu ăn, khẩu trang…và những suất cơm đã được các tình nguyện viên của Công ty Mekong Nam Á và nhóm người Việt thương nhau gửi đến những khu phong toả, điểm cách ly và người dân lao động nghèo.
Nhật ký chống dịch Covid-19: Ôm chặt em nhé anh!

Nhật ký chống dịch Covid-19: Ôm chặt em nhé anh!

18h tối, mình chầm chậm đi qua những con đường sành điệu nhất của Sài Gòn, chờ bác sỹ Lanh trong đoàn 400 bác sỹ vào chia lửa với lực lượng y tế của TP. Đêm qua em và các bạn đáp Tân Sơn Nhất thì hôm nay đã quần quật với công việc ở BV dã chiến số 16.

Có thể bạn quan tâm

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Hồi trung tuần tháng 7, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp lại khoảnh khắc một nhóm tình nguyện viên mặc áo xanh trong trang phục bảo hộ kín mít, ngồi choàng vai nhau trên thùng chiếc xe bán tải, dưới cơn mưa tầm tã như trút nước.