Nhật ký chống dịch Covid-19: Nên chăng...?

Đợt bùng phát đại dịch Covid lần thứ 4 từ 27/4/2021 đã qua 121 ngày. Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền các tỉnh thành trực thuộc trung ương đã và đang triển khai, thay đổi nhiều phương án, cách thức để chỉ đạo người dân và các cấp các ngành thực hiện.
Nên chăng cần xem lại qui định bắt buộc về xét nghiệm nhanh âm tính với Covid đại trà
Nên chăng cần xem lại qui định bắt buộc về xét nghiệm nhanh âm tính với Covid đại trà

Hôm nay, không biết các báo cáo, các tổng kết và rút kinh nghiệm của Ban chỉ đạo phòng chống Covid đã nhận ra điều gì để có giải pháp cho những ngày tháng tới và tương lai.

Khách quan mà nói chúng ta đã có nhiều thành công bước đầu về khống chế đại dịch, mặc dù cũng nhiều sai lầm trong cách chỉ đạo của Bộ chủ quản và chính quyền địa phương dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho an sinh xã hội và phát triển kinh tế vĩ mô, vi mô.

Ngày mai, những ngày đầu của tháng 9 nghĩa là đã hết quí 3 của năm 2021. Không bàn về kinh tế sẽ đạt và phải đạt là bao nhiêu bởi mọi cố gắng, mọi công sức của người dân và doanh nghiệp đã được thể hiện qua thời gian dài gần 2 năm chống dịch và bảo vệ cuộc sống trong mức có thể.

Xét trên bình diện thế giới nói chung và một số nước có điều kiện về kinh tế, y tế hơn hẳn Việt Nam trong việc phòng chống Covid và điều kiện phát triển kinh tế để có góc nhìn chính xác và chuẩn mực, nhằm học hỏi và áp dụng tại Việt Nam giai đoạn mới.

1- Xác định sống chung với Covid là một phần trong cuộc sống của nhân dân để lấy lại bình tĩnh trong cộng đồng.

2- Xác định vacxin là tiên quyết để giảm thiểu tối đa tỷ lệ người tử vong cho những ca dương tính trong cộng đồng xã hội.

3- Không cần thiết áp dụng chỉ thị 16 và 16+ cho những người đã được tiêm ít nhất một mũi vacxin Covid tham gia giao thương nhằm duy trì cuộc sống tối thiểu trong cộng đồng dân sinh.

4- Lấy cơ sở cố định như trạm y tế của phường xã là trung tâm cấp cứu điều trị cho các ca F0 nhẹ với đầy đủ thiết bị máy móc chuyên biệt để giảm chi phí không cần thiết cho ngân sách nhà nước và nguồn tiền từ xã hội hoá.

5- Tập trung nguồn lực phục vụ công tác lo hậu sự cho người tử vong vì Covid một cách tốt nhất để an dân và phòng dịch tễ khác trong đó có rác thải y tế sẽ phát sinh gây ô nhiễm môi trường.

6- Xem lại qui định bắt buộc về xét nghiệm nhanh âm tính với Covid đại trà, nên huỷ bỏ bởi thực tế không thu được kết quả như mong muốn và tốn kém tiền của người dân nhiều hơn cả tiền mua Vacxin.

7- Cần nghiêm trị những tổ chức cá nhân đã và đang lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng chính sách của Bộ Y tế độc quyền về lĩnh vực xuất nhập khẩu thuốc, thiết bị y tế để thao túng, lũng đoạn chính sách, sân sau, sân trước hưởng lợi bất chính với lượng tiền thu vào khổng lồ.

8- Cấp phép cho những công ty đã nghiên cứu phát triển Vacxin trong nước đã qua Phase 2 và Phase 3 đi vào sản xuất để phục vụ cho người dân tiêm phòng. Mặc dù việc này liên quan đến các phản ứng phụ trên cơ thể người hoặc di chứng sau này nhưng nhà sản xuất đã thử nghiệm theo đúng qui trình của Việt Nam và thế giới yêu cầu.

9- Nhà sản xuất buộc phải mua bảo hiểm cao về chất lượng và độ an toàn cho sản phẩm của mình bởi nhà sản xuất bán ra và thu tiền từ nhà nước hoặc người tiêu dùng, đây là trách nhiệm bắt buộc phải thực hiện.

Trên đây chỉ là góc nhìn của cá nhân tôi bởi đã quan sát, nghiên cứu diễn biến của dịch bệnh gần 2 năm qua của các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, một cách nghiêm túc và trách nhiệm. Mong Việt Nam sớm vượt qua đại dịch để trở về cuộc sống bình thường mới, sống chung với Covid và chờ Vacxin đặc trị nếu có trong tương lai.

Chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc

Có thể bạn quan tâm