Nhật ký chống dịch Covid-19: “Anh cứ đi đi, ở nhà đã có em lo”

Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách. Tình hình dịch ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh miền Tây vẫn đang nóng bỏng. Hàng ngàn nhân viên y tế, cả quân sự lẫn dân sự đã lên đường chi viện cho miền Nam chống dịch.

“Anh đã có tên trong danh sách vào Nam chống dịch đợt này”. Tiếng chồng tôi vang lên trong điện thoại – đầy gấp gáp…

Vợ lính

Là một nhà báo, công việc hàng ngày của tôi là: ôm máy tính, theo dõi diễn biến dịch trong cả nước, điểm nóng nhất là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Hà Nội để kịp thời đưa tin, bài.

Gần 1.100 y bác sĩ, học viên Học viện Quân y tại lễ xuất quân lên đường vào TP HCM. Ảnh: Hiếu Duy/VnExpress
Gần 1.100 y bác sĩ, học viên Học viện Quân y tại lễ xuất quân lên đường vào TP HCM. Ảnh: Hiếu Duy/VnExpress

Là một người mẹ, tôi không tránh khỏi những lúc vừa gõ máy tính vừa sụt sùi nước mắt khi thấy những đứa trẻ bỗng chốc trở thành mồ côi vì bố chúng, mẹ chúng bị dịch covid cướp đi. Có biết bao hoàn cảnh thương tâm, cũng có bao nhiêu câu chuyện cảm động về tình người… thật không ngòi bút nào tả hết được. 

Là một người vợ có chồng là bác sĩ quân y, tôi vẫn biết ngày chồng tôi lên đường vào Nam làm nhiệm vụ chống dịch sẽ đến, nhưng hôm nay, sau cú phone gấp gáp của anh, tôi không tránh khỏi cảm giác lo lắng, bần thần. Mình sẽ xoay xở thế nào với 3 đứa con?

Rời máy tính để nấu bữa trưa cho bọn trẻ, câu hỏi đó cứ lởn vởn trong đầu tôi. Ông bà nội ngoại đều ở xa, tuổi đã cao. Dịch bệnh ập đến, mấy tháng ròng vợ chồng tôi không thể nào về thăm hay chăm sóc bố mẹ được. Thành phố tiếp tục giãn cách, trẻ em nghỉ học và việc “gỡ” 3 đứa con lít nhít liên tục 24/24 giờ - trong nhiều ngày - là thách thức không nhỏ với tôi. Lại còn công việc của một nhà báo nữa. Biết tính sao đây?

Chưa hết. Hàng loạt câu hỏi khác tiếp tục “chạy như phim” trong đầu. Đi vào tâm dịch, hàng ngày làm việc trong môi trường cực kỳ độc hại và đậm đặc virus, điều kiện làm việc thiếu thốn, vất vả, nóng nực bởi thời tiết và bộ đồ bảo hộ kín mít… anh sẽ ra sao? Con số nhân viên y tế trên thế giới bị covid đánh gục đã lên tới hàng chục ngàn. Ở Việt Nam cũng có vài y, bác sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chống dịch. Hàng trăm nhân viên y tế đã bị phơi nhiễm covid 19… Liệu có rủi ro nào đến với chồng tôi? Hà Nội vẫn còn một số khu vực bị buộc phải phong tỏa, giãn cách.

Con covid nhỏ bé vẫn lởn vởn khắp đâu đây. Nhỡ chẳng may tôi nhiễm bệnh, đơn giản nhất là phải đi cách ly mà chồng tôi vẫn ở miền Nam, các con tôi sẽ ra sao?...

Trong khi 3 đứa trẻ vô tư đuổi bắt nhau trong căn hộ thì tôi cứ bần thần với những câu hỏi chưa thể có lời giải đó.

Chiều tối, chồng tôi về. Trong bữa cơm, nước mắt lưng tròng, tôi nói với chồng: “Anh đi thì em biết làm thế nào”? Anh nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Em là nhà báo, em đã nắm rất rõ tình hình dịch covid trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay. Em là vợ lính, mà đã là vợ lính thì em biết rồi… Hãy sẵn sàng là hậu phương để chồng yên tâm ra tiền tuyến…”.

Tôi không cầm được nước mắt. Dịch bệnh hoành hành khắp nơi, cướp đi bao nhiêu sinh mạng hàng ngày, đẩy bao nhiêu gia đình ly tán, khổ đau, tan nát. Cuộc chiến sinh tử lần này khác với những cuộc chiến tranh đã qua vì kẻ thù giấu mặt mà sức tàn phá của nó thật khủng khiếp. Chồng tôi là bác sĩ quân y. Không còn cách nào khác là anh ấy phải lên đường. Hàng trăm ngàn bệnh nhân nhiễm covid đang cần những người như anh ấy.

Có ai ngờ được, giữa thời bình mà vợ chồng xa nhau trong hoàn cảnh không khác thời chiến thế này?!

Tự thấy mình yếu đuối, tôi cố gạt nước mắt để lấy lại bình tĩnh và tỏ ra can đảm hơn. Các bệnh viện phía Nam đang chờ anh ấy! 

Ai cũng sợ thì lấy ai đi chống dịch?

Cô bạn cùng tòa nhà nghe tin chồng tôi có tên trong danh sách đi chống dịch, nhắn hỏi thăm tình hình. Cô ấy bảo: “Chồng tôi cũng đang làm việc và cách ly với bệnh nhân trong Viện gần một tháng chưa được về. Có khả năng đợt này cũng vào Nam chống dịch”.

"Nếu ai cũng sợ thì ai sẽ đi chống dịch". Ảnh: Internet
"Nếu ai cũng sợ thì ai sẽ đi chống dịch". Ảnh: Internet

Chồng cô ấy là bác sĩ, cùng làm trong bệnh viện quân y với chồng tôi. Hai người đàn bà đều có chồng là quân nhân, ngày thường gặp nhau trong thang máy vẫn vui vẻ chào hỏi nhau, nay chung cảnh ngộ bỗng trở nên thân thiết hơn. Chúng tôi không ngại ngần chia sẻ những lo lắng, phiền muộn khi sắp tới chồng đi vào tâm dịch, để lại gánh nặng gia đình cho những người vợ với rất nhiều nỗi lo do đại dịch thế kỷ đem đến.

Một hôm khác, cô ấy lại nhắn: “Chồng tôi mới gọi về báo mai lên đường rồi bà ạ. Không biết có phải đang đùa tôi không vì ông ấy vẫn ở Viện cả tháng nay, đã được về nhà đâu?”. Tôi nói: “Đùa gì! Đang tổng động viên y, bác sĩ vào Nam chống dịch đấy. Cứ chuẩn bị tinh thần đón nhận đi. Ở nhà, vợ lính chúng mình sẽ lo cho nhau”. Cô bạn ráo hoảnh: “Bà yên tâm đi. Tôi hết khóc rồi. Bao người lên đường rồi nên mình cũng không thể nghĩ cho riêng mình được. Chỉ mong các lão ý bình an trở về”…

Đúng rồi. Hàng trăm ngàn bệnh nhân ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh miền Tây đang chờ họ. Họ “Nam tiến” sớm ngày nào thì sẽ có thêm những bệnh nhân được cứu sống ngày đó. Trong tình hình nước sôi lửa bỏng như thế này thì làm gì có lựa chọn nào khác. Bao nhiêu y, bác sĩ - cả dân sự và quân đội - đã lên đường. Bao nhiêu người vợ đã quệt nước mắt tiễn chồng đi chứ đâu riêng gì chúng tôi... Chỉ mong “các lão ấy” trở về bình an! Thế thôi.

Tôi có một cô em dâu bên nhà chồng cũng rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Con trai cô ấy đang gửi bà nội ở quê để cai sữa thì dịch bùng phát, rồi cách ly… Chồng cô là bác sĩ, đã theo đoàn bác sĩ ở Viện K Tân Triều vào miền Nam chống dịch từ những ngày trước. Chồng ở Sài Gòn, vợ ở Hà Nội, con nhỏ khát sữa ngày đêm quấy bà ở tận quê Nghệ An… Em tôi thắt ruột thương con và lo cho chồng. Nhận được những lời động viên từ mọi người, cô nói rằng, cô vẫn đang cố gắng từng ngày, để làm việc và chờ đợi. Khi dịch lắng, hết giãn cách, cô sẽ về đón con và thăm nom mẹ chồng.

Cũng phải nói thêm rằng, bệnh viện K Tân Triều ở Hà Nội đã từng bị phong toả vì có ca nhiễm Covid-19, chồng cô đã ở lại với các bệnh nhân và đồng nghiệp trong những ngày phong tỏa đó. Vừa mới về được ít ngày, anh lại tình nguyện vào Nam chống dịch. Cô vợ trẻ của anh phải nói rất can đảm để có thể chấp nhận những thử thách với một niềm tự hào không nhỏ.

Thế mới thấy, so với em, chúng tôi vẫn còn hạnh phúc chán vì còn có con bên cạnh, còn được chăm sóc, vui đùa cùng chúng, còn có thể động viên chồng bằng những lời có cánh: “Anh cứ đi đi, ở nhà đã có em lo”.

Tình hình dịch bệnh vẫn còn đang hết sức căng thẳng. Các nhân viên y tế quân – dân vẫn đang lần lượt được bổ sung vào miền Nam chống dịch. Một trận chiến khốc liệt đang diễn ra, đầy hiểm nguy và chứa đựng những hy sinh…

Nhưng, nếu ai cũng sợ thì ai sẽ đi chống dịch?!

Với những người vợ quân nhân như chúng tôi hay vợ bác sĩ dân sự như em tôi, câu hỏi đó đồng thời đã là câu trả lời.

Xem thêm

Nhật ký chống dịch Covid-19: Ôm chặt em nhé anh!

Nhật ký chống dịch Covid-19: Ôm chặt em nhé anh!

18h tối, mình chầm chậm đi qua những con đường sành điệu nhất của Sài Gòn, chờ bác sỹ Lanh trong đoàn 400 bác sỹ vào chia lửa với lực lượng y tế của TP. Đêm qua em và các bạn đáp Tân Sơn Nhất thì hôm nay đã quần quật với công việc ở BV dã chiến số 16.

Có thể bạn quan tâm

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Hồi trung tuần tháng 7, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp lại khoảnh khắc một nhóm tình nguyện viên mặc áo xanh trong trang phục bảo hộ kín mít, ngồi choàng vai nhau trên thùng chiếc xe bán tải, dưới cơn mưa tầm tã như trút nước.