Nhật ký chống dịch Covid-19: Nhật ký viết cho con

Ngày… Con yêu! Mẹ biết là, với con, đi máy bay hay tàu hỏa, xe hơi, hay xe đạp, xe gắn máy… chả quan trọng. Cứ trong vòng tay mẹ là con bình yên. Con chả cần lựa chọn!
Em bé mới 9 ngày tuổi vô tư ngủ ngon trên tay bố mẹ trong hành trình di chuyển xa hàng nghìn cây số. Ảnh: Internet
Em bé mới 9 ngày tuổi vô tư ngủ ngon trên tay bố mẹ trong hành trình di chuyển xa hàng nghìn cây số. Ảnh: Internet

Mẹ đang ôm con trên tay, bố thì cầm lái. Chẳng khác nào trò chơi cưỡi ngựa mà nhà mình hay diễn. Cùng “ngồi” với “con ngựa”/ xe máy nhà ta là bọc quần áo, chai nước, bình sữa… và cả bỉm trẻ con nữa. Nhiều bỉm và những chiếc áo quần xinh xinh như cho búp bê ấy. “Con ngựa” nhà mình chạy lẫn trong đoàn xe. Tất cả cùng thẳng tiến ra Bắc để về quê. Ông bà nội/ ngoại đang chờ con về để được ôm con đấy. Con biết không?

Đường về quê ngàn dặm. Khi đi thì gần. Khi về thì xa xôi cách trở… Nhưng không sao con nhỉ. Đường xa có bạn hóa gần. Chưa bao giờ con đường huyết mạch của cả nước lại chứng kiến những đoàn xe máy, xe ô tô rầm rập chạy cả ngày lẫn đêm, từ Nam ra Bắc như thế. Xe nào cũng chở đôi ba người và đầy đồ đạc, cả can xăng để cho “ngựa” uống dọc đường nữa. Có nhà tới bốn người cùng nhau chơi trò “cưỡi ngựa”. Những bọc đồ được buộc chặt cả phía trước và đuôi xe. “Chị bé, anh bé” ngồi kẹp giữa bố mẹ, ngủ ngon lành, bình yên như “chú ngựa” đang dạo bước trên thảo nguyên. Đặc biệt, có em bé mới 9 ngày tuổi được mẹ ôm lên xe, bố thì cầm lái, cũng vượt cả ngàn cây số khiến mọi người lo đến thắt ruột. Em bé thì cứ hồn nhiên ngủ ngoan. Trẻ con mà. Ở đâu có bố có mẹ thì ở đó là cả thế giới.

“Anh lớn, anh bé” rồi cả em út cùng bố mẹ về quê trên một chiếc xe máy. Ảnh: Báo Thanh niên
“Anh lớn, anh bé” rồi cả em út cùng bố mẹ về quê trên một chiếc xe máy. Ảnh: Báo Thanh niên

Đoàn xe có ô tô của các chú cảnh sát giao thông đi trước, như đang dẫn đoàn ngoại giao vừa xuống máy bay tiến về thành phố. Con thấy oách không? Các chú cảnh sát giao thông hôm nay rất hiền. Chú nào chú nấy đẫm mồ hôi hòa vào cả nước mắt nữa. Chắc các chú chả bao giờ nghĩ được rằng, có một ngày trong sự nghiệp của mình lại làm nhiệm vụ dẫn đoàn xe máy dài dằng dặc, chật ních người và đồ đạc, đi xuyên ngày xuyên đêm, từ Nam tiến về Bắc như thế!

Một điều nữa đáng kinh ngạc, con yêu ạ. Dọc đường đi, cách một chặng lại có những người vẫy tay gọi vào ven đường nghỉ tạm. Họ xếp đầy nước, thực phẩm, cả xăng nữa. Muốn mua họ cũng không lấy tiền. Họ vừa khóc vừa bảo mọi người cần bao nhiêu cứ lấy. Tấm lòng của đồng bào địa phương đấy. Con có thấy lạ không? Mọi thứ đều miễn phí nhé. Thấy con bé bỏng nhất, các cô các bác còn cho thêm tiền. Ở địa phận Đà Nẵng, trước khi “đoàn ngựa nhà mình” trèo lên đèo Hải Vân, có một chú giọng “mặn mòi biển cả” cứ ơi ới - như muốn át cả tiếng gió: “Bà con ơi. Anh ơi. Chị ơi. Lấy đi. Bánh này, sữa này, nước này… Lấy nữa đi. Miễn phí bà con nhé. Xăng à? Chai đâu rồi? Chai đây, đổ đầy xăng mà đi. Miễn phí hết nhé….”.

Ở một chặng khác có một bác gái cầm tập tiền 500 ngàn đồng, ai đi qua cũng dúi vào tay họ. Một người khác thì cho tiền vào phong bì, xếp vào hộp các tông, trên ghi dòng chữ: “Mỗi người đi xe máy về quê vui lòng nhận một phong bì 500 ngàn đồng”. Mẹ đồ rằng, chẳng ai không cơ hàn mà lại đi cầm chiếc phong bì đó. Chiếc phong bì này nặng hơn mọi lời dạy dỗ về đạo đức “thật thà” con ạ.

Đường xa vạn dặm có hề gì vì em đã có vòng tay ấm áp của mẹ. Ảnh: Báo Thanh niên
Đường xa vạn dặm có hề gì vì em đã có vòng tay ấm áp của mẹ. Ảnh: Báo Thanh niên

Con có biết không? Ở Sài Gòn ấy, cũng nhiều chuyện lạ lắm. Mẹ chưa được đi khắp thế giới nên không biết có nơi nào có nhiều chuyện lạ như ở Việt Nam, ở Sài Gòn hay không?! Lúc dịch bùng phát mạnh quá, nhiều người kiếm ăn trên hè phố, lo từng bữa một bỗng dưng đứt phựt – hết cách kiếm ăn. Đang ngơ ngác hốt hoảng thì bỗng đâu xuất hiện rất nhiều bếp ăn miễn phí. Đến bữa, ở các địa điểm cung cấp cơm miễn phí trong thành phố, người ta rủ nhau tới, nhận phần cơm còn nóng hổi… Nhiều nhà hàng Việt trong dịch vẫn đỏ lửa để nấu cơm tặng người sa cơ lỡ bước. Có restaurant của bác Tây ở Sài Gòn “không chịu đóng cửa theo lệnh của thành phố” cứ nấu cơm cho các khu cách ly, bệnh viện…

Khi thành phố ban lệnh giãn cách 16, người ta không đến tụ điểm phát cơm được thì lại có người (đủ điều kiện tham gia thiện nguyện) đi xe máy phát cơm đến từng người trên phố, lại còn dặn với “Bác/anh/chị ăn ngay cho nóng nhé”. Sau này con lớn, con sẽ được xem lại những tư liệu về đại dịch covid 19 ở Việt Nam, con sẽ thấy ở Sài Gòn không chỉ có những bếp ăn miễn phí đâu, còn có hàng trăm, hàng ngàn những đội thiện nguyện được hình thành tại các khu chung cư, ngõ xóm… với tốc độ nhanh “như tên lửa”.

Bác sĩ về hưu, kỹ sư, nhà báo, cựu chiến binh, người lao động phổ thông, sinh viên… cứ có điều kiện là sẵn sàng “chia lửa” với các thầy thuốc và lực lượng chuyên trách chống dịch. Họ vào bệnh viện, khu cách ly, tham gia vận chuyển cả người bị dương tính, đi chợ hộ khu dân cư, tặng hàng xóm test thử covid nhanh, chia nhau mớ rau, con cá… Họ chả sợ gì con covid. Tất nhiên là họ đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine, có đồ bảo hộ, che đậy dàng hoàng nhưng dẫu sao cũng không tránh được những rủi ro tuyệt đối đâu con. Có một chị sinh viên tình nguyện chuyển đồ vào các khu cách ly đã bị con covid đánh gục. Thế là chị ấy mãi mãi ở 20 tuổi con ạ. Những cái chết cao cả, bình thản và đầy thương xót. Hôm nay cả nước ghi nhận. Ngày mai người ta chắc chắn không quên.

Bữa trưa của một em bé và bố ngay bên vệ đường giữa cái nắng oi bức trên hành trình thiên lý. Ảnh: Báo Thanh niên
Bữa trưa của một em bé và bố ngay bên vệ đường giữa cái nắng oi bức trên hành trình thiên lý. Ảnh: Báo Thanh niên

Con đừng có lo. Dù có những hy sinh mất mát, các thầy thuốc, lực lượng cảnh sát, dân phòng, các đội tình nguyện viên vẫn ngày ngày bám trụ. Số người nhiễm covid còn tăng, con số tử vong vẫn ghi thêm vào cột mốc… thì các bác, các cô, các chú vẫn còn chiến đấu. Người trong nước lo cho nhau. Người Việt ở Mỹ, ở Canada… cũng sốt sắng gửi tiền về cho người thân, cho cộng đồng. Ai mà có thể dửng dưng được trước những gì đang diễn ra ở Sài Gòn. Làm sao khi thấy “lá lành thương yêu đùm lá rách, lá rách ít gắng đùm lá rách nhiều” mà lại không động lòng?!

Mẹ hình dung thế này: Đồng tiền biết thương người như chủ của nó. Nó như cái khăn mùi xoa ấy, biết lau nước mắt, an ủi người bỗng dưng gặp bước sa cơ lỡ vận… Nghĩ đến đây mẹ bỗng bật cười, rồi lại lau nước mắt. Đại dịch ào tới, nhà máy đóng cửa, bố mẹ mất thu nhập, chỉ cầm cự được một thời gian thì… như tất cả mọi người trong đoàn, bố mẹ chọn cách đưa con về với ông bà. Quê hương nơi bố/mẹ sinh ra dẫu có khô cằn sỏi đá, gió Lào bỏng rát cũng vẫn là nơi trú ngụ tuyệt vời. Củ khoai củ sắn từng nuôi bố mẹ khôn lớn thì cũng sẽ tạo ra dòng sữa mát để nuôi con…

Những em nhỏ cùng gia đình ăn cơm ngay bên đường. Ảnh: Báo Thanh niên
Những em nhỏ cùng gia đình ăn cơm ngay bên đường. Ảnh: Báo Thanh niên

Trên trời có những chuyến máy bay của các địa phương vào Sài Gòn chở người dân của họ về - miễn phí. Có nơi thuê tàu hỏa đón dân – kinh phí do tỉnh/huyện lo. Dọc đường đi mẹ con mình cũng bắt gặp hàng đoàn xe của các nhà xe, tình nguyện chở người dân từ Sài Gòn về quê. Thế mà bố mẹ chọn cách đưa con về quê bằng xe máy, như chúng mình chơi trò cưỡi ngựa con nhỉ?! Tại bố mẹ như mọi người trong đoàn không muốn đợi thêm thời gian, thêm vất vả khó nhọc và cũng vì nhiều người còn bị kẹt lại ở Sài Gòn, Bình Dương lắm. Trên đường thiên lý, bố mẹ và con cũng đâu có đơn độc. Máy bay bay trên trời, đoàn ô tô uốn lượn, đoàn xe máy cũng uốn lượn… rất giống với trò chơi đoàn tàu qua sườn núi. Nó cũng giống với ngày cả nước cùng “lên đường” ra mặt trận năm xưa. Chỉ có khác là, ở cuộc chiến này - đâu cũng là hậu phương, đâu cũng như mặt trận.

Con covid 19 đã làm điên đảo thế giới, khiến chúng ta không thể nào yên. Trong suốt khoảng thời gian nó hoành hoành khắp thế giới thì Việt Nam được coi là điểm đến an toàn. Phần vì toàn dân chống nó “như chống giặc”, vì điều kiện thiên nhiên, khí hậu thuận lợi, vì hệ miễn dịch tuyệt vời của người Việt với chủng virus covid những đợt đầu… Những yếu tố đó đã cộng hưởng, giúp chúng ta chiến thắng dịch bệnh.

Đoàn người từ các tỉnh phía Nam về quê được các chú cảnh sát giao thông dẫn đường. Ảnh: VnExpress
Đoàn người từ các tỉnh phía Nam về quê được các chú cảnh sát giao thông dẫn đường. Ảnh: VnExpress

Mấy tháng gần đây, con virus quái ác đã quay trở lại và nguy hại hơn xưa gấp triệu triệu lần. Nó đã biến đổi sang một biến thể khác, tên gọi của nó là Delta. Covid 19, thể Delta – con nhớ lấy. Nó đã quay trở lại Mỹ, Canada, châu Âu, cả “quê hương” của nó là Trung Quốc nữa. Nó đang hoành khắp địa cầu… Tại Ấn Độ, Indonexia, Myanma… nó đã và đang gây ra những thảm kịch. Nhiều năm sau, khi con đọc lại lịch sử của trận đại dịch này, con sẽ biết đến nó - kẻ vô hình mang lại sự chết chóc, sụp đổ và bất hạnh đến tận cùng cho loài người. Con sẽ thấy trân quý những gì mà “những người lớn chúng ta” đã chống lại nó thế nào nhé.

Con cứ ngắm cánh đồng, cây cối, đồi núi, biển sóng mênh mang đi. Nước mình đẹp lắm. Khi nào thấy mỏi mắt, con cứ việc ngủ yên. Đã có mẹ ôm con, có bố cầm lái… Chúng mình tiếp tục trò “cưỡi ngựa” về quê nhé. Lúc nào dừng lại nghỉ, các bác cho quà, con hãy mỉm cười với các bác để cảm ơn. Nụ cười của con sẽ làm nhiều người ấm lòng lắm đó.

Với những người làm cha làm mẹ, các con là cả thế giới đấy. Có hiểu được điều đó không, con yêu?

Xem thêm

Nhật ký chống dịch Covid-19: Trăm tấn rau – Triệu tấm lòng

Nhật ký chống dịch Covid-19: Trăm tấn rau – Triệu tấm lòng

Đã hơn 20 ngày qua, chương trình “Rau xanh chia sẻ cùng Sài Gòn chống dịch” đã cung cấp hơn 200 tấn rau, củ, quả 0 đồng đến các bếp từ thiện, khu cách ly, khu lao động nghèo và để có được kết quả này là sự chung sức của ngàn tấm lòng thiện nguyện.
Nhật ký chống dịch Covid-19: Tấm lòng ấm giữa những ngày giãn cách

Nhật ký chống dịch Covid-19: Tấm lòng ấm giữa những ngày giãn cách

Cuộc trò chuyện qua điện thoại của tôi với trung tá Nguyễn Thị Thu - Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk luôn bị ngắt quãng bởi rất nhiều cuộc gọi của các mạnh thường quân, đồng đội... liên hệ đến để cùng với Hội hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch.

Có thể bạn quan tâm

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Hồi trung tuần tháng 7, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp lại khoảnh khắc một nhóm tình nguyện viên mặc áo xanh trong trang phục bảo hộ kín mít, ngồi choàng vai nhau trên thùng chiếc xe bán tải, dưới cơn mưa tầm tã như trút nước.