Nhật ký chống dịch Covid-19: Thiện nguyện muốn hiệu quả phải an toàn, sáng tạo và linh hoạt

Thiện nguyện là cách thể hiện tinh thần tương thân tương ái giữa người với người. Nhưng hiện nay, các hoạt động thiện nguyện đang gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là giữa thời kỳ dịch bệnh, việc tham gia các hoạt động cộng đồng khiến nhiều người e dè...
Nhật ký chống dịch Covid-19: Thiện nguyện muốn hiệu quả phải an toàn, sáng tạo và linh hoạt

Để hoạt động thiện nguyện hỗ trợ bà con khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh hiệu quả và nhận được sự đồng thuận của mọi người, cần phải đảm bảo tính an toàn, sáng tạo và linh hoạt. Đó chia sẻ của Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Kinh Doanh Bếp và Gia dụng Việt Nam Vũ Văn Hải.

Theo ông Hải, làm thiện nguyện cũng phải vượt qua chính mình. Đơn cử, khi triển khai, các nhóm hoạt động thiện nguyện phải tính toán sao cho an toàn. “Ví dụ, mua bán thì phải có khoảng cách. Chúng tôi hẹn địa điểm giao hàng. Họ chuyển hàng đến địa điểm đã hẹn, sau đó chúng tôi đến nhận. Thanh toán tiền qua tài khoản. Trong lúc chưa đủ vaccine cho mọi người tham gia hoạt động thiện nguyện, chúng tôi cố gắng khắc phục bằng khẩu trang, khử khuẩn, đồ bảo hộ, tấm chắn bọt, nước súc họng… Khi bán lại cho người dân ở Hà Nội, chúng tôi bố trí quầy riêng. Có những đợt chúng tôi không quy định người mua trả bao nhiêu tiền mà họ tuỳ tâm, thiếu bao nhiêu thì Hội bù. Chúng tôi có quỹ Hội riêng, từ tài trợ của các hãng”, ông Hải chia sẻ.

Vì thành viên của Hội Doanh nghiệp Kinh doanh Bếp và Gia dụng Việt Nam đều là doanh nhân nên có mối quan hệ rộng rãi và cũng “có nghề” hơn so với các tổ chức hoạt động thiện nguyện tự phát về cách tổ chức, phân công và tiến hành công việc. “Đơn cử, vào thời điểm lần đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách để phòng chống dịch, khẩu trang là mặt hàng thiết yếu, thị trường khan hiếm, giá tăng vọt. Công ty Đức Chính của tôi được bạn hàng hỗ trợ khá nhiều khẩu trang, nước sát khuẩn. Đây là chính sách bình thường của nhiều công ty dành cho các đối tác. Chưa kể, chúng tôi có nhiều mối quan hệ, có các bạn hàng tin cậy, rất trọng uy tín. Ngay khi thị trường khan hiếm khẩu trang, giá khẩu trang tăng phi mã, họ vẫn sẵn sàng cung cấp với giá cả bình thường, thậm chí còn ủng hộ, lấy giá thấp hơn nếu chúng tôi tổ chức các hoạt động thiện nguyện”, ông Hải chia sẻ thêm.

Ông Hải cũng cho biết, để việc phát hàng viện trợ đạt hiệu quả cao nhất, các hội viên đã sử dụng lợi thế - chính là những điểm bán hàng đẹp nhất Hà Nội để đặt điểm bán hàng giải cứu nông sản, tặng quà hỗ trợ nên mọi người đi qua đấy đều dễ lấy được. “Cách làm cũng phải rất sáng tạo. Thật hay là các thành viên trong hội, có người tổ chức phát trực tiếp, có người để tại chỗ cùng tấm biển: Ai khó khăn thì nhận 1 phần, ai không khó khăn thì nhường cho người khác… Sau đợt này, chúng tôi đã tiêu thụ một khối lượng nông sản lớn, thu về khoảng 500 triệu đồng giúp các hộ nông dân ở Hải Dương, Bắc Giang trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất tại các địa phương này”, ông Hải hồ hởi nói.

Nói thêm về lý do vẫn tiếp tục các hoạt động thiện nguyện giữa lúc hình thức này đang gây nhiều tranh cãi, ông Hải cho rằng, để minh bạch và tạo lòng tin với các thành viên trong hội cũng như các mạnh thường quân không phải là hội viện, mọi hoạt động đều cần ghi chú lại rõ ràng. Đơn cử, sau mỗi lần tổ chức, mọi thành viên đều phải làm tổng kết, quay video, ghi hình, ai mua cái gì, trao cho ai đều có giấy tờ cụ thể, sau đó đăng công khai trong nhóm chung để cùng kiểm soát.

“Với tôi, nếu luôn minh bạch thì sẽ không ngại thị phi. Chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ đồng bào khó khăn, nhân rộng các hoạt động mang tính nhân văn trong Hội nhưng cũng thường “phân vai” rất rõ. Ví dụ, đợt đi Quảng Bình, Quảng Trị, chúng tôi phối hợp với Hội Nghệ sĩ trẻ Hà Nội và Cung Thiếu nhi triển khai. Hội chuẩn bị hàng nghìn con gà giống, đã tiêm vaccine đầy đủ, phân phát cho một xã ở Quảng Trị, 1 xã ở Quảng Bình. Cung Thiếu nhi vận động dụng cụ học tập cho các cháu như trống đội, sách vở, dụng cụ thể dục thể thao. Hội Nghệ sĩ trẻ vừa tham gia đóng góp, vừa tổ chức quay phim, chụp hình, tham gia biểu diễn, cung cấp tư liệu, chứng minh cho những người đóng góp tài chính một cách rõ ràng”, ông Hải nói.

Thậm chí, nhờ mạng lưới hội viên có mặt ở khắp cả nước nên khi xảy ra thiên tai, dịch hoạ ở tỉnh nào, các hội viên ở đấy có thể đi “khảo sát trực tiếp. Điều này giúp đánh giá cụ thể xã nào, thôn nào đó thực sự khó khăn, cần được hỗ trợ. Nơi nào khó khăn nhưng có nhiều các tổ chức đã đến rồi thì chúng tôi sẽ đến với địa phương khác. Ngoài ra, hoàn toàn có thể kết hợp với chính quyền địa phương, MTTQ ở địa phương để các hoạt động ấy trở nên công khai hơn. “Có chứng từ, ghi chép, quay phim, chụp ảnh lại, không phải để quảng bá mà là để mọi người trong nhóm đều có điều kiện kiểm tra lại”, ông Hải nhấn mạnh.

Hoạt động thiện nguyện, ngoài ý nghĩ tốt đẹp với cộng đồng và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, còn là cách để tâm hồn mỗi người hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ và lan toả nhiều điều tốt đẹp đến cộng đồng. Đó chính là lý do – mà một lần nữa – được ông Hải khẳng định, khi thấy mình may mắn thì hãy biết chia sẻ với người khác bằng cách làm ý nghĩa nhất, chân thực nhất: tự tay mang may mắn ấy trao cho người khác.

Có thể bạn quan tâm

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Hồi trung tuần tháng 7, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp lại khoảnh khắc một nhóm tình nguyện viên mặc áo xanh trong trang phục bảo hộ kín mít, ngồi choàng vai nhau trên thùng chiếc xe bán tải, dưới cơn mưa tầm tã như trút nước.