Nhật ký chống dịch Covid-19: Tiền Giang, nhọc nhằn chống dịch mùa nước nổi

Khoảng 1 tuần trở lại đây, việc cứu chữa các bệnh nhân nặng ở TP. Hồ Chí Minh bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tỷ lệ tử vọng giảm xuống, lượng bình oxy loại 40L đã được thành phố tăng cường hơn cho các bệnh viện, các bồn oxy lỏng cũng đã nhanh chóng được quân đội lắp đặt, nhóm “Trao oxy - Trao Sự sống” bắt đầu hành quân về các tỉnh lân cận.

Chào Tiền Giang nhé, bệnh nhân cần oxy, đã có chúng mình
Chào Tiền Giang nhé, bệnh nhân cần oxy, đã có chúng mình

Mình nhận được cuộc gọi từ trưởng trạm y tế Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, anh nói tuyến y tế xã, huyện thiếu thốn và cần lắm những bình oxy quý giá. Ngay sau đó thì bác sĩ Trạng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Trung tâm Tiền Giang cũng bày tỏ mong muốn được hỗ trợ bình oxy loại 40L và đồng hồ. Đây là bệnh viện điều trị bệnh nhân F0 nhiều nhất và bao gồm cả một trung tâm hồi sức cấp cứu cho những bệnh nhân nặng nhất ở Tiền Giang.

Trao oxy nghĩa là trao sự sống, vậy nên chẳng quản ngại đường xá xa xôi, về cả tuyến xã, nhóm tình nguyện viên của chúng mình lại lên đường.

Xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh, bốc xếp hàng từ sáng sớm, đi qua nhiều chốt chạm liên tỉnh, nhưng thật tuyệt vời khi biết chúng mình đi trao oxy, các tổ CSGT, quân đội và y tế lưu động đều tạo điều kiện hết sức. Tiền Giang đã bắt đầu vào mùa nước nổi. Một cảm giác xót xa muốn khóc khi TP. Mỹ Tho với những khu du lịch nổi tiếng như cù lao Rồng, cù lao Thái Sơn, cù lao Tân Quy và Cồn Phụng nằm tĩnh lặng, xơ xác trong bao bọc biển nước mênh mông của sông Tiền. Trên những con đường rợp bóng cây xanh của TP. Mỹ Tho, không còn đâu những nón trắng duyên dáng của các cô gái, chỉ có những chuyến xe của lực lượng chống dịch chạy mải miết.

Qua chốt, test nhanh 100% âm tính, test kháng thể đều đạt mức, yên tâm rồi nhưng ...lo ướt bình vì trời sắp mưa to
Qua chốt, test nhanh 100% âm tính, test kháng thể đều đạt mức, yên tâm rồi nhưng ...lo ướt bình vì trời sắp mưa to

Mùa nước nổi về với Tiền Giang bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11. Nước lũ từ thượng nguồn MeKong ồ ạt đổ về mang theo bao nhiêu phù sa, tôm cá. Miền Tây mùa nước nổi chẳng giống mùa mưa lũ ở miền quê khác. Không ồ ạt, hung tợn như những cơn lũ quét vùng cao phía Bắc hay làm ngập úng hư hại hết mùa màng ở miền Trung, nước cứ từ từ dâng lên, tạo nên một bức tranh quyến rũ khác lạ so với mùa khô. Đây cũng là thời điểm lý tưởng nhất để người dân miền Tây làm giàu bằng việc đánh bắt, nuôi trồng hải sản và thâm canh tăng vụ.

Vậy mà dịch bệnh đã và đang làm mất đi cơ hội tăng thu nhập, gia tăng kinh tế của người dân Tiền Giang khi chỉ ba tháng qua mà số bệnh nhân mắc Covid 19 đã lên tới gần 12 nghìn người. Trong đó, nặng nề nhất là TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Cái Bè…

Với một hệ thống y tế còn thiếu thốn trang thiết bị và nhân lực mỏng của một tỉnh như Tiền Giang thì việc chăm sóc chữa trị cho gần 12 nghìn ca F0 quả là một gánh nặng.

Tạm yên tâm khi nghe Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, sau khi thực hiện đồng bộ các giải pháp đồng bộ, thì tình hình ca mắc Covid-19 của Tiền Giang đã chững lại, tỷ lệ bệnh nhân tử vong cũng đã giảm đáng kể. Nhiều huyện trong nhiều ngày không có ca F0 mắc mới như huyện Gò Công Tây, Tân Phú Đông, Tân Phước, Cai Lậy… Tỷ lệ tử vong giảm so với thời gian trước, bình quân 6 ngày qua là 2,35% (tỷ lệ tử vong cả nước hiện nay là 2,5%). Dẫu vậy thì tỉnh vẫn còn nhọc nhằn trong công cuộc chống dịch nhất là thiếu thốn trang thiết bị y tế.

Chúng mình là tình nguyện viên, chúng mình không biết hết mặt nhau, nhưng 3 tháng qua đã cùng nhau thắp ngọn lửa yêu thương giúp đỡ các bệnh nhân và lực lượng y bác sỹ tuyến đầu.
Chúng mình là tình nguyện viên, chúng mình không biết hết mặt nhau, nhưng 3 tháng qua đã cùng nhau thắp ngọn lửa yêu thương giúp đỡ các bệnh nhân và lực lượng y bác sỹ tuyến đầu.

Tại xã huyện Chợ Gạo, chúng tôi không khỏi thán phục khi cả Trung tâm Y tế huyện có vài chục nhân sự, nguồn lực thiếu nhưng phải lo chăm sóc, test, tiêm phòng, điều trị và chỉ đạo mạng lưới các xã để chăm sóc cho người dân toàn huyện. Trung tâm có bố trí phòng khám bệnh; có buồng theo dõi đối tượng nghi ngờ; chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, giường bệnh; khu thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Đồng thời, cả huyện có nhiều Đội phản ứng nhanh, Đội chống dịch lưu động luôn trong tình trạng sẵn sàng. Khi nhận được bình oxy của nhóm trao tặng, y bác sỹ ở xã Bình Phục Nhứt và huyện Chợ Gạo mừng lắm. Vậy là từ giờ, bệnh nhân nặng đã có thêm bình oxy để thở, yên tâm điều trị.

Chạy dọc suốt con đường quanh co về Chợ Gạo, những vườn thanh long đặc sản ngút tầm mắt, nhưng thật xót xa khi dịch bệnh đã đẩy người nông dân bên bờ vực khó khăn khi giá thanh long tại vườn chỉ con 3-5 nghìn đồng/kg cho loại 1. Cầm trên tay những trái thanh long đỏ ngon ngọt, tươi rói mà giám đốc Trung tâm y tế Bình Phục Nhứt trao tặng cho anh em tình nguyện viên, chúng mình chỉ mong sao cho những miền quê này nhanh hết dịch bệnh, để bà con ổn địch sản xuất.

Trong lúc chờ xếp bình oxy tặng bệnh viện đa khoa Tiền Giang, mình đã chứng kiến những giọt nước mắt của chị Vân, một nông dân khắc khổ quê Cái Bè. Chồng chị là F0 bị trở nặng phải điều trị thở ở đây, còn chị đã được xuất viện nhưng xin ở lại làm tình nguyện viên, nhà có tới 5 đứa con còn nhỏ.

Không quản ngại đường xá vất vả các tình nguyện viên về tới xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo
Không quản ngại đường xá vất vả các tình nguyện viên về tới xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo

Chị bảo mùa nước lũ là mùa mưu sinh của người dân nghèo như anh chị, nên năm nay đã mạnh dạn vay ngân hàng mua chiếc xuồng trọng tải 40 giạ. Khi "con nước nhảy lên bờ" là anh chị sẽ dùng xuồng chở đất thuê hoặc ra đồng vớt ốc bươu vàng bán cho người nuôi lươn, cá. Mỗi ngày thu tính về từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Vậy mà giờ chồng chị không biết có qua khỏi, tiền vay ngân hàng chồng chất, giờ lo bữa no bữa đối, con cái chắc gì đã được đến trường.

Mình dúi tạm cho chị một chút tiền nhỏ mà chị nhất định không cầm, chị bảo các cô chú tặng bình oxy là cứu biết bao người, trong đó có chồng chị. Chị bảo còn người là còn của, dẫu có ăn cơm với muối chị cũng vui lòng miễn là chồng vượt qua lưỡi hái của tử thần, về với sáu mẹ con chị.

Tiền Giang không chỉ là một trong những vựa cây trái lớn nhất của miền Tây, Tiền Giang còn là địa điểm du lịch để bạn có thể trải nghiệm, tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên và thăm thú nhiều di tích lịch sử, nơi có nhiều phong cảnh hữu tình. Chợ nổi Cái Bè quê chị Vân là một điểm du lịch như vậy.

Nhưng giờ đây, chợ nổi Cái Bè không còn cảnh nhộn nhịp như một phố nhỏ trên sông, không còn những chiếc xuồng bán hàng rong như phở, hủ tiếu, bún, các loại tạp hóa… chạy luồn lách theo các mạn ghe, tàu. Cả TP. Mỹ Tho cũng chìm trong tĩnh lặng.

Dọc đường, cả nhóm chúng mình chỉ có thể mơ tưởng tới ngày hết dịch, lại có thể được ngồi thuyền lênh đênh, thưởng thức tô hủ tiếu hay ly cà phê thơm phức vào buổi sáng ở Cù lao Thới Sơn để rồi băng qua những vườn cây trái xum xuê và ngồi nghỉ trong những nhà vườn uống trà mật ong và nghe đờn ca tài tử.

Những giây phút cảm động khi nhóm trao bình oxy và đồng hồ quý giá cho y bác sỹ Bệnh viện Đa Khoa Trung tâm Tiền Giang
Những giây phút cảm động khi nhóm trao bình oxy và đồng hồ quý giá cho y bác sỹ Bệnh viện Đa Khoa Trung tâm Tiền Giang

Máy bộ đàm trung tâm của mình liên tục vang lên, những giọng nói của các tình nguyện viên như doanh nhân Thắng đẹp trai, hào sảng, doanh nhân Trần Quốc Toản yêu quay phim chụp hình, Thái Thanh nhỏ nhắn mà xông pha, nhiệt huyết....nghe thật thiết tha “Tiền Giang ơi, mau mạnh khỏe nhé”.

Hành trình “Trao oxy- Trao Sự sống” sẽ còn đi qua nhiều tỉnh nhưng mong sao đi để sớm được trở về trong ngày vui chiến thắng.

Chúng mình lại về thăm những miệt vườn xanh mướt, xum xuê cây trái và nhất định không thể bỏ hủ tiếu tôm mực Mỹ Tho, lẩu mắm cá linh với những loại rau mọc theo con nước như bông điên điển, rau kèo nèo, bông súng, rau dừa, ngò om. Bây giờ, chỉ có cơm nắm và lương khô thôi, đi chống dịch mà, khỏe là vui rồi!

Chia sẻ của Nhà báo Hoàng Anh

Có thể bạn quan tâm