Nhiều “điểm lạ” đáng ngờ trong vụ tài khoản VPbank "bốc hơi" 26 tỷ đồng

Bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Quang Huân đã gửi đơn tố cáo lên công an vụ giả mạo chữ ký, mua séc rút trộm 26 tỷ đồng trên tài khoản công ty mở tại VPbank. VPbank xác nhận: số tiền thiệt hạ
Nhiều “điểm lạ” đáng ngờ trong vụ tài khoản VPbank "bốc hơi" 26 tỷ đồng

Nghi vấn giả mạo chữ ký, rút trộm 26 tỷ đồng

Theo phản ánh của Báo Sài Gòn Giải Phóng, tháng 7/2015, bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (trụ sở ở huyện Củ Chi, TP.HCM) hoảng hốt khi tài khoản doanh nghiệp mở tại ngân hàng VPBank gần như “trống rỗng”. Bà Xuân ước tính khách hàng đã chuyển tiền mua nông sản vào tài khoản này khoảng 26 tỷ đồng. Khi VPBank cung cấp sao kê các giao dịch, bà Xuân càng tá hoả khi tiền của công ty mình đã được “rút, chuyển” bằng nhiều lệnh chi thông qua chi séc dù bà chưa hề mua séc lần nào.

Bản sao kê của VPbank cho thấy, bà Đoàn Thị Thúy Hằng, nhân viên VPbank là người mua séc của công ty Quang Huân, người rút tiền séc là chồng bà Hằng có tên Nguyễn Huy Nhựt cùng hai cá nhân là Đỗ Đình Bảo, Phạm Văn Trinh.

Tiền của công ty Quang Huân đã được rút và chuyển vào tài khoản công ty Thanh Tâm do vợ Phạm Văn Trinh đứng tên. Bà Xuân khẳng định chữ ký trên tờ séc rút tiền không phải của bà, không đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký với VPbank mà các giao dịch rút tiền vẫn thực hiện thành công. Hơn nữa, bà Xuân không nhận được tin nhắn của ngân hàng tới điện thoại thông báo về các giao dịch rút số tiền hàng chục tỷ đồng.

Ngay lập tức, bà Xuân đã khiếu nại tới ngân hàng, yêu cầu cung cấp hồ sơ gốc liên quan tới hàng loạt giao dịch rút-chuyển tiền của công ty Quang Huân, dữ liệu ghi hình giao dịch... Song VPbank đã từ chối với lý do “bảo mật thông tin”. Ngân hàng cũng không thể triệu hồi nhân viên tên Hằng về làm việc do đã nghỉ việc. Suốt từ tháng 7/2015 đến nay, hơn một năm trôi qua, vụ khiếu nại tài khoản “bốc hơi” 26 tỷ đồng này vẫn chưa được giải quyết. Bà Xuân đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an để vào cuộc điều tra làm rõ vì bà nghi vấn có sự câu kết giữa nhân viên VPBank và các cá nhân nêu trên, nhằm rút tiền của công ty.

Thế nhưng, suốt thời gian qua vụ việc này vẫn chưa được xử lý! Chiều 24/8, VPBank đã gửi công văn tới các cơ quan báo chí thông tin về vụ khiếu nại của bà Xuân.

Công văn này do ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng giám đốc VPbank ký và đóng dấu ngân hàng, song công văn lại không có số (!?). Trong thông báo này, VPBank xác nhận có vụ việc khiếu nại của khách hàng bị mất tiền trong tài khoản của ngân hàng này. Trước đó, ngày 19/10/2015, VPBank đã nhận được đơn tố cáo của bà Xuân cho rằng ông Phạm Văn Trinh- kế toán công ty Quang Huân và một số cán bộ, nhân viên VPBank câu kết, thông đồng làm thiệt hại của công ty Quang Huân số tiền 11,3 tỷ đồng.

Con số thiệt hại 11,3 tỷ đồng này thấp hơn rất nhiều số tiền 26 tỷ đồng mà bà Xuân ước tính bị rút trộm khỏi tài khoản công ty. Theo VPbank, ngày 30/10/2015, ngân hàng đã có buổi làm việc với bà Xuân, đại diện VPBank, ông Phạm Văn Trinh, các cá nhân liên quan. Tuy nhiên, qua quá trình làm việc, xác minh các cá nhân liên quan đều phủ nhận nội dung tố cáo của bà Xuân và yêu cầu đối chất với bà Xuân để làm rõ.

“VPbank đã chủ động trao đổi, mời bà Xuân làm việc nhằm tạo cơ hội cho các bên đối chất, làm rõ sự việc nhưng bà Xuân không phối hợp và trả lời đã gửi đơn cho các cơ quan công an điều tra, làm rõ”- Thông báo của VPbank nêu rõ. Sự thiện chí của VPbank còn được thể hiện ở việc ngân hàng hướng dẫn bà Xuân nhân danh công ty Quang Huân để thực hiện khiếu nại, làm cơ sở cho VPBank thực hiện giải quyết khiếu nại theo đúng quy định pháp luật.

Bà Xuân cho rằng đã có sự câu kết và tiếp tay giữa nhân viên VPBank và những đối tượng khác nhằm đánh cắp tiền của công ty

VPbank: Chứng từ giao dịch hợp lệ

Sau khi bà Xuân gửi đơn tố cáo lên cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ công an) thì PC46 (công an TP.HCM) đã tiến hành điều tra, xác minh đơn thư. Ngày 25/7 và 1/8, PC46 đã có văn bản yêu cầu VPbank cung cấp hồ sơ liên quan vụ việc này.

VPbank cho biết, ngày 28/3/2015, ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho công ty Quang Huân trên cơ sở đơn mở tài khoản, mẫu dấu và chữ ký của chủ tài khoản cùng các tài liệu cần thiết theo quy định pháp luật và ngân hàng. Về hàng loạt giao dịch rút-chuyển tiền từ tài khoản này, VPBank khẳng định: “các chứng từ chuyển khoản, rút tiền, mua séc… đều được thực hiện ký, đóng dấu bởi đại diện theo pháp luật của công ty Quang Huân với chữ ký, con dấu khớp với mẫu chữ ký, con dấu đã đăng ký khi mở tài khoản”.

Đồng thời, mọi giao dịch phát sinh từ tài khoản này đều được ngân hàng thông báo tới số điện thoại đăng kí- là số của bà Xuân – chủ tài khoản. VPbank cũng nhấn mạnh “đã kiểm tra và thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của chủ tài khoản công ty Quang Huân trên cơ sở kiểm tra, đối chiếu chữ ký trên các chứng từ thanh toán, chuyển tiền… khớp đúng với mẫu đã đăng ký”…

Những điểm bất thường Xung quanh vụ tài khoản “bốc hơi” 26 tỷ đồng, có hàng loạt câu hỏi đặt ra, thứ nhất: hồ sơ, chứng từ giao dịch liên quan việc mở tài khoản công ty Quang Huân với chủ tài khoản là bà Trần Thị Thanh Xuân có hợp lệ hay không?

Vì theo chứng cứ mà bà Xuân đưa ra và khẳng định, tên chủ tài khoản trên séc chi tiền là Trần Thị Thanh Xuân, nhưng phần chữ ký lại giống chữ ký của Phạm Văn Trinh - kế toán công ty là có sự giả mạo chứng từ, và chưa từng mua séc. VPbank khẳng định “các chứng từ thanh toán, chuyển tiền… khớp đúng với mẫu chữ ký, con dấu đã đăng ký khi mở tài khoản”.

Còn chủ tài khoản - bà Trần Thị Thanh Xuân lại cho rằng, có sự giả mạo chữ ký của mình và chưa từng mua séc. Từ đây, đặt ra nghi vấn ngay từ đầu đã có chủ đích gian lận hồ sơ mở tài khoản công ty Quang Huân theo kiểu đăng kí “tên người một đằng, chữ ký một nẻo” (ở đây là chữ ký của kế toán Phạm Văn Trinh). Vậy VPbank đã thực hiện kiểm tra, xác minh ra sao để khẳng định hồ sơ mở tài khoản này là “đúng quy định pháp luật và ngân hàng”?

Thứ hai, hồ sơ mở tài khoản công ty Quang Huân hợp lệ và hệ thống của VPbank mặc định công nhận chủ tài khoản và chữ ký, con dấu trên giấy tờ. Với hình thức giao dịch chi séc được thực hiện tại ngân hàng, vậy bà Xuân có trực tiếp đến giao dịch, ký các lệnh chi rút – chuyển tiền hay không? Trường hợp séc đã được ký và đóng dấu sẵn, ngân hàng đã làm gì để xác minh tính hợp pháp của những tờ séc này trước khi cho rút - chuyển hàng chục tỷ đồng?

Thứ ba, khi xảy ra khiếu nại, tố cáo của chủ tài khoản về sự cố bị rút trộm tiền, vì sao VPbank không cung cấp hồ sơ gốc mở tài khoản của công ty Quang Huân, bao gồm: đơn mở tài khoản, chứng minh thư/hộ chiếu của chủ tài khoản, chức vụ, chữ ký, con dấu hợp pháp… ? Những tài liệu này sẽ xác định được ai là người mở tài khoản đứng tên bà Trần Thị Thanh Xuân và đăng ký mẫu chữ ký của Phạm Văn Trinh. Nghi vấn cán bộ của VPbank câu kết, làm giả hồ sơ tài khoản, đứng ra mua séc để rút tiền cũng sẽ được sáng tỏ.

Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và phát triển Quang Huân (mã số thuế 0311212543), có địa chỉ tại số 192 Nguyễn Thị Lắng, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM. Công ty này được thành lập ngày 6/10/2011, do bà Trần Thị Thanh Xuân- Giám đốc là Người đại diện pháp luật.

Ngày 25/12/2015, công ty Quang Huân đã làm thủ tục ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành việc đóng mã số thuế. Tức là công ty ngừng hoạt động sau 5 tháng xảy ra vụ trộm 26 tỷ đồng.

Sau một năm ròng chủ doanh nghiệp khổ sở, kêu cứu, đến cuối tháng 7/2016, cơ quan điều tra đã yêu cầu VPBank phối hợp cung cấp hồ sơ vụ việc. Lưu ý là, khi khách hàng liên tục khiếu nại các dấu hiệu giả mạo, hình sự trong vụ việc, VP Bank chỉ làm một việc là “khuyên giải, tư vấn khách hàng” thủ tục pháp lý. Trong khi trên thực tế, ngân hàng này có thể lập tức mời cơ quan công an vào cuộc để làm rõ có hay không việc giả mạo đó, nhất là khi vụ việc có liên quan tới chính nhân viên (Hằng) của ngân hàng.

Cần nói rõ, nếu quả thực có việc giả mạo, lừa đảo, thì ngân hàng mới là nạn nhân, chứ không phải khách hàng. Và ngược lại, nếu khách hàng cố tình dựng chuyện để trục lợi tiền của ngân hàng, thì hành vi ấy càng cần phải được làm rõ, và xử lý thích đáng. Đằng này ngân hàng lại im lặng, chờ cho khách hàng tự lên tiếng. Chỉ xét về thái độ phục vụ, quá khó để nói VP Bank vô tư, khách quan, vô can trong vụ việc này, dù là với khách hàng, hay với chính ngân hàng này.

Hải Hà 

>> 26 tỷ “bốc hơi” khỏi VPBank: Người trong cuộc tố nhau chan chát

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh hội thảo

Để ESG dẫn dòng tín dụng

Ngành ngân hàng đang thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh...

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...