Nhiều ngân hàng công bố biểu lãi suất huy động mới

Mới đây, một số ngân hàng đã công bố biểu lãi suất huy động mới từ tháng 4/2022. Trong đó, lãi suất nhiều kỳ hạn tiếp tục được điều chỉnh tăng.
Nhiều ngân hàng công bố biểu lãi suất huy động mới

Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) điều chỉnh tăng thêm từ 0,1-0,3%/năm lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn kể từ ngày 1/4. Cụ thể, NamABank tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng thêm 0,3%/năm lên mức 6,5%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng 0,1%/năm lên 6,6%/năm; kỳ hạn 10-11 tháng, lãi suất tăng 0,3%/năm lên 6,8%/năm.

Đây cũng là một trong những ngân hàng có mức lãi suất cao nhất nằm trong nhóm đầu hệ thống với lãi suất cao nhất lên tới 7,4%/năm cho tiền gửi online kỳ hạn từ 16 tháng trở lên khi gửi online và 7,2%/năm với kỳ hạn 12-15 tháng.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) đã điều chỉnh lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này lên thành 7%/năm, tăng 0,2%/năm so với hồi đầu tháng 3/2022. Mức lãi suất này áp dụng cho tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn 24 tháng.

Lãi suất kỳ hạn 18 tháng tại VietCapitalBank cũng tăng 0,2%/năm lên 6,9%/năm trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn giữ nguyên mức 6,6%/năm.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn 12 tháng lên tới 7,8%/năm. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng cần đáp ứng điều kiện gửi tiền từ 999 tỷ đồng trở lên. Đối với khoản gửi dưới 999 tỷ đồng, lãi suất áp dụng từ 4,7-4,9%/năm.

Từ nửa cuối tháng 3, nhiều ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)... cũng tăng lãi suất tiền gửi, phổ biến tăng từ 0,1-0,3%/năm.

Về lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng, đứng ngay sau quán quân Techcombank với 7,8%/năm là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7,6%/năm, áp dụng cho tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng; NamABank với 7,4%/năm. Tiếp đó là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với lãi suất 7,1%/năm, gửi từ 100 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng; Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và VietCapitalBank với 7%/năm...

Về lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) có mức lãi suất cao nhất là 0,25%/năm áp dụng cho gửi tiền trực tuyến. Trong khi đó, lãi suất với loại tiền gửi này tại các ngân hàng hầu hết chỉ là 0,1-0,2%/năm.

Xu hướng nhích tăng lãi suất huy động đã được ghi nhận kể từ sau Tết Nguyên đán. Tuy vậy, với nhóm các ngân hàng lớn là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), lãi suất huy động vẫn giữ ổn định ở mức 5,5-5,6%/năm.

Theo Trung tâm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, mặt bằng lãi suất hiện đã chạm đáy và khó có thể giảm thêm. Do đó, SSI dự báo từ nay đến cuối năm, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ tăng dần và phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế cũng như diễn biến của lạm phát. Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động dự kiến tăng nhẹ thêm từ 0,2-0,25% trong nửa cuối năm.

Xem thêm

Lãi suất điều hành sẽ tăng 4,5% vào cuối năm 2022?

Lãi suất điều hành sẽ tăng 4,5% vào cuối năm 2022?

Áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu và xăng dầu đã tăng giá, đồng thời lãi suất huy động có xu hướng đi lên có thể khiến Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành lên 4,5% vào cuối năm 2022.

Có thể bạn quan tâm

Tăng trưởng lành mạnh và bền vững, TPBank báo lãi gần 5.500 tỷ đồng

Bức tranh lợi nhuận tươi sáng của TPBank

Cuộc đua trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng trở nên khốc liệt, tuy nhiên TPBank vẫn luôn giữ vững vị thế, với kết quả kinh doanh quý 3, một lần nữa khẳng định năng lực cạnh tranh vượt trội của ngân hàng này...