Nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại Vinafor: Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xử lý theo thẩm quyền

Không chỉ để xảy ra thực trạng bị chiếm dụng hàng nghìn ha đất lâm nghiệp, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và các đơn vị thành viên còn cho thuê nhiều cơ sở đất đai trái pháp luật…
Nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại Vinafor: Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xử lý theo thẩm quyền

Đáng chú ý là, diện tích 343,04m2 xây dựng (12 gian tầng 1) tại 67 Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) lại được Vinafor hợp thức hoá để cấp GCNQSDĐ trái pháp luật cho doanh nghiệp khác. Với những sai phạm nói trên, tại Kết luận thanh tra số 1452 (KLTT), Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra xử lý theo thẩm quyền.

Quỹ đất “khủng” bị chiếm dụng

Vinafor là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT), được thành lập theo Quyết định số 667/TCLĐ ngày 04/10/1995 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Ngày 01/09/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 03/02/2016 phê duyệt phương án cổ phần hoá Vinafor.

Sau khi CPH, Vinafor có 6 chi nhánh hạch toán phụ thuộc, 3 văn phòng đại diện; 6 đơn vị thành viên gồm 6 công ty TNHH MTV do Vinafor sở hữu 100% vốn điều lệ; 13 Cty cổ phần có vốn góp chi phối (trên 51%), 19 công ty CP có vốn góp không chi phối và 08 công ty TNHH 02 thành viên trở lên.

Với đặc thù là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành Lâm nghiệp, thế nên quỹ đất của Vinafor vô cùng lớn, trải dài tại 149 xã, 49 huyện thuộc 14 tỉnh.

Theo Kết luận thanh tra 1452 nói trên, tổng diện tích đất nông nghiệp của Vinafor thời kỳ bắt đầu thành lập các lâm trường quốc doanh (từ năm 1980 trở về trước) là 115.327,1 ha, trong đó, đất Công ty mẹ - Tổng công ty và các công ty TNHH MTV 100% vốn điều lệ của Tổng công ty quản lý là 110.858,1 ha; đất các công ty cổ phần có vốn góp của Tổng công ty quản lý trước khi cổ phần là 4.469,0 ha. Diện tích bàn giao về địa phương quản lý 67.431,50 ha; trong đó, đất Công ty mẹ - Tổng công ty và các công ty TNHH MTV 100% vốn điều lệ của Cty Lâm nghiệp là 66.430,80 ha; đất các công ty cổ phần có vốn góp của Tổng công ty là 1.000,6 ha; đất bàn giao về địa phương chủ yếu để bố trí cho đồng bào thiếu đất sản xuất; đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, phân tán manh mún, sông suối, giao thông, sử dụng vào mục đích công cộng và đất cho người sử dụng ổn định lâu năm.

Đến ngày 31/12/2017, tổng diện tích đất của Vinafor đang quản lý, sử dụng là 47.895,60 ha (diện tích đã được cấp Giấy CNQSD đất là 15.445,32 ha; diện tích chưa được cấp mới, cấp đổi Giấy CNQSD đất sau đo đạc cắm mốc là 32.450,28 ha); trong đó, đất của Vinafor và các Cty TNHH MTV 100% vốn điều lệ của Vinafor 44.427,30 ha, đất các Cty cổ phần vốn góp vào Vinafor là 3.468,30 ha; diện tích đã đo đạc, cắm mốc là 40.922,80 ha (chiếm 85,4%) với tổng kinh phí đo đạc, cắm mốc, cấp Giấy CNQSD đất là 49.633,76 tỷ đồng, đang thực hiện 4.364,80 ha (chiếm 9%) với tổng kinh phí là 5.439,55 triệu đồng, chưa thực hiện là 2.608 ha (chiếm 5,6%).

Tổng diện tích đất phi nông nghiệp là 302,1 ha, Vinafor đang quản lý và sử dụng 28,80 ha; trong đó diện tích đất Văn phòng Vinafor là 6,30 ha, diện tích đất các chi nhánh là 22,50 ha; các Cty TNHH MTV 100% vốn điều lệ là 26,60 ha; các Cty cổ phần chi phối (Vinafor nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên) là 47,40 ha; các Cty cổ phần không chi phối, các công ty liên danh, liên kết (Vinafor nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ là 199,30 ha.

Tại Kết luận Thanh tra số 1452, ngày 21/08/2020 của Thanh Tra chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại Vinafor.

Cụ thể là, tổng diện tích đất nông nghiệp của Vinafor bị lấn, chiếm là 8.647,83 ha. Trong đó bao gồm, quỹ đất bị lấn chiếm tại tỉnh Lạng Sơn là 4.104,64 ha. Ngoài ra, UBND huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn cấp GCNQSDĐ (bìa xanh) cho người dân trùng lấn lên đất của Cty Lâm nghiệp Đình Lập 112,50 ha; UBND huyện Lộc Bình cấp trùng lần cho 37 hộ dân thuộc xã Lợi Bác, xã Quan Nam với tổng diện tích 165,95 ha…

Đối với tỉnh Hòa Bình bị dân chiếm dụng là 1.216,40 ha. Ngoài ra, tại địa phương cũng xảy ra tinh trạng các UBND cấp sổ xanh cho các hộ dân trùng lấn lên đất của Cty Lâm nghiệp Hoà Bình là 544,36 ha (thuộc các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Tân Lạc, Lạc Sơn và UBND TP.Hoà Bình).

Tại tỉnh Gia Lai cũng để dân chiếm dụng 66,80 ha. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai còn giao đất cho 03 doanh nghiệp là Cty Kông Chiêng 90,4 ha; Cty K ông Chro 122 ha; Ban quản lý rừng phòng hộ Ya Hội 15 ha chồng lấn lên đất của Cty MDF Vinafor Gia Lai.

Cũng tại các tỉnh Quảng Ngãi bị dân chiếm dụng là 113,13 ha; tỉnh Đồng Nai là 492,30 ha và tỉnh Phú Thọ là 17,50 ha); tỉnh Thái Nguyên là 1.385,96 ha;

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, được xác định là do những năm trước đây, các lâm trường quốc doanh được giao đất lâm nghiệp nhưng để đất trống nhiều năm không đưa vào sử dụng nên bị hộ dân lấn, chiếm. Mặt khác, đất lâm nghiệp trước đây chưa được đo đạc, cắm mốc và chưa có bản đồ địa chính, không có hồ sơ ranh giới cụ thể nên khi bị lấn, chiếm không có đầy đủ hồ sơ pháp lý để xử lý triệt để; nhiều hộ nhận khoán rừng và đất rừng theo Nghị định số 01/CP và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ khi hết chu kỳ nhận khóa không ký lại hợp đồng nhận khoán, không trả lại cho bên giao khoán.

Cũng theo KLTT, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà (Đồng Nai) bị các hộ dân lấn, chiếm 492,30 ha đất lâm nghiệp và tự ý trồng xen kẽ các loại cây nông nghiệp, cây ăn quả ngắn ngày dưới tán rừng với diện tích 1.156,18ha.

Về việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 31/12/2017, Tổng công ty Lâm nghiệp được giao quản lý, sử dụng 83 cơ sở nhà đất (tổng diện tích 55,39 ha đất), đến nay mới trình các cơ quan chức năng phê duyệt xử lý, sắp xếp 07 cơ sở (diện tích đất 5,13 ha đất); còn 76 cơ sở (50,26 ha đất) chưa được xử lý, sắp xếp theo quy định.

Kết luận thanh tra số 1452 chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại Vinafor
Kết luận thanh tra số 1452 chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại Vinafor

Cấp sổ đỏ sai đối tượng, cho thuê đất trái pháp luật

Theo KLTT, dù diện tích 343,04m2 xây dựng thuộc 12 gian, tầng 1 nhà số 67 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội đã được Bộ Tài chính xác định tại văn bản số 13531 ngày 25/09/2014 là tài sản nhà nước được giao cho Vinafor quản lý, sử dụng. Vậy nhưng, không hiểu sao tài sản này lại được Sở Tài nguyên & môi trường HN cấp GCNQSDĐ cho Cty CP Thương mại Lâm sản Hà Nội. Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật đất đai.

Với khu đất tại số 55, đường 430, phường Vạn phúc, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Khu đất này có diện tích 4.575,7m2, Tổng công ty ký hợp đồng thuê đất với Sở TNMT Hà Nội và hợp tác đầu tư với Công ty CP Sông Đà 1.01 để thực hiện Dự án Tòa nhà đa năng và chung cư cao cấp Vinafor. Dự án được cấp phép chứng nhận giấy phép số 01121001130 ngày 19/12/2012 và được tích hợp sẵn giấy phép.

Tuy nhiên, đến nay dự án bị chậm tiến độ, mới thi công xong phần thô và hoàn thiện dở dang, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư dự án, Công ty CP Sông Đà 1.01 và Tổng công ty. Trách nhiệm thuộc về Chủ đầu tư dự án, Cty Sông Đà 1.01 và Vinafor.

Đối với việc cho thuê, mượn đất lâm nghiệp, Cty Lâm nghiệp Đình Lập và Cty Lâm nghiệp Lộc Bình (đều thuộc tỉnh Lạng Sơn) còn tự ý cho Tập đoàn Viettel – CN Lạng Sơn thuê lần lượt là 3.000m2 và 2.400m2 xây dựng 5 trạm phát sóng là không đúng quy định với Khoản 2, Điều 12, Luật Đất đai năm 2013.

KLTT cũng chỉ ra rằng, Giám đốc Lâm trường Tân Lạc ký Hợp đồng giao khoán 150 ha đất nông nghiệp với Trung tâm ứng dụng KHKT lâm nghiệp thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp thời gian giao khoán 50 năm để làm các mô hình nghiên cứu, thực nghiệm theo quy định tại Nghị định số 01/CP của Chính phủ. Tuy nhiên, khi Nghị định số 135/2005/ND-CP có hiệu lực thì đơn vị nhận giao khoán không thuộc đối tượng được giao khoán đất nông nghiệp, cần phải được rà soát để thanh lý hợp đồng, thu hồi đất, đảm bảo theo đúng quy định.

Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xử lý theo thẩm quyền

Trước những sai phạm nêu trên, Thanh tra chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những tồn tại, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Vinafor và 2 doanh nghiệp khác thuộc đối tượng thanh tra trong KLTT 1452 này.

Yêu cầu Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng của các địa phương để hoàn tất thủ tục cấp giấy CNQSD đất đối với 32.450,28 ha đất; hoàn thành việc rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất đối với các bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ kinh phí thực hiện, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Vinafor cần chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những khuyết điểm, vi phạm của Tổng công ty. Kiểm tra, rà soát đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất chuyển nhượng dự án,... theo thẩm quyền xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, Thanh tra Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra xác minh để xử lý đối với vi phạm trong quản lý sử dụng nhà đất tại số nhà 67 Ngô thì Nhậm (Hà Nội).

Chí Tuyên – Thanh Bút

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…